Dạy Luật An ninh mạng trong trường phổ thông: Kịp thời và phù hợp

Chương trình môn giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 11-1-2021.

Theo đó, Luật An ninh mạng sẽ là một nội dung bắt buộc giảng dạy cho học sinh, bắt đầu từ lớp 10. Các em sẽ học về an ninh mạng trong môn giáo dục quốc phòng và an ninh. Quy định này được cho là rất cần thiết và thực tế.

Theo thông tư, việc dạy học môn giáo dục quốc phòng và an ninh phải kết hợp giữa dạy lý thuyết và thực hành. Trong đó, vận dụng phương pháp giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo. Nội dung môn học ở bậc THPT gồm 105 tiết, từng khối lớp ở bậc học này được quy định chi tiết, nêu rõ yêu cầu cần đạt. Nhưng ở chương trình lớp 10 có những nội dung mới, đặc biệt rất gần với những vấn đề đang diễn ra xung quanh lứa tuổi học sinh bậc THPT.

Cụ thể, ở lớp 10 môn giáo dục quốc phòng và an ninh có 35 tiết. Ngoài các nội dung giới thiệu lịch sử, truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân, nội dung cơ bản một số luật về quốc phòng và an ninh Việt Nam, chương trình đưa vào những nội dung mới và thiết thực như: ma túy và tác hại của ma túy, phòng chống vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, kỹ thuật cấp cứu và chuyển thương.

Đặc biệt có hai tiết dành cho nội dung tìm hiểu về an ninh mạng. Trong đó, yêu cầu của tiết học là nêu được khái niệm cơ bản về mạng, an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường không gian mạng, nội dung cơ bản của Luật an ninh mạng; vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, cảnh giác trước những thủ đoạn xâm nhập, phát tán mã độc, thông tin giả...

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD&ĐT cho biết, các chủ đề xuyên suốt quá trình học tập của học sinh nhằm giáo dục năng lực số bám sát bảy lĩnh vực trong khung năng lực số của UNESCO.

Đó là năng lực sử dụng thiết bị số, năng lực xử lý thông tin trong môi trường số, năng lực giao tiếp trong môi trường số, an toàn trong quá trình làm việc, học tập trong môi trường số và cách giải quyết vấn đề khi có sự cố, định hướng nghề nghiệp trong môi trường số.

Những nội dung trên được thiết kế đưa vào nhiều môn học, nhiều nhất là môn tin học. Môn giáo dục quốc phòng và an ninh chỉ có hai tiết về an ninh mạng nhưng sẽ tập trung vào việc phổ biến các quy định liên quan tới bảo đảm an toàn khi sử dụng thiết bị số.

Đây là những nội dung rất quan trọng và cần thiết đối với học sinh trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy, học trở nên phổ biến hơn.

 Việc dạy Luật An ninh mạng trong trường phổ thông được cho là cần thiết và phù hợp (Ảnh tư liệu)

Việc dạy Luật An ninh mạng trong trường phổ thông được cho là cần thiết và phù hợp (Ảnh tư liệu)

Sau khi học môn này, học sinh phải đạt được các yêu cầu cơ bản như: Nêu được một số khái niệm cơ bản về mạng, an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường không gian mạng; Hiểu rõ nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng; Bảo mật được thông tin cá nhân;

Cảnh giác trước những thủ đoạn xâm nhập, phát tán mã độc, thông tin giả trên mạng; Không tham gia vào bất cứ nhóm nào mang tính kích động; không tự tiện đăng ảnh của người khác lên mạng kèm những thông tin không đúng sự thật và ảnh hưởng tới nhân phẩm, danh dự của người khác…;

Các chuyên gia quốc tế về bảo vệ trẻ em cũng hướng dẫn một số mẹo để tạo lập thói quen tham gia môi trường trực tuyến lành mạnh và an toàn như khuyến khích con tham gia vào việc xây dựng các quy định trong gia đình về việc sử dụng thiết bị công nghệ một cách lành mạnh.

Với sự phát triển quá nhanh chóng của internet và khả năng tiếp cận internet ngày càng rộng mở của người Việt và thế hệ trẻ. Việc dạy luật An ninh mạng trong trường phổ thông được cho là cần thiết, bắt kịp xu thế và quan trọng là có ý nghĩa giáo dục tốt cho học sinh để có kỹ năng về an toàn thông tin và sử dụng thông tin mạng an toàn, đúng pháp luật.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/day-luat-an-ninh-mang-trong-truong-pho-thong-kip-thoi-va-phu-hop-225088.html