Đẩy lùi tin giả trên báo điện tử hiện nay

Khi công nghệ thông tin phát triển, mạng xã hội ra đời cùng cácthiết bị di động được nhiều người sở hữu, cũng là lúc tin giả bùngphát mạnh mẽ.

Fake news - Tin giả trên mạng xã hội chưa có dấu hiệu giảm đi. Ảnh: TL

Fake news - Tin giả trên mạng xã hội chưa có dấu hiệu giảm đi. Ảnh: TL

Tin giả được tạo ra nhằm thu hút sự chú ý của công chúng, tạo sự tò mò hoặc cố tình làm nhiễu loạn thông tin. Nguy hiểm hơn, không ít cơ quan báo chí đã “dính bẫy” của tin giả khi khai thác nguồn tin mạng xã hội. Vậy, cần những giải pháp gì để đẩy lùi tin giả?

Số lượng tăng chóng mặt

Trong khoảng vài năm trở lại đây, có hàng trăm tin giả xuất hiện trên báo chí ở Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội, đến nhiều cá nhân, tổ chức. Tin giả xuất hiện trên mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Mặc dù các cơ quan báo chí đều có quy trình kiểm chứng nguồn tin, trải qua nhiều bước kiểm duyệt, nhưng tin giả vẫn lọt qua hàng rào bảo vệ để hiện diện trên báo.

Có thể kể đến những vụ tin giả tiêu biểu trên báo chí thời gian qua như: Vụ siêu xe dưới gầm giường ở Cần Thơ (thực chất là xe mô hình); Vụ nữ tài xế lái xe Lexus đâm chết nạn nhân ở ngã tư Hàng Xanh (TP. HCM) được báo chí đưa tin là Giám đốc ngân hàng nhưng thực tế không phải; Vụ nam sinh lớp 10 và cô giáo vào nhà nghỉ ở Bình Thuận mà nam sinh bị báo chí đưa lên báo thực chất không phải là nhân vật chính... Điều đáng nói, nhiều tin giả xuất hiện trên báo chí thời gian qua có nguyên nhân do phóng viên, nhà báo khai thác nguồn tin từ mạng xã hội, trang tin điện tử tổng hợp, trích dẫn các nguồn tin không chính thống, không rõ nguồn gốc...

Vụ tin giả nữ tài xế lái xe Lexus đâm chết nạn nhân ở ngã tư Hàng Xanh (TP. HCM) đã có rất nhiều báo “dính bẫy” khi đưa tin mà không kiểm chứng kĩ thông tin. Chỉ vì nữ tài xế lái xe trùng tên với một Giám đốc ngân hàng nọ, các báo tự suy diễn nữ tài xế lái xe gây chết người là Giám đốc chi nhánh ngân hàng. Nhiều báo không chỉ đưa tin nhầm về danh tính của lái xe, mà còn cung cấp thêm thông tin đời tư, trình độ học vấn, quá trình làm việc và thăng tiến của nữ tài xế ở ngân hàng kia...

Ngày 17/5/2018, có báo đăng chùm ảnh về căn biệt thự ở Vườn Đào, Hồ Tây, trong đó có ảnh cho rằng chủ nhân căn biệt thự là Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ngay sau khi bài báo đăng tải, Bộ Công thương đã có công văn hỏa tốc gửi cơ quan báo chí và đề nghị gỡ bỏ bài báo, công khai xin lỗi Bộ trưởng vì đưa tin sai sự thật. Bộ Công Thương cũng gửi công văn tới Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xử lý việc đăng tải thông tin sai sự thật của tờ báo này. Bên cạnh một số tin giả xuất phát từ việc khai thác thông tin không chính xác, còn có những tin giả xuất bản không đúng thời điểm, do lỗi biên dịch.

Ví dụ như: tin “Hà Nội xếp thứ 9 thế giới về... nạn móc túi” đăng tải trên Báo điện tử Infonet năm 2014 dẫn nguồn tin từ báo The Huffington Post - một trong những hãng tin uy tín của Mỹ. Nội dung của bài báo dẫn lại kết quả điều tra của TripAdvisor, một website chuyên về du lịch đã xếp Thủ đô Hà Nội vào top 10 thành phố trên thế giới về vấn nạn móc túi. Tuy nhiên, đây là bản tin sai sự thật, vì bảng xếp hạng nêu trên được trang web TripAdvisor thực hiện từ năm 2009. Chính vì vậy, khi đăng lại vào thời điểm năm 2014, những thông tin trên đã không còn giá trị. Khi biên dịch và xuất bản lại từ một nguồn tin thứ ba, biên dịch viên và thư ký xuất bản của Báo điện tử Infonet không kiểm chứng, không truy nguyên cặn kẽ tới nguồn tin gốc, bỏ qua yếu tố thời gian dẫn đến sai sót nêu trên.

Tin giả trên mạng xã hội Facebook xuất hiện với tần suất cao hơn các trang khác. Ảnh: TL

Nguyên nhân chính

Internet và mạng xã hội bùng nổ khiến báo chí rơi vào vòng xoáy của cuộc đua thông tin. Khi có thông tin (từ độc giả, nguồn tin thứ ba hay từ mạng xã hội...), phóng viên phải chạy theo cuộc đua, cố gắng xử lý thông tin một cách nhanh nhất để đưa tin đến độc giả. Để trở thành cơ quan báo chí đầu tiên đưa tin về sự kiện nào đó, các cơ quan báo chí sẽ đối mặt với nguy cơ để lọt thông tin không chính xác (hay còn gọi là tin giả) do không kiểm chứng thông tin.

Thống kê về tin giả xuất hiện trên báo chí thời gian qua có thể thấy, nguyên nhân chính xuất phát từ quá trình thẩm định thông tin của một số báo còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, bỏ qua quy trình xác minh thông tin. Xu hướng chạy theo sự kiện để đưa tin nhanh khiến nhà báo sẵn lòng liều mình “nhắm mắt đưa tin” khi chưa chắc chắn về bản chất của sự kiện. Hậu quả của sự không chắc chắn về nguồn tin này là thông tin lên báo sai sự thật. Việc dễ dãi khai thác thông tin trên mạng xã hội để đưa tin, coi đó là nguồn tin dồi dào, nhất là ở lĩnh vực giải trí khiến nhiều báo mắc sai sót.

Với những người làm báo, nguồn tin giữ vai trò quan trọng, là linh hồn của tác phẩm báo chí. Nguồn tin chính xác sẽ đem đến cho các nhà báo những thông tin có giá trị, hữu ích với xã hội. Ngược lại, nếu nguồn tin sai, nhưng nhà báo không kiểm tra thông tin kĩ càng, coi đó là nguồn tin tin cậy để sản xuất tác phẩm báo chí sẽ dẫn đến một bản tin không chính xác, một bài viết sai sự thật. Khoảng cách giữa đúng và sai trong một số sự kiện nhiều khi khá mong manh. Trong những trường hợp đó, sự thận trọng để kiểm chứng nguồn tin là điều các nhà báo nên hướng đến.

Đầu tháng 11/2019, Thái Lan vừa thành lập Trung tâm chống tin giả. Ảnh: TL

Những giải pháp ngăn chặn tin giả

Để ngăn chặn tin giả trên báo điện tử, cần những giải pháp tổng thể để hạn chế vấn nạn này như: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là các quy định đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh Internet, viễn thông, báo chí, phát thanh, truyền hình tại Việt Nam. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, nhất là báo điện tử, trang tin điện tử và mạng xã hội trên Internet.

Cần có biện pháp và hành động kiên quyết nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của Internet đối với đời sống xã hội; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trang mạng xã hội, các trang thông tin điện tử đăng tải tài liệu, truyện, tranh, phim, ảnh có nội dung xấu, trái thuần phong mỹ tục, có thể rút ra một số vấn đề chính sau:

Thứ nhất, thẩm định thông tin kỹ càng - yếu tố quan trọng để ngăn chặn tin giả, không có cách thức nào hiệu quả hơn trong việc kiểm soát tin tức giả trên báo chí là khâu thẩm định nguồn thông tin. Thông tin từ đầu vào chuẩn xác sẽ hạn chế tối đa việc đưa tin sai lệch, hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro đưa tin giả lên báo.

Các cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử cần tuân thủ đúng quy trình xuất bản, tránh đua tranh tốc độ giữa các báo để xuất bản những tin, bài không bảo đảm độ chính xác của nguồn tin.

Thứ hai, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho những người làm báo để nhận diện tin giả. Những khóa bồi dưỡng này sẽ nâng cao nhận thức, mức độ cảnh giác của các nhà báo trong việc kiểm chứng nguồn tin trước khi đưa tin. Xu thế phát triển của công nghệ ngày càng nhanh và được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực truyền thông báo chí, các khóa bồi dưỡng kiến thức như vậy sẽ trang bị kịp thời những kiến thức về xu thế phát triển của báo chí thế giới cũng như sự đa dạng phong phú của các loại hình tin tức ngày nay, ẩn chứa trong đó có nhiều thông tin không đúng sự thật.

Thứ ba, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những trường hợp để lọt tin giả lên mặt báo. Tại Việt Nam, những quy định về xử phạt các trường hợp vi phạm về hoạt động báo chí đã được ban hành trong các văn bản pháp luật như Luật Báo chí (2016). Nhiều cơ quan báo chí đã bị xử phạt vì đưa tin giả, nhưng đa phần vẫn chỉ mang tính răn đe.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho biết, các biện pháp hành chính hay hình sự chỉ là biện pháp tức thời. Những biện pháp này có thể có ý nghĩa răn đe nào đó, nhưng không triệt để và không bền vững. Không phải kẻ phạm tội nào trước khi hành động đều nghĩ đến nguy cơ phải trả giá trước pháp luật, mà đa phần là bất chấp pháp luật, hoặc nghĩ rằng đủ tài giỏi để không bị phát hiện, hoặc nghĩ rằng hậu quả gây ra không lớn.

Vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp mang tính chủ động hơn. Việc quy trách nhiệm cho các nền tảng mạng xã hội như một số Chính phủ đang làm là điều hợp lý, bởi người xây “chợ” không chỉ thu lợi từ hoạt động của “chợ” mà phải chịu trách nhiệm về những sản phẩm lưu chuyển, kinh doanh trong đó. Các nền tảng mạng xã hội trực tuyến phải chịu trách nhiệm về những nội dung được đăng tải trên hệ thống của mình.

Singapore cũng đang tích cực chống in giả trên mạng xã hội. Ảnh: TL

Thứ tư, xử phạt nghiêm những nhà báo đưa tin giả trên mạng xã hội. Với tâm lý tin vào báo chí, nhà báo có vị trí và có uy tín trong xã hội Việt Nam với vai trò là người đưa tin. Nhà báo có thể gây ảnh hưởng nhất định tới cộng đồng (trong đó có cả những đồng nghiệp) với các phát ngôn và thông tin mình đưa ra, kể cả trên trang blog cá nhân cũng như trên mạng xã hội. Vì vậy, các nhà báo cần ý thức trách nhiệm của mình trong việc phát ngôn, đăng tải thông tin không chỉ trên báo mà còn cả trên các trang mạng xã hội.

Thứ năm, đổi mới phương thức quản lý báo chí truyền thông. Thực tế, số lượng cơ quan báo chí nhiều nhưng chất lượng thông tin đăng tải lại chưa tương xứng. Thực trạng “đói tin” ở các cơ quan báo chí đang rất phổ biến. Nhiều báo điện tử sau khi thành lập, đội ngũ phóng viên, biên tập viên mỏng dẫn đến việc chủ yếu chỉ đi trích dẫn nguồn tin từ báo khác, tổng hợp thông tin chỗ này, chỗ kia thành bài viết của mình. Không ít lần những tin tổng hợp đó không chính xác do trích dẫn lại nguồn tin sai.

Thứ sáu, quản lý chặt nội dung được đăng tải trên mạng xã hội. Mạng xã hội là môi trường phát tán nhiều tin giả nhất hiện nay, tác động lớn đến tâm lý tiếp nhận thông tin của công chúng. Người dân có thể dễ dàng tin vào một nguồn tin được phát tán trên mạng xã hội như Facebook mà không hề có ý thức kiểm định liệu thông tin đó có chính xác không. Ở vai trò quản lý Nhà nước về thông tin, các cơ quan quản lý như Cục Báo chí, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cần có biện pháp quản lý chặt chẽ nội dung trên mạng xã hội thời gian tới.

Hiện tượng tin giả trong môi trường truyền thông số được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp. Điều này đặt ra yêu cầu những người làm báo cần có sự cảnh giác cao hơn trước các nguồn thông tin chưa rõ ràng, chưa có sự kiểm chứng. Không nên có những cái tặc lưỡi “chắc là” nguồn tin đó đúng khi đưa tin. Thay vào đó nhà báo cần có thái độ nghiêm túc với nghề, phải đi đến cùng của sự thật, tìm hiểu rõ nguồn gốc, bản chất thông tin, để từng bước chúng ta sẽ loại trừ được tin giả trên báo chí./.

Đàm Sơn Lâm

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/day-lui-tin-gia-tren-bao-dien-tu-hien-nay-n16433.html