Đẩy lùi các nguy cơ, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ

Là doanh nghiệp thuộc ngành dệt may với những đặc thù về môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, song với sự quan tâm đầu tư và thực hiện tốt công tác an toàn – phòng chống cháy nổ (PCCN), nên những năm qua tại Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hà Nội (Hanosimex) không để xảy ra vụ cháy nổ nghiêm trọng nào.

Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hà Nội được thành lập ngày 21/11/1984, chuyên sản xuất - kinh doanh - xuất nhập khẩu hàng dệt may. Thực hiện chủ chương của Thủ tướng Chính phủ về việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo qui hoạch đô thị, năm 2011, Tổng Công ty thực hiện di dời các nhà máy sợi, dệt, may đến các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Đàn, Hồng Lĩnh… để bàn giao mặt bằng của Tổng Công ty tại số 25/13 đường Lĩnh Nam - phường Mai Động - quận Hoàng Mai – TP. Hà Nội.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi như: Các nhà máy di dời được đầu tư xây dựng mới 100% nên các hạng mục đầu tư liên quan đến công tác PCCN, cứu nạn cứu hộ được các cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt kỹ lưỡng; Tổng Công ty và các chi nhánh, công ty con tạo lập được mối quan hệ gắn kết với Phòng cảnh sát PCCC Công an các tỉnh, thành trong việc xây dựng các phương án, kế hoạch và hợp đồng phối hợp đối với công tác PCCN; các chuyên viên phụ trách công tác an toàn, PCCN tại các đơn vị là những cán bộ công đoàn lâu năm, có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm... thì Tổng Công ty vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác PCCN.

Đó là, đặc thù của ngành sản xuất Sợi – Dệt – May là môi trường làm việc chịu nhiều tác động của các yếu tố như bụi, tiếng ồn, ánh sáng và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ; địa bàn trải rộng trên nhiều tỉnh, thành. Một số nhà máy vẫn còn trong quá trình xây dựng, từng bước đưa các hạng mục đã hoàn thành đi vào hoạt động. Mặt bằng hạ tầng chưa hoàn thiện, đan xen giữa sản xuất và xây dựng nên có một số khó khăn nhất định cho công tác kiểm soát PCCN. Đặc biệt, số lượng lớn công nhân của Tổng Công ty là mới tuyển dụng nên ý thức, kỹ năng, kinh nghiệm PCCN còn hạn chế.

Đặc thù môi trường làm việc của ngành dệt may là tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Ảnh minh họa.

Trước thực tế này, lãnh đạo Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hà Nội luôn đặc biệt coi trọng các giải pháp để đẩy lùi các nguy cơ, đảm bảo an toàn PCCN, trong đó có việc quan tâm, tạo mọi điều kiện về thời gian, kinh phí cho đào tạo và huấn luyện PCCN, thoát nạn, sơ cứu thương ban đầu.

Cụ thể, để phòng ngừa và ngăn chặn rủi ro, thiệt hại về cháy nổ đối với doanh nghiệp và người lao động, ngay từ khi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các nhà máy mới, Tổng Công Ty đã thiết kế nhà xưởng theo hướng thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, đảm bảo các yêu cầu về PCCN, thiết kế cửa và lối thoát hiểm, thoát nạn phù hợp theo qui định của pháp luật PCCC và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng đó, Tổng Công ty đầu tư máy móc, dây chuyển sản xuất theo công nghệ hiện đại, tiên tiến của châu Âu, có năng suất, chất lượng và độ an toàn cao; bố trí hợp lý, đầu tư hệ thống thiết bị thông gió, hút bụi làm giảm nhiệt độ trong nhà xưởng (5-7 độ C) so với ngoài trời và giảm thiểu bụi, tiếng ồn trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, trang bị hệ thống ánh sáng đúng tiêu chuẩn, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Song song với việc xây dựng và hoàn thiện phương án PCCN được hệ thống nội quy, quy trình về công tác PCCN, cứu hộ cứu nạn, phân phối tới các đơn vị để tuyên truyền, phổ biến cho CBCNV, Tổng Công ty đã thành lập và kiện toàn Hội đồng bảo hộ - An toàn PCCN có sự tham gia của cán bộ công đoàn các cấp, thiết lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên là những cán bộ - đoàn viên công đoàn ưu tú; bố trí ở tất cả các tổ và các bộ phận sản xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và duy trì hoạt động nề nếp, hiệu quả theo nội quy, quy chế.

Một lớp tuyên truyền nghiệp vụ và diễn tập phương án PCCC do Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hà Nội chi nhánh Nam Đàn tổ chức

Riêng tổ chức Công đoàn Tổng Công ty cũng tích cực phát huy vai trò của mình trong việc thực hiện công tác Bảo hộ lao động nói chung, PCCN nói riêng. Công đoàn đã phối hợp với Hội đồng bảo hộ - An toàn PCCN tham mưu với Ban Giám đốc Công ty, Nhà máy xây dựng và triển khai kế hoạch, biện pháp đảm bảo ATVSLĐ-PCCN; thường xuyên tuyên truyền, đăng tin công tác ATVSLĐ-PCCN và phổ biến tới cán bộ, công nhân viên và NLĐ.

Định kỳ hằng năm, công đoàn phối hợp với lãnh đạo các các công ty, nhà máy tổ chức huấn luyện ATVSLĐ - PCCN cho toàn thể cán bộ, NLĐ và cấp đủ trang phục, thiết bị bảo hộ cá nhân theo yêu cầu công việc. Riêng với NLĐ làm công việc có yêu cầu an toàn nghiêm ngặt như nồi hơi, máy nén khí, điều không, thông gió, máy lạnh… được Công ty tạo điều kiện tham gia các khóa huấn luyện ATVSLĐ-PCCN. NLĐ đảm bảo yêu cầu khóa học, được cấp thẻ an toàn lao động mới được nhận nhiệm vụ.

Định kỳ 02 lần/năm, Công đoàn phối hợp với lãnh đạo Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu hộ cứu nạn (CHCN) - Công An các tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC cho đội viên đội chữa cháy của các công ty/chi nhánh và diễn tập thoát hiểm thoát nạn cho toàn thể cán bộ công nhân viên của các công ty, chi nhánh.

Tại buổi tập huấn, các giảng viên của Phòng cảnh sát PCCC – Cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh hướng dẫn cho các học viên và thực hành sử dụng vòi, lăng, tập rải vòi cơ bản, lắp lăng, thao tác sử dụng họng nước chữa cháy vách tường, cách sử dụng bình bột; CBCNV cũng được nghe trình bày về một số kiến thức cơ bản về cháy nổ; Tính chất nguy hiểm cháy của một số loại chất cháy thường gặp và có trong cơ sở; Nguồn nhiệt và khả năng gây cháy của các loại nguồn nhiệt; Biện pháp phòng cháy.

Bên cạnh đó, các giảng viên cũng giới thiệu nguyên lý và cách thao tác sử dụng hệ thống cấp nước chữa cháy vách tường; Phương pháp thoát hiểm; Phương pháp cứu người, hướng dẫn thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ. Đặc biệt trong các buổi tập huấn đều tổ chức thực hành các nội dung như thao tác bình bột chữa cháy, thực hành diễn tập phối hợp chữa cháy giữa lực lượng tại chỗ của các công ty/chi nhánh với xe cứu hỏa của Cảnh sát PCCC tỉnh, thực hành tổ chức thoát hiểm thoát nạn cho toàn thể CBCNV của Công ty, tổ chức diễn tập các Phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu hộ và các biện pháp phòng ngừa; cách xử lý tình huống thường gặp, phương pháp sơ cứu người bị nạn… Qua đó, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác thực hiện các biện pháp AT, PCCN cho NLĐ và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Công đoàn còn kết hợp với chính quyền các đơn vị phát động phong trào thi đua nghiên cứu, sáng kiến cải tiến hệ thống máy móc, thiết bị, tăng tính an toàn cho NLĐ và doanh nghiệp; thay hệ thống đèn sợi đốt bằng đèn compact đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn về ánh sáng; bố trí nhà xưởng ngăn nắp, gọn gàng, kẻ vạch giới hạn, treo biển cảnh báo nguy hiểm để NLĐ nhận biết được và thuận lợi cho công tác PCCC khi cháy nổ xảy ra.

Đặc biệt, Công đoàn tham mưu, phối hợp với lãnh đạo Tổng Công ty và các đơn vị: Tổ chức thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của CP qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC. Với sự quan tâm đầu tư và thực hiện tốt công tác an toàn - PCCN những năm qua, các công ty con/ chi nhánh/cơ sở SXKD của Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hà Nội (Hanosimex) xử lý tốt và hiệu quả các sự cố chập cháy nhỏ ngay tại cơ sở, không để xảy ra vụ cháy nổ nghiêm trọng nào. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để Tông Công ty ngày càng phát triển ổn định và bền vững.

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/day-lui-cac-nguy-co-dam-bao-an-toan-phong-chong-chay-no-83073.html