Dạy làm người tử tế: Sự tử tế phải bắt nguồn từ người lớn

Dạy con học toán, viết chữ, làm văn... không phải là điều quan trọng nhất. Giáo dục con trở thành người tử tế, biết tôn trọng người khác mới chính là yếu tố then chốt, giúp con thành công trên đường đời.

Cha mẹ hãy để trẻ sống trong môi trường đầy tình thương và khoan dung. Ảnh minh họa: Thế Đại

Cha mẹ hãy để trẻ sống trong môi trường đầy tình thương và khoan dung. Ảnh minh họa: Thế Đại

Một số trẻ em có những hành vi lệch chuẩn là do bị quá nhiều thông điệp tiêu cực cũng như tấm gương xấu tác động đến mỗi ngày. Vì vậy, gia đình chính là nền tảng và là chỗ dựa vực dậy tinh thần con trẻ...

Cha mẹ là mắt xích để con được sống trong môi trường khoan dung, công bằng và an toàn. Đây chính là chìa khóa giúp trẻ từng bước trở thành người tử tế trong mọi điều kiện cũng như môi trường sống.

“Bài toán khó”

Tại Mỹ, kết quả từ cuộc khảo sát về điều cha mẹ muốn làm với con cho thấy, hơn 90% coi chăm sóc con cái là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, 82% trẻ em Mỹ chia sẻ, cha mẹ coi trọng thành tích và hạnh phúc hơn việc chăm sóc các con.

Một nghiên cứu về các khảo sát hằng năm được thực hiện trên những sinh viên đại học Mỹ cho thấy, sự đồng cảm và suy nghĩ về quan điểm của người khác đã sụt giảm đáng kể từ năm 1979 - 2009. Trong giai đoạn này, sinh viên ngày càng ít quan tâm đến những người kém may mắn hơn mình. Những người trẻ này cũng ngày càng ít bận tâm hơn khi thấy những người khác bị đối xử bất công.

Không chỉ ít quan tâm hơn, mọi người dường như cũng ít giúp đỡ hơn. Các nhà tâm lý học cho rằng, trẻ em sinh ra sau năm 1995 cũng giống như các bậc tiền bối, tin rằng những người đang gặp khó khăn cần được giúp đỡ. Tuy nhiên, họ không cảm thấy mình có trách nhiệm phải tự hành động.

Đây là thực trạng đang xảy ra không chỉ ở Mỹ, mà còn nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhiều phụ huynh vô tình quên rằng, điều quan trọng trong nuôi dạy con chính là giúp trẻ trở thành người tử tế.

Trái lại, không ít người đặt nặng việc học lên vai con. “Làm sao để con đạt được điểm cao? Làm thế nào giúp con có thể thành công trong tương lai?”... Đây có lẽ là câu hỏi của nhiều ông bố bà mẹ trong xã hội hiện đại.

Bên cạnh đó, khi xã hội ngày càng phát triển, trẻ em được tiếp xúc nhiều với công nghệ thông tin. Tuy nhiên, chính điều này khiến không ít phụ huynh băn khoăn, liệu có thể giáo dục con thành người tử tế khi trẻ đang tiếp xúc với nhiều thông tin sai lệch trên Internet?

Ảnh minh họa.

“Tử tế phải là cái gốc”

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Tôi luôn nhìn một đứa trẻ với con mắt “nhân tri sơ tính bản thiện”.

Có nghĩa rằng, bản chất con người sinh ra là thiện và đáng được tin tưởng. Con người có năng lực và sự tự chủ để giải quyết các khó khăn của bản thân trong cuộc sống. Con người tự nhận ra những tiềm năng của mình và thay đổi theo hướng tích cực. Điều đó giống như hạt mầm, dẫu bị vùi trong đất, mầm cây vẫn cố gắng vươn lên đến ánh sáng”.

Lý giải về nguyên nhân một số trẻ em phát triển những hành vi lệch chuẩn, PGS Nam cho rằng, có quá nhiều thông điệp tiêu cực cũng như tấm gương xấu tác động đến các em mỗi ngày.

“Có những nghiên cứu chỉ ra, đến 6 tuổi, số lượng thông điệp tiêu cực, thể hiện kỳ vọng áp đặt, ngăn cản như “không, đừng, dừng lại”... có tác động tới trẻ nhiều gấp 14 lần những thông điệp tích cực mang tính khuyến khích và thừa nhận con. Và đương nhiên, trẻ sống trong sự phê bình sẽ học được cách chỉ trích người khác. Trẻ sống trong thù địch sẽ học được cách khiêu chiến gây sự. Trẻ sống trong sự nhạo báng sẽ biết cách làm người khác xấu hổ...”, chuyên gia nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, PGS Nam cho biết, cách hành xử của những người lớn được cho là yếu tố không nhỏ khiến trẻ cảm thấy mình không có giá trị. Thực tế, một đứa trẻ ngoan không phụ thuộc vào chính mình. Thay vào đó, trẻ phụ thuộc vào cách nhìn, phán xét của người khác. Khi đó, nhiều trẻ em sẽ mất ý thức rằng, chính sự tồn tại của mình đã là một điều có giá trị. Do vậy, trẻ không thể tập trung phát triển tối đa tiềm năng cá nhân và chỉ thực hiện những hành vi theo mong đợi của người khác.

“Một khi chỉ chăm chăm ứng xử theo cách làm vừa lòng người khác, chúng ta sẽ không còn cảm thấy hạnh phúc, chẳng còn cảm thấy gắn kết trong mối quan hệ và không có động lực để làm việc tốt nữa”, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.

Yếu tố cuối cùng khiến một số trẻ có hành vi lệch chuẩn là bởi, các em trở thành những con người được đúc khuôn bởi kỳ vọng “lệch lạc” của người lớn. Những kỳ vọng này có thể hoàn toàn khác xa so với bản chất và tiềm năng của trẻ. PGS Nam cho rằng, hành động này cũng tương tự như khi chúng ta “ép hạt mầm của quả cam phải trở thành cây bưởi”.

Khi đó, trẻ sẽ không còn cảm thấy ý nghĩa trong việc đạt được một điều gì đó, hay cảm nhận cuộc sống. Đây sẽ là nền tảng cho những hành vi chống đối và các biểu hiện tổn thương sức khỏe tâm thần, như: Lo âu, trầm cảm. Trong trạng thái đó, trẻ cũng không thể học được cách ứng xử tốt với người xung quanh.

“Tôi quan niệm, để con thành tài thì giá trị tử tế phải là gốc, nền tảng. Nếu không, tất cả những kỹ năng của con sẽ bị vận dụng sai nguyên tắc, nhằm trục lợi từ xã hội và cộng đồng. Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho con sau này”, PGS Nam cảnh báo.

Theo chuyên gia này, để giáo dục con trở thành người tốt, trước hết, cha mẹ và người lớn cần tạo ra bầu không khí cũng như môi trường tử tế để nuôi dưỡng trẻ.

Cha mẹ hãy để con sống trong sự khoan dung để học được tính kiên trì; Sống trong môi trường có nhiều lời động viên, khuyến khích để học được sự tự tin; Sống trong môi trường được đối xử công bằng để học cách ứng xử tôn trọng; Và, sống trong môi trường an toàn để có niềm tin tốt đẹp về người khác cũng như thế giới...

“Để dạy con thành người tử tế, chính cha mẹ và người lớn phải hành động để đứa trẻ cảm nhận mình được yêu thương, thấu hiểu, được tôn trọng và bảo vệ”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Hình mẫu của thầy cô, cha mẹ luôn in đậm trong suy nghĩ của trẻ. Ảnh minh họa.

Hành trình giúp con trở thành người tốt

Mới đây, nhà văn Lê Minh Hà đã cho ra mắt cuốn sách “Chuyện mẹ, chuyện con”. Trong “cuốn nhật ký” được “ươm mầm” suốt 3 năm, nữ nhà văn chia sẻ, sẽ hoàn toàn không sao nếu con chẳng thông minh hay tài giỏi.

Tuy nhiên, chắc chắn, cha mẹ cần khiến con trở thành người tốt. Vì vậy, nhà văn Lê Minh Hà đã vô cùng hạnh phúc, khi con trai chị biết giúp đỡ một cậu bạn tự kỷ ở lớp. Nữ nhà văn khẳng định, làm việc tốt không chỉ vì trách nhiệm hay lời khen, mà những hành động đẹp đó khiến chúng ta hạnh phúc.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, để trẻ cảm thấy an toàn, cha mẹ và thầy cô hãy khoan dung, coi lỗi lầm là cơ hội để con học tập. Điều quan trọng là giúp trẻ hiểu rõ: Không ai được làm tổn thương người khác và mọi người đều có quyền được bảo vệ. Cha mẹ và thầy cô cũng cần tỏ ra thông hiểu trong quá trình thảo luận. Từ đó, giúp con em, học sinh đưa ra các quyết định tốt hơn. Và cuối cùng, hãy kiên định về các chuẩn mực cư xử, xử lý một cách công bằng trong mọi tình huống.

“Bên cạnh đó, cha mẹ, thầy cô nên tạo môi trường thân thiện ở nhà và trường, giúp trẻ có thể biểu lộ, thể hiện bản thân. Hãy có cử chỉ nhẹ nhàng, ân cần, dịu dàng, thân mật, gần gũi. Lắng nghe lời tâm sự của trẻ. Tôn trọng ý kiến của con. Động viên, giúp đỡ, khích lệ, khoan dung, độ lượng, vị tha, ấm áp, quan tâm…

Và, hãy công bằng với tất cả các con, học sinh, không phân biệt đối xử. Như vậy, trẻ sẽ cảm nhận thấy mình được yêu thương”, PGS Nam cho biết.

Cảm thấy được hiểu và thông cảm cũng là yếu tố quan trọng trong hành trình giúp con có những hành vi tử tế. Vì vậy, cha mẹ, thầy cô cần tạo điều kiện cho trẻ diễn đạt suy nghĩ và bộc lộ cảm xúc. Hãy đưa ra câu trả lời rõ ràng, hợp lý cho các câu hỏi của con và hiểu đặc điểm tâm lý của trẻ qua từng giai đoạn.

“Phụ huynh và thầy cô cũng cần khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng. Hãy lắng nghe trẻ một cách chăm chú, dành thời gian để nhận ra cảm xúc của con. Đặc biệt, cha mẹ cần tạo giới hạn và bình tĩnh khi trẻ vi phạm nội quy, luôn giữ cho âm điệu, giọng nói hài hòa. Tùy theo tình huống, đôi khi, giọng nói của cha mẹ có thể mang tính chất quan tâm, phấn khởi, khuyến khích, có lúc rõ ràng, kiên quyết, nghiêm khắc”, PGS Nam chia sẻ.

Một yếu tố “then chốt” để trẻ trở thành người tử tế chính là khi các em cảm thấy mình có giá trị. Vì vậy, người lớn cần luôn chấp nhận ý kiến của con, lắng nghe trẻ nói. Cha mẹ hãy tạo điều kiện để trẻ bộc lộ khả năng và hưởng ứng các ý tưởng hợp lý của con.

“Để dạy con cách tử tế, tôn trọng người khác, cha mẹ cần chấp nhận sự khác biệt là bình thường. Sẽ chẳng thể nào tìm được hai người hoàn toàn giống nhau. Ngay cả anh chị em sinh đôi cũng có những chi tiết khác biệt. Cha mẹ hãy dạy trẻ rằng, lỗi lầm là tất yếu. Nếu con mắc lỗi, cha mẹ hãy chú ý đến hành vi của trẻ. Không được đồng nhất lỗi lầm của trẻ với nhân cách con”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ hãy dạy trẻ rằng, việc có những cảm xúc tiêu cực (căm ghét, tức giận, lo lắng...) là bình thường.

Theo PGS Nam, trưởng thành là người có khả năng kiểm soát những cảm xúc đó, không phải là không có cảm xúc. Con có thể nói với người khác về những cảm xúc đó một cách tôn trọng, nhưng đừng thể hiện hành vi tức giận hoặc căm ghét lên người khác.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/day-lam-nguoi-tu-te-su-tu-te-phai-bat-nguon-tu-nguoi-lon-HGEDAOdGR.html