Đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp

Ảnh hưởng của dịch còn lâu dài và rất phức tạp, việc thảo luận, bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động là rất cấp bách. Do đó, Bộ LĐ-TBXH đã đưa ra một số chính sách, cách tiếp cận.

Chiều 29/6, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị "Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19".

Phát biểu tại Hội nghị, thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định, nhờ quyết liệt phòng chống dịch ngay từ giai đoạn đầu, xác định bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, Chính phủ xác định sẵn sàng hi sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn, vì vậy đã cơ bản khống chế được đại dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay Chính phủ xác định phát triển kinh tế trong tình hình bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, tình hình dịch bệnh ở các nước trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp, người lao động vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Xác định các doanh nghiệp, người lao động còn gặp nhiều khó khăn, cần hỗ trợ sớm, trong phiên họp của Chính phủ tới đây sẽ tiếp tục bàn giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ mạnh hơn, vì vậy Bộ LĐ-TBXH tổ chức hội nghị này với mong muốn tiếp tục lắng nghe ý kiến doanh nghiệp.

Thị trường lao động chịu ảnh hưởng nặng nề

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục việc làm đã cung cấp những thông tin tổng quan về thị trường lao động.

Theo đó, thị trường lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề, số lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2020.

Lực lượng lao động thấp kỷ lục, lao động có việc làm có mức giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua; tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.

Theo tính toán sơ bộ, tính đến tháng 6/2020, cả nước đã có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...

Số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm khoảng 1,4 triệu người, trong đó lao động mất việc làm do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất gần 900 nghìn người...

Trong khi số lao động mất việc làm liên tục gia tăng thì kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm rất thấp (ước tính giải quyết việc làm cho 540 nghìn lao động, đạt 36,5% kế hoạch đặt ra, bằng 76,1% cùng kỳ năm trước). Nhu cầu tuyển dụng lao động mặc dù tháng 6 bắt đầu gia tăng so với 5 tháng đầu năm nhưng vẫn rất thấp so với cùng kỳ năm 2019 (tại TP HCM giảm 28%, Hà Nội giảm 23%...).

Ông Vũ Trọng Bình cũng chỉ ra, những khó khăn của thị trường lao động được thể hiện qua việc người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo tính toán sơ bộ, trong 6 tháng đầu năm 2020, số người nộp hồ sơ hưởng TCTN là 565 nghìn người, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019, số tiền chi trả TCTN gần 7.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2019.

8 giải pháp tháo gỡ khó khăn

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 15/2020/QD-TTg ngày 24/4/2020 quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Dù vậy, các giải pháp phần lớn mới tập trung hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Với các doanh nghiệp mặc dù đã có các chính sách như vay vốn để trả lương ngừng việc, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất... nhưng chưa thực sự hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh.

Hơn nữa, việc ảnh hưởng của dịch còn lâu dài và rất phức tạp thì việc thảo luận, bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động là rất cấp bách. Do đó, Bộ LĐ-TBXH đã đưa ra một số chính sách, cách tiếp cận để Hội nghị bàn thảo thêm. Cụ thể là:

- Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng có những chính sách, chiến lược mạnh dạn, tức thời để khai thông nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, đơn giản hóa thủ tục và điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp tự tin hơn trong đầu tư dài hạn.

- Chủ động nắm bắt thị trường lao động trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp thiếu hụt nguồn lao động, chuyên gia nước ngoài, lao động bị thôi việc, mất việc làm…

- Nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung cầu - lao động cũng như thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, sử dụng lao động, thu thập, cập nhật thông tin thị trường lao động.

- Chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.

- Xây dựng chính sách về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng người lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

- Xây dựng chính sách về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN

- Rà soát các quy định pháp luật về lao động, việc làm để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh sa thải hàng loạt hoặc ngừng hoạt động, phá sản. Đồng thời, hỗ trợ người lao động duy trì, ổn định cuộc sống trong bối cảnh ngưng việc, mất việc làm, giảm thu nhập.

- Tiếp tục nghiên cứu, trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khắc phục khó khăn để ổn định, phát triển sản xuất.

Nới lỏng điều kiện giúp DN dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn cũng như các kiến nghị của mình như: Công ty Saigontourist, Tổng công ty du lịch Hà Nội, Tổng công ty May 10,…

Đại diện Tổng công ty Du lịch Hà Nội cho biết, do đại dịch Covid-19 ngành du lịch khách sạn ảnh hưởng rất trầm trọng, trong đó có Tổng công ty Du lịch Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại, kết quả kinh doanh của 2 quý đầu năm tổng doanh thu là 93 tỷ đồng, đạt 9% kế hoạch năm. Về khách lưu trú, phục vụ hơn 9.100 lượt khách, đạt 18% kế hoạch năm, giảm 39% so với cùng kỳ 2019. Công suất phòng bình quân giảm 43% so với cùng kỳ 2019. Về khách lữ hành giảm 41% so với cùng kỳ 2019.

Một số khách sạn liên doanh của Tổng công ty cũng giảm hiệu quả rất lớn, ví dụ khách sạn Metropole, trước doanh thu một ngày khoảng 3 tỷ, đến thời điểm hiện tại chỉ còn 20-30 triệu đồng.

Còn theo đại diện của Saigontourist, ngoài du lịch nội địa thì du lịch đưa người Việt Nam ra nước ngoài và du lịch quốc tế chưa được mở cửa do chính sách giãn cách cũng như cấm xuất nhập cảnh trên thế giới, trong khi với lữ hành, hai mảng này chiếm tỷ trọng doanh thu rất cao trong. Mặt khác, nguồn khách mà Saigontourist tiếp rất đông là du lịch tàu biển thì đang hoàn toàn ngừng, chưa có dấu hiệu phục hồi.

Đến thời điểm này Công ty chưa có chính sách giảm lao động, tuy nhiên mặc dù đã tiến hành các biện pháp tiết kiệm nhưng đến tháng 6/2020, các nguồn dự phòng cho chi phí lương thưởng bắt đầu giảm dần. Do đó công ty đang phải rà soát lại nhân sự để có biện pháp mới trong những tháng tiếp theo.

Bên cạnh một số giải pháp, kiến nghị đã gửi lên Bộ LĐ-TBXH, Saigontourist cũng đề xuất thêm một số kiến nghị, chẳng hạn cho phép doanh nghiệp và người lao động được chậm nộp bảo hiểm xã hội năm 2020, v.v...

Trước tình hình còn nhiều khó khăn phải đối mặt, đại diện các doanh nghiệp đều kiến nghị Bộ LĐ-TBXH đề xuất Chính phủ nới lỏng điều kiện, tiêu chí hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng; tiếp tục kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, trước mắt đến hết năm 2020; tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề cho lực lượng lao động bị mất việc làm, giúp họ có cơ hội trở lại thị trường lao động, v.v...

Qua ý kiến của đại diện một số doanh nghiệp tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình; ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội và Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương đã có các trao đổi làm rõ một số vấn đề doanh nghiệp đã nêu, để hiểu rõ, hiểu đúng về các chính sách đã được ban hành và cùng đồng thuận việc tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, Bộ ghi nhận, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ đó đề xuất Chính phủ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động. Với gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, Bộ đã có văn bản trình Chính phủ nới lỏng một số điều kiện, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, Bộ đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp được sử dụng Quỹ BHTN để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Bảo Quyên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin/day-manh-cac-giai-phap-thao-go-kho-khan-ve-lao-dong-viec-lam-cho-doanh-nghiep-652886.html