Đẩy mạnh các hình thức kinh tế hợp tác

Chiều 21/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp “Đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự đã dự lễ.

Chương trình phối hợp đặt mục tiêu thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân;

Phát triển bền vững kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả. Chương trình tạo điều kiện cho hội viên, nông dân phát triển kinh tế hộ có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Theo đó, Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ phối hợp triển khai nhiều nội dung, giải pháp nhằm đạt được những mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 thành lập 250.000 tổ hợp tác, 18.000 hợp tác xã, 100 liên minh hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn gắn với chuỗi giá trị sản phẩm phát triển bền vững với quy mô lớn có sức lan tỏa.

100% các xã có hợp tác xã hoạt động đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và liên kết sản xuất gắn với nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. 40% cán bộ quản lý hợp tác xã có trình độ đại học và 50%-55% trình độ trung cấp. Thu nhập bình quân của các thành viên, người lao động trong các hợp tác xã tăng gấp đôi so với năm 2015. 90% hội viên nông dân tham gia là thành viên của các tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn khẳng định: Kinh tế tập thể có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Từ khi đất nước đổi mới đến nay, các mô hình hợp tác xã kiểu mới đóng vai trò nền tảng đối với sự phát triển nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp của nước ta, đóng vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới, biến đổi khí hậu tại Việt Nam diễn ra ngày càng khắc nghiệt, trong khi đó nông nghiệp Việt Nam chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ. Vì vậy, việc đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp là nhu cầu cần thiết và cấp bách, cần đẩy mạnh liên kết, xây dựng các mô hình hợp tác xã và tổ hợp tác kiểu mới với mục tiêu tất cả vì lợi nhuận của nông dân. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đang dành mọi nguồn lực từ vốn, kỹ thuật, phân bón đến tiêu thụ nông sản và trợ giúp pháp lý nhằm giải quyết những khó khăn trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn hiện nay.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam mong muốn trong thời gian tới hai cơ quan tiếp tục phối hợp tốt trong việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tạo động lực cho quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, tạo thuận lợi cho đất nước phát triển.

Thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2005-2016, các cấp Hội đã tổ chức 9.500 lớp tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể cho 475.280 lượt cán bộ Hội; thành lập 102.000 tổ hợp tác sản xuất và dịch vụ; xây dựng 132.000 tổ tiết kiệm và vay vốn; thành lập 605 hợp tác xã kiểu mới chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp.

Hữu Tiến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/day-manh-cac-hinh-thuc-kinh-te-hop-tac-20161121210246641.htm