Đẩy lùi vấn nạn tảo hôn

Tảo hôn đã tồn tại như một tập quán cố hữu trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), để lại những hệ lụy rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Cùng với các địa phương khác trên cả nước, Hà Nội đang nỗ lực đẩy lùi vấn nạn tảo hôn.

39 trường hợp tảo hôn trong 5 năm

Trên địa bàn Hà Nội, đồng bào DTTS và miền núi sinh sống tập trung tại 14 xã thuộc 5 huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất, Chương Mỹ và Quốc Oai. Trong đó, dân tộc Mường chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 58% tổng số đồng bào vùng dân tộc miền núi. Thống kê của Ban Dân tộc TP cho thấy, từ năm 2015 - 2020, tại vùng DTTS và miền núi của Thủ đô ghi nhận tổng cộng 39 trường hợp tảo hôn, trong đó, huyện Quốc Oai có 29 trường hợp, huyện Mỹ Đức 10 trường hợp. Một điểm tích cực là số vụ tảo hôn trong 5 năm qua có chiều hướng giảm. Đặc biệt, toàn TP không ghi nhận trường hợp hôn nhân cận huyết thống nào tại vùng DTTS và miền núi từ năm 2015 đến nay.

 Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Vì tham gia lớp tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình. Ảnh: Lâm Nguyễn

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Vì tham gia lớp tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình. Ảnh: Lâm Nguyễn

Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về tâm lý, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bà mẹ, cũng như sự phát triển bình thường của thai nhi. Đây được xem là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em tại các xã vùng DTTS và miền núi.
Phấn đấu không còn tảo hôn vào năm 2025
Lý giải nguyên nhân trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tình trạng tảo hôn, Phó trưởng Ban Dân tộc TP Nguyễn Phúc Hải cho rằng, điều này trước tiên bắt nguồn từ việc kết hôn tại vùng DTTS và miền núi được thực hiện chủ yếu theo phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế. Sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn chưa quyết liệt. Các chế tài xử phạt hành vi vi phạm trong hôn nhân chưa đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe.
Tảo hôn cũng có nguyên nhân từ trách nhiệm của gia đình và nhà trường, khi chưa phổ biến, truyền tải đúng, đầy đủ đến các em nhỏ những hiểu biết về hôn nhân và gia đình, đặc biệt là vấn đề sinh sản. Cùng với đó là hệ lụy đến từ việc lan tràn những thông tin, phim ảnh đồi trụy dẫn tới tình trạng quan hệ tình dục sớm nhưng thiếu phòng vệ và phải kết hôn ngoài ý muốn…
Thực tế, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025”, Hà Nội cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện tại các địa phương. Nhiều nội dung quan trọng đã được tổ chức triển khai trong 5 năm qua, tập trung vào việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, hành động của mọi tầng lớp Nhân dân đối với vấn nạn tảo hôn.
Hà Nội cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Kết hợp xử lý các trường hợp vi phạm với tuyên truyền nêu gương. Đồng thời, tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tư vấn sức khỏe, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng và lưu động tại các thôn, bản…
Đại diện Ban Dân tộc TP cho biết, vừa qua, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”. Hà Nội đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cũng như giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban ngành, địa phương. Đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội đẩy lùi vấn nạn tảo hôn vào năm 2025, từng bước nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc miền núi.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/day-lui-van-nan-tao-hon-414762.html