Đẩy lùi tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Từ những hoạt động cụ thể, thiết thực

Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố nhận định, do sự thay đổi nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất cùng với sự gia tăng số lượng các dự án và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố đã làm tăng nguy cơ mất an toàn lao động cả về phạm vi, tính chất và mức độ. Vì vậy, việc phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là vấn đề cần được các cấp công đoàn Thủ đô tiếp tục quan tâm.

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động

Đánh giá về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng cho biết, nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, thời gian qua, các cấp chính quyền, tổ chức công đoàn Thủ đô, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố luôn chú trọng triển khai nhiều giải pháp thực hiện công tác này, nhất là tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ hàng năm.

Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng phát động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019 trong các cấp công đoàn

Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng phát động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019 trong các cấp công đoàn

Các hoạt động đó đã tạo ra sự chuyển biến về ý thức, nhận thức đến những hành động cụ thể, thiết thực của các cấp ngành và toàn xã hội, nhất là doanh nghiệp, người lao động đối với công tác đảm bảo ATVSLĐ, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn lao động. Trên thực tế, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là trong một số lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ, rủi ro cao đã được kiềm chế và giảm dần cả về số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng và số người chết.

Điều kiện làm việc của người lao động trong các doanh nghiệp từng bước được quan tâm, cải thiện; Phong trào thi đua “Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động” được đẩy mạnh ở nhiều đơn vị; Vai trò đại diện, chức năng chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho CNVCLĐ của tổ chức công đoàn Thủ đô trong công tác ATVSLĐ ngày càng được khẳng định.

Tuy nhiên, cũng theo Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng, sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của Thủ đô Hà Nội trên các lĩnh vực về khoa học, kỹ thuật, công nghệ sản xuất cùng sự gia tăng về số lượng các dự án và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sự gia tăng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã khiến Hà Nội đang phải đối mặt với một thực tế là: Các nguy cơ mất an toàn lao động vẫn tiềm ẩn, các vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng chết người, thiệt hại lớn về tài sản vẫn còn xảy ra.

Chỉ tính riêng các vụ tai nạn lao động nạn nhân thuộc đối tượng có giao kết Hợp đồng lao động, trong năm 2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 179 vụ, làm 188 người bị nạn. Trong đó, có 25 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 25 người chết, 06 người bị thương nặng; 06 vụ tai nạn giao thông được hưởng chế độ tai nạn lao động làm 06 người chết. Ngoài ra, số người bị mắc bệnh nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố tính đến thời điểm báo cáo là 89 người.

“Với số liệu này, Hà Nội vẫn là một trong số các địa phương có số vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao của cả nước. Do vậy, các cấp ngành, tổ chức công đoàn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác ATVSLĐ nhằm hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và từng bước đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế về ATVSLĐ trong quá trình hội nhập”- Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng nhấn mạnh.

6 nội dung hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019

Để công tác ATVSLĐ được quan tâm, duy trì thường xuyên nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn lao động thiệt hại về người và tài sản, thay mặt LĐLĐ Thành phố, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng đã phát động các cấp công đoàn Thủ đô hưởng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019 với 6 những nội dung chủ yếu.

Trước hết, các cấp công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền đồng cấp tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động với các nội dung thiết thực, hiệu quả phù hợp với từng ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.

Cùng đó, các cấp công đoàn cần đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, huấn luyện, nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động đối với công tác ATVSLĐ; tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa công tác ATVSLĐ đối với doanh nghiệp và người lao động để Tháng hành động thực sự là cao trào của các hoạt động ATVSLĐ trong năm.

Các cấp công đoàn cũng cần tiếp tục triển khai, quán triệt nghiêm túc Chỉ thị 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế ” đến 100% CĐCS, cụ thể hóa việc thực hiện nghị quyết bằng các chương trình, kế hoạch phù hợp.

Đặc biệt, các cấp công đoàn, nhất là CĐCS cần thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho CNVCLĐ trong công tác ATVSLĐ, tăng cường đối thoại, chủ động phối hợp với chính quyền đồng cấp quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, ưu tiên đầu tư cải tiến công nghệ, máy móc, thiết bị, nâng cấp nhà xưởng, nhằm giảm nhẹ sức lao động, tạo môi trường làm việc an toàn, vệ sinh cho người lao động.

Cùng với đó, LĐLĐ Thành phố yêu cầu các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa và nâng cao chất lượng phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phối hợp với chính quyền đồng cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ, phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ có thể dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

LĐLĐ Thành phố cũng kêu gọi CNVCLĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp phát huy tinh thần tự giác, chấp hành nghiêm chỉnh các nội quy, quy định, biện pháp an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc; sử dụng đầy đủ các trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra.

“Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội kêu gọi các cấp Công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019 với tinh thần nỗ lực phấn đấu và bằng những hành động cụ thể, thiết thực, quyết tâm thực hiện tốt các nội dung phát động trên, nhằm ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vì hạnh phúc của mỗi gia đình, vì sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô”- Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng nhấn mạnh.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/day-lui-tai-nan-lao-dong-benh-nghe-nghiep-tu-nhung-hoat-dong-cu-the-thiet-thuc-90938.html