Đẩy mạnh cải cách hành chính ở các xã sau sáp nhập

Đổi mới lề lối, tác phong làm việc, cởi mở và thân thiện khi giải quyết công việc, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo niềm tin trong Nhân dân... là những ưu tiên hàng đầu của các địa phương sau sáp nhập trong cải cách hành chính (CCHC).

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả UBND thị trấn Tân Phong (Quảng Xương).

Có mặt ở thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) vào đầu giờ chiều, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc thân thiện, cởi mở giữa đội ngũ công chức bộ phận “một cửa” với người dân đến giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Những thủ tục đơn giản được giải quyết nhanh gọn, những thủ tục cần thời gian giải quyết được ghi phiếu hẹn cụ thể, những thủ tục không thuộc thẩm quyền được hướng dẫn tận tình, chu đáo để người dân vui vẻ liên hệ đến cơ quan chức năng khác. Chị Nguyễn Thị Hoa, trưởng bộ phận “một cửa” chia sẻ: “Thị trấn Tân Phong được thành lập trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng thị trấn Quảng Xương và 2 xã Quảng Phong, Quảng Tân. Vì thế, dân số của địa phương tăng lên nhiều. Thời gian đầu mới sáp nhập, công dân còn bỡ ngỡ, trong khi lại có nhiều thủ tục phức tạp cần giải quyết, chúng tôi phải căn cứ vào từng thủ tục cụ thể để hướng dẫn và giải quyết cho công dân. Để người dân Quảng Phong, Quảng Tân cũ không có cảm giác e ngại đi đến trụ sở mới, công chức bộ phận “một cửa” phải đổi mới lề lối, tác phong làm việc theo hướng gần gũi, trách nhiệm, nhiệt tình, nâng cao chất lượng phục vụ”. Với tinh thần, trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ, 6 tháng đầu năm 2020, thị trấn Tân Phong tiếp nhận 7.047 hồ sơ giải quyết TTHC nhưng không có hồ sơ nào giải quyết quá hạn hoặc bị tồn đọng. Bác Trịnh Đình Việt, thị trấn Tân Phong chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi khá băn khoăn về việc chuyển đổi giấy tờ sau khi sáp nhập có phức tạp hay không. Nhưng được sự hướng dẫn, giải thích tận tình, rõ ràng của cán bộ, công chức thị trấn nên việc đính chính, sửa đổi thông tin được thực hiện khá nhanh chóng, không phải mất phí. Chúng tôi không gặp khó khăn gì về vấn đề làm thủ tục, giấy tờ. Điều đó làm chúng tôi khá hài lòng”.

Sau khi được sáp nhập từ 2 xã Hoằng Anh và Hoằng Long, chính quyền xã Long Anh (TP Thanh Hóa) xác định đổi mới CCHC sẽ làm cho bộ máy hoạt động hiệu quả hơn, các thể chế quản lý Nhà nước được ban hành đồng bộ, khả thi, đi vào cuộc sống, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tốt hơn. Theo đó, xã đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh CCHC như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện tốt “3 không” là không phiền hà sách nhiễu, không bổ sung hồ sơ quá 1 lần và không trễ hẹn... Ông Lê Duy Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Long Anh cho biết: “Chính quyền xã xác định việc thực hiện chuyển đổi các giấy tờ cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo hoạt động ổn định sau sáp nhập, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ngay sau sáp nhập, bộ phận “một cửa” có thêm những công chức mới do 2 xã nhập lại nên ban đầu người dân thấy xa lạ. Để tạo sự gần gũi, hài lòng cho người dân, chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Mỗi cán bộ, công chức phải thực hiện tốt công tác tiếp dân, khi giải quyết TTHC nếu người dân chưa hiểu phải giải thích cặn kẽ, còn nếu hồ sơ không thuộc thẩm quyền phải hướng dẫn rõ ràng để người dân vui vẻ liên hệ đến cơ quan chức năng khác. Cùng với đó, UBND xã cũng đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm mới trang thiết bị phục vụ công tác CCHC ngày càng tốt hơn. Sau 7 tháng sáp nhập, 100% TTHC được UBND xã xử lý đúng thời gian quy định, vì vậy trên địa bàn xã không có khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân về giải quyết TTHC”.

Xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) được thành lập trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng xã Hoằng Đức với xã Hoằng Minh, công sở làm việc đặt tại xã Hoằng Minh. Anh Lê Tuấn Sơn, công chức văn phòng xã Hoằng Đức cho biết: “Tôi là công chức xã Hoằng Đức cũ. Công việc của tôi là giải quyết TTHC cho người dân. Do sáp nhập nên thời gian đầu, toàn bộ công dân của xã Hoằng Minh cũ tôi chưa biết. Vì thế, trước khi giải quyết TTHC cho người dân, tôi giới thiệu tên mình, hỏi tên và địa chỉ của công dân để làm quen. Đồng thời, tôi lấy phiếu khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước sau sáp nhập để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Trong quá trình giải quyết TTHC, một số người dân có thắc mắc, băn khoăn liên quan đến việc chuyển đổi giấy tờ như chứng minh thư, giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, con dấu, hiệu lực hành chính..., tất cả câu hỏi của người dân đều được công chức bộ phận “một cửa” giải thích cặn kẽ, tạo sự yên tâm, hài lòng cho người dân. Đến thời điểm này, các dịch vụ công thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của Nhân dân đều được thực hiện tốt, không có sự xáo trộn hay thay đổi nhiều so với trước đây”.

Nắm bắt được băn khoăn, lo lắng của người dân trong việc thay đổi đơn vị hành chính trên các giấy tờ, ngay sau khi kiện toàn bộ máy tổ chức, các địa phương sáp nhập đã tiến hành sắp xếp, bố trí việc làm cho cán bộ, công chức theo đúng năng lực, trình độ chuyên môn. Riêng bộ phận “một cửa” bố trí đủ số lượng cán bộ, công chức làm việc để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân khi đến giải quyết các TTHC và sửa đổi thông tin trên giấy tờ liên quan. Các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền để người dân nắm được giá trị sử dụng của các loại giấy tờ. Đối với các loại giấy tờ đã được các cơ quan thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ vẫn có giá trị pháp lý bình thường. Nếu chưa hết thời hạn theo quy định người dân vẫn được tiếp tục sử dụng và không thu phí sửa đổi, đính chính thông tin khi thay đổi địa giới hành chính.

Minh Khôi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/day-manh-cai-cach-hanh-chinh-o-cac-xa-sau-sap-nhap/122633.htm