Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn

Trên lộ trình đưa Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước, ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư vào KKTNS tiếp tục được tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp (CKCN) chú trọng triển khai, với nhiều hình thức đa dạng và phong phú hơn.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam và đoàn công tác tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam và đoàn công tác tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Sau 16 năm hình thành và phát triển, KKTNS đã được điều chỉnh quy hoạch lên 106.000 ha, với 55 phân khu; trong đó, 25 phân khu dành cho phát triển công nghiệp, 17 phân khu phát triển đô thị, 9 phân khu phát triển du lịch và các khu sinh thái... Hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi về hệ thống giao thương, nhất là lợi thế của Cảng nước sâu Nghi Sơn, đến nay, KKTNS đã thu hút được 265 dự án đầu tư trực tiếp trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 149.000 tỷ đồng và 23 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 12,8 tỷ USD.

Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phân khu và nhanh chóng công khai quy hoạch ngay sau khi được phê duyệt là một trong những nhiệm vụ được Ban Quản lý KKTNS&CKCN chú trọng. Hoạt động này nhằm kịp thời thông tin đến nhà đầu tư các quy hoạch sử dụng đất kèm theo danh mục dự án thu hút đầu tư. Sau khi hoàn thành chương trình phát triển KKTNS&CKCN giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện phương án phát triển KKTNS&CKCN tích hợp vào quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030; lập và trình phê duyệt 5 đồ án quy hoạch phân khu trong KKTNS trong năm 2021; trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý KKTNS&CKCN tiếp tục trình UBND tỉnh phê duyệt 12 đồ án quy hoạch, gồm điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng KKTNS đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch phân khu khu công nghiệp số 5, 11, 17, 19, 20, 21, 22; khu kho hàng KT-01; khu nghĩa trang Nhân dân NT-02; khu đô thị số 12, 14. Đến nay, UBND tỉnh phê duyệt 4 phân khu khu công nghiệp (số 5, 11, 17, 20) và đang xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương điều chỉnh quy hoạch phân khu khu công nghiệp số 19; Sở Xây dựng đang thẩm định 7 đồ án. Ngay sau khi các đề án có quyết định phê duyệt, UBND tỉnh, các sở, ngành, Ban Quản lý KKTNS&CKCN đã thực hiện minh bạch các quy hoạch này trên cổng thông tin điện tử các đơn vị, tạo thuận lợi để nhà đầu tư tìm hiểu trước khi có quyết định thực địa khảo sát.

Thực tế, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, nhận định xu hướng chuyển dịch đầu tư với các giải pháp thích ứng linh hoạt, nhiều “dòng vốn” FDI cũng đã nhen nhóm ý tưởng đến với Việt Nam. Nhằm nắm bắt kịp thời xu hướng đầu tư này, Thanh Hóa cũng đã triển khai nhiều phương thức quảng bá, xúc tiến hình ảnh của KKTNS đến các nhà đầu tư quốc tế. Đại diện Ban Quản lý KKTNS&CKCN, cho biết: Đơn vị đã chủ động đấu mối và liên tục hỗ trợ các nhà đầu tư qua công văn, email, điện thoại để cung cấp thông tin về quy hoạch, địa điểm đầu tư, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư tại KKTNS. Tiềm năng, lợi thế, thiện tình của tỉnh Thanh Hóa thực tế đã thu hút được nhiều tổ chức, đoàn doanh nghiệp đến khảo sát và tìm hiểu cơ hội dừng chân sản xuất trong thời gian gần đây.

Điển hình như những ngày cuối tháng 3 vừa qua, ngay sau chuỗi các chương trình chính của Hội nghị gặp gỡ Hàn Quốc 2022 do tỉnh Thanh Hóa đăng cai tổ chức tại TP Sầm Sơn, đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và đoàn doanh nghiệp đến từ đất nước Hàn Quốc đã đi thăm, khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào KKTNS. Dưới sự giới thiệu từ các sở, ngành, đơn vị, Ban Quản lý KKTNS&CKCN tỉnh Thanh Hóa, đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đã tìm hiểu điều kiện hạ tầng, dư địa phát triển và các điều kiện liên quan đến đầu tư tại Khu Công nghiệp số 3, KKTNS. Đây là khu công nghiệp được quy hoạch diện tích 274 ha, đang được hoàn thiện hạ tầng và dự kiến sẽ thu hút đầu tư từ giữa năm 2022. Đánh giá sự thuận lợi về hạ tầng giao thông và tính kết nối, nhất là trong quy hoạch phát triển, khu công nghiệp này ưu tiên thu hút các dự án cơ khí, điện tử, công nghiệp lắp ráp..., cùng với các cam kết hỗ trợ đầu tư của tỉnh Thanh Hóa, một doanh nghiệp sản xuất xe điện mini của Hàn Quốc đã rất thiện chí trong việc nghiên cứu đầu tư dự án này tại KKTNS.

Cũng trong tháng 3, đại diện Ban Quản lý KKTNS&CKCN, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh đã đưa đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đi khảo sát thực địa tại Khu Công nghiệp số 3, Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Tổng kho xăng dầu Anh Phát, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng Anh Phát, tại KKTNS. Qua chuyến khảo sát thực địa, các doanh nghiệp Nhật Bản bước đầu đã nhìn thấy cơ hội đầu tư; nhất là những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các chính sách ưu đãi đầu tư. Ngay sau cuộc khảo sát và làm việc, Công ty TNHH Biomass Fuel Nghi Sơn và UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư nhà máy sản xuất viên nén gỗ, với công suất 200.000 tấn sản phẩm/năm và nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao, với công suất 5.000 tấn/năm tại KKTNS.

Ngoài những chuyến khảo sát điển hình trên, theo thông tin từ Ban Quản lý KKTNS&CKCN, trong những tháng đầu năm 2022, đơn vị đã tổ chức đón tiếp, làm việc và trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu cho nhiều đoàn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến làm việc, nghiên cứu đầu tư, như Tập đoàn Ramky tìm hiểu, khảo sát đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp; đoàn khách Italia khảo sát, tham quan KKTNS và nghiên cứu đầu tư dự án du lịch, nghỉ dưỡng và sản phẩm đầu ra của lọc hóa dầu; đoàn các nhà đầu tư Ấn Độ khảo sát Khu Công nghiệp số 20, 21, KKTNS để đầu tư dự án sản xuất dược phẩm; Ngân hàng Nhật Bản khảo sát, tham quan KKTNS và nghiên cứu đầu tư trạm xử lý nước thải; đoàn công tác Hiệp hội An ninh và Quản lý khủng hoảng Nhật Bản tìm hiểu để đầu tư dự án xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, thể dục, thể thao.

Đồng chí Bùi Tuấn Tự, Phó trưởng Ban Quản lý KKTNS&CKCN tỉnh, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, tại KKTNS&CKCN đã cấp mới 13 dự án; trong đó, 8 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư 3.020 tỷ đồng; 5 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư 21 triệu USD; 22 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với số vốn điều chỉnh tăng 994 tỷ đồng và 21 triệu USD. Ngoài việc xúc tiến triển khai gặp gỡ, đối thoại, quảng bá hình ảnh và các tiềm năng, thế mạnh khi đầu tư vào KKTNS&CKCN, thì công tác cải cách hành chính (CCHC) cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị là 56 TTHC; trong đó, có 35/56 TTHC đăng ký dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Với mục tiêu xây dựng “cơ quan hành chính phục vụ”, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, đơn vị đã chỉ đạo quyết liệt, bám sát công tác CCHC tiêu chí “4 tăng, 2 giảm và 3 không”, giảm từ 30 - 60% thời gian giải quyết TTHC so với quy định. Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Quản lý KKTNS&CKCN đã tổ chức tiếp nhận 488 hồ sơ giải quyết TTHC; trong đó, giải quyết sớm, đúng hạn 445 hồ sơ, đang giải quyết 43 hồ sơ; tiếp nhận và xử lý 5.569 văn bản đến, ban hành 2.011 văn bản đi đúng quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/day-manh-cac-hoat-dong-xuc-tien-dau-tu-vao-khu-kinh-te-nghi-son/163285.htm