Đây là thời điểm sự sống trên Trái Đất sẽ hoàn toàn chấm dứt

Các nhà khoa học đã tính toán được thời điểm bầu khí quyển Trái đất sẽ 'cạn sạch' khí oxy, biến hành tinh chúng ta đang ở trở thành vùng đất thiếu vắng đi sự sống.

Khí quyển rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của sinh vật, con người trên Trái Đất, đồng thời là lớp vỏ bảo vệ Trái Đất.

Khí quyển Trái đất gồm có Nitơ (78 % theo thể tích) và Oxy (21%), với một lượng nhỏ Agon (0,9%), CO2 (dao động, khoảng 0,035%), hơi nước và một số chất khí khác.

Hình ảnh minh họa về bầu khí quyển Trái Đất thời Thái Cổ, cách đây 2.4 tỷ năm trước, khi mà hành tinh chúng ta đang sống vẫn chưa giàu oxy như hiện tại. (Ảnh: NASA’s Goddard Space Flight Center/Francis Reddy)

Hình ảnh minh họa về bầu khí quyển Trái Đất thời Thái Cổ, cách đây 2.4 tỷ năm trước, khi mà hành tinh chúng ta đang sống vẫn chưa giàu oxy như hiện tại. (Ảnh: NASA’s Goddard Space Flight Center/Francis Reddy)

Tuy nhiên, điều này sẽ không kéo dài vĩnh viễn. Theo dự đoán của các nhà khoa học, hàm lượng lượng khí oxy trong tương lai sẽ trở nên cực kỳ ít ỏi.

Phó giáo sư Đại học Toho (Nhật Bản) - Kazumi Ozaki và nhà khoa học nghiên cứu về hệ thống Trái đất Chris Reinhard của Viện Công nghệ Georgia (Mỹ), đã rút ra kết luận này sau khi thực hiện hàng trăm nghìn mô phỏng dựa trên thuật toán máy tính.

(Ảnh minh họa: Bryan Flynn / Artstation)

Cụ thể, các nhà khoa học đã chạy hơn 400 nghìn mô phỏng với các tham số khác nhau. Kết quả cho thấy, nguồn oxy dồi dào của Trái Đất sẽ tồn tại ổn định trong 1 tỷ năm nữa, trước khi giảm mạnh xuống mức như trước sự kiện Oxy hóa Lớn (Great Oxidation Event, còn được gọi là Thảm họa oxy) xảy ra cách đây khoảng 2,4 tỷ năm.

Nguyên nhân chủ yếu gây ra sự thay đổi trên là, trong quá trình già đi, Mặt trời sẽ nóng hơn và phóng thích nhiều năng lượng hơn trước. Điều này sẽ làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái đất và phân hủy CO2 trong khí quyển. Hai yếu tố này sẽ giết chết đi sự sống của thực vật, làm mất đi nguồn oxy chính của hành tinh.

Việc lượng oxy giảm đáng kể sẽ khiến Trái đất sẽ mất đi tầng ôzôn, từ đó làm cạn các đại dương do lượng bức xạ từ Mặt trời tăng lên. (Ảnh: Alamy)

Vào thời điểm đó, Trái Đất sẽ không còn là nơi sinh sống lý tưởng với con người và hầu hết các dạng sống khác dựa vào oxy. Sự sống trên Trái đất sẽ chỉ còn ở dạng vi khuẩn, theo dự báo.

Mặc dù nghiên cứu này cũng không quá đáng sợ, bởi tính ra cũng còn khá lâu nữa, tuy nhiên kết quả của nghiên cứu lại khiến cho các nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh trở nên phức tạp hơn.

Ảnh minh họa Trái đất sau khi cạn kiệt oxy (trái) và Trái đất mà chúng ta đang sống. (Ảnh: Alamy)

Theo đó, các nhà khoa học vốn xem việc một hành tinh có oxy là một trong những điều kiện cần để tồn tại sự sống. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng việc oxy tồn tại trong khí quyển có thể chỉ kéo dài khoảng 20 đến 30% thời gian mà một hành tinh tồn tại.

Điều này đồng nghĩa, việc tìm kiếm những hành tinh trong không gian để có thể sinh sống là chưa đủ - mà thời điểm thích hợp để định cư cũng quan trọng không kém.

Titan, Mặt trăng của Sao Thổ. (Ảnh: NASA)

Tuy nhiên nhóm nghiên cứu cũng gợi ý rằng, có thể tồn tại những dấu hiệu sự sống mà con người chưa biết đến. Ví dụ như một đám mây hữu cơ giàu mêtan có thể nuôi dưỡng và phát triển sự sống chẳng hạn, và đây cũng là đặc điểm của khí quyển trên Titan, Mặt trăng của Sao Thổ.

Duy Huỳnh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/cong-nghe/day-la-thoi-diem-su-song-tren-trai-dat-se-hoan-toan-cham-dut-202103051708350263.html