Đẩy mạnh an sinh xã hội cho lao động nữ di cư

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Hoàn Kiếm thường xuyên quan tâm, hỗ trợ lao động nữ di cư trên địa bàn quận được tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội và dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe và tư vấn pháp luật.

Hiện nay, lao động di cư là lực lượng có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế, góp phần ổn định cán cân cung – cầu trong thị trường lao động. Tuy nhiên, những người lao động này, nhất là nữ giới, lại là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Hầu hết, họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, di cư từ địa phương này đến địa phương khác để mưu sinh vì thế ít có điều kiện được hưởng các chính sách an sinh xã hội, dịch vụ y tế cũng như hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế.

Lao động nữ di cư được tuyên truyền về an sinh xã hội.

Từ năm 2014 đến nay, với sự phối hợp với Viện phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng – Light, Hội LHPN quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo Hội LHPN phường Phúc Tân và Chương Dương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này. Bà Trịnh Thị Huệ - Chủ tịch Hội LHPN quận Hoàn Kiếm cho biết, hai phường trên nằm ngoài đê sông Hồng với với hơn 38.000 nhân khẩu trong đó gần 3.000 lao động nữ ngoại tỉnh với nhiều ngành nghề khác nhau đến thuê trọ từ các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Phú Thọ… Trong đó, khoảng 30% lao động nữ ở độ tuổi dưới 50 tuổi và 70% lao động nữ ở độ tuổi trên 50 tuổi tập trung và các ngành nghề: Bán hàng rong (chiếm khoảng 70%), thu gom đồng nát, phế liệu (chiếm 15-20%), và dọn dẹp, giúp việc gia đình (chiếm 5-10%).

Hiện nay, trên địa bàn 2 phường đã thành lập được 16 nhóm tự lực với 103 lao động nữ tham gia. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, tư vấn pháp luật cho người lao động nữ di cư, Hội đã giúp người lao động được tiếp cận, hỗ trợ thông tin liên quan đến kiến thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, chính sách lao động, việc làm, các chính sách an sinh xã hội như BHXH, BHYT... Qua đó, nâng cao kiến thức và giúp lao động nữ bảo vệ quyền lợi chính đáng, vận động chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Đặc biệt, các cô, các bác nhóm trưởng, nhóm phó nhóm tự lực đều được tham gia tập huấn về các chủ đề: Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày, những vấn đề sức khỏe thường gặp của người lao động di cư khu vực phi chính thức, những nguy cơ, rủi ro mà người bán hàng rong và thu mua phế liệu thường gặp phải, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, an toàn và tai nạn lao động đối với người lao động di cư khu vực phi chính thức… Qua đó đã giải đáp được phần lớn những khúc mắc, khó khăn của chị em trong việc tham gia BHYT và BHXH tự nguyện. Các mô hình hỗ trợ lao động di cư dần đi vào hoạt động có hiệu quả, cải thiện sinh kế cho lao động di cư, quan trọng hơn là giúp họ hiểu và tiếp cận các chính sách an sinh xã hội để có thể bảo đảm quyền lợi của mình.

Để thuận lợi cho việc tham gia BHYT, Hội LHPN quận đã chỉ đạo Hội LHPN 02 phường Chương Dương và Phúc Tân phối hợp với UBND và Công an phường đơn giản hóa trong thủ tục hành chính. Theo đó, lao động nữ di cư chỉ cần điền thông tin đầy đủ vào Phiếu thay đổi nhân khẩu, có dán ảnh, Công an phường ký xác nhận là có thể đem trực tiếp lên BHXH quận mua thẻ BHYT. Kết quả, năm 2017 vừa qua, có 62 trường hợp lao động ngoại tỉnh khai báo tạm trú lâu dài được mua thẻ BHYT trên địa bàn 2 phường Chương Dương và Phúc Tân.

Tuy nhiên, bà Huệ cũng cho biết, vẫn còn nhiều chị em vẫn chưa có điều kiện tham gia mua BHYT trên địa bàn phường, nguyên nhân chính bởi các lao động ngoại tỉnh này chỉ làm việc mùa vụ, lên Hà Nội là tập trung làm kinh tế nên còn chủ quan, chưa quan tâm tới sức khỏe. Còn một số ít người lao động ở lâu nhưng trình độ văn hóa còn thấp, tâm lý vẫn còn e ngại tiếp xúc với chính quyền chỉ đăng ký với chủ nhà trọ chứ không ra đăng ký trực tiếp với cơ quan công an.

Trong thời gian tới, để giúp lao động di cư phi chính thức được tiếp cận nhiều hơn với chính sách an sinh xã hội, cần hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, tạo độ bao phủ rộng trong bảo vệ quyền lợi cho lao động di cư. Ngoài ra, các cấp Hội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người lao động về các chính sách an sinh xã hội, tầm quan trọng của BHXH,BHYT đối với đời sống người lao động di cư. Để lao động di cư có thể tiếp cận với BHYT, ngành BHXH cần sớm có hướng dẫn trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đăng ký tiếp cận mua thẻ, tạo điều kiện cho người lao động khám chữa bệnh.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/day-manh-an-sinh-xa-hoi-cho-lao-dong-nu-di-cu-83499.html