Đây là thảm họa có thể xảy ra nếu bạn lại gần một xác cá voi dạt bờ và câu chuyện về 'quả bom' khổng lồ kỳ lạ nhất lịch sử

Cá voi dạt bờ không chỉ là một câu chuyện đau thương, mà còn là một bài toán khá đau đầu cho con người về các vấn đề môi trường cũng như cách xử lý nó.

Lần nào cũng vậy, xác cá voi dạt bờ sẽ luôn thu hút đông đảo người hiếu kỳ đến xem. Dù sao cũng là chuyện hiếm gặp mà. Tuy nhiên, có một điều ít ai ngờ được rằng nếu đến quá gần xác cá voi, bạn có nguy cơ gặp phải một thảm họa, được mô tả hết sức trực quan trong tấm hình dưới đây.

Đúng vậy đấy! Xác cá voi dạt bờ có thể phát nổ, thậm chí là nổ rất to nữa!

Tại sao xác cá voi dễ phát nổ?

Cá voi, đặc biệt là cá voi xanh - loài động vật lớn nhất hành tinh với cân nặng lên tới cả trăm tấn, mỗi khi chúng dạt bờ lại là một câu chuyện rất đau đầu đối với các nhà chức trách địa phương. Bởi chúng quá lớn nên khi phân hủy, môi trường sống xung quanh sẽ ô nhiễm rất nặng, mùi hương bốc lên không thể chịu nổi. Nhưng không chỉ vậy, nhiều khả năng cái xác ấy còn có thể phát nổ nữa.

Khi một sinh vật sống chết đi, vi khuẩn và giòi bọ sẽ vào cuộc khiến cơ thể phân hủy một cách nhanh chóng. Nội tạng sẽ phân hủy trước tiên, tạo ra khí tích tụ trong cơ thể - thường là methane và các khí gốc nitrogen, khiến cơ thể rơi vào trạng thái "trương phềnh". Khí này sẽ nhanh chóng thoát ra ngoài do làn da bị phân hủy.

Đó là ở người, còn xác cá voi lại là một câu chuyện khác hẳn. Da cá voi rất dày và có tính đàn hồi cực mạnh, có thể chịu được áp suất cực lớn, lại cực khó bị phân hủy. Do đó khí có thể tích tụ với khối lượng khổng lồ, khiến cơ thể cá voi trương dần lên và cuối cùng phát nổ.

Nhưng thường thì quả bom này chỉ nổ khi có tác động của con người. Nhiều người hiếu kỳ trèo lên xác cá voi chụp ảnh, lấy dao xin một ít da, thịt, răng... về làm kỷ niệm. Tất cả đều không biết rằng chỉ cần một vết cắt, cơ thể chúng sẽ phát nổ giống như bóng bay vậy.

Đây chính là những gì đã xảy ra trên bờ biển thành phố Đài Nam (Đài Loan, Trung Quốc) vào ngày 29/1/2004, khi một xác cá nhà táng dài 17m dạt vào bờ. Xác con vật được nâng lên một chiếc xe đầu kéo để đưa đi khám nghiệm, nhưng rồi đột nhiên phát nổ ngay trên đường phố, khiến hơn 600 người tắm trong cơn mưa máu và nội tạng. Còn mùi thì khỏi phải bàn đến đi, chẳng khác gì vũ khí sinh học.

Quả bom cá voi kỳ lạ nhất

Không phải mọi cái xác cá voi đều có thể phát nổ, và cũng không phải lần nào cũng là vì lý do tự nhiên. Một trong số đó là sự kiện hết sức kỳ lạ xảy ra vào năm 1970, vô tình khiến một thị trấn nhỏ của bang Oregon trở nên nổi tiếng.

Buổi sáng ngày 9/11/1970 tại thị trấn Florence (Portland, Mỹ) cũng có một xác cá nhà táng dài 14m, nặng 7 tấn. Cái xác nhanh chóng thu hút đám đông hiếu kỳ, nhưng tất cả nhanh chóng dạt ra vì mùi quá nồng nặc, buộc phải gọi chính quyền địa phương đến thu dọn. Khi đó, các bãi biển thuộc quyền quản lý của Bộ phận Đường cao tốc Oregon đã giao cho George Thornton - một kỹ sư đến xử lý.

Tay mang túi xách, Thornton bắt đầu suy nghĩ về cách xử lý cái xác đang trương phềnh. Cái xác ấy không thể chôn ngay tại đó, vì thủy triều sẽ sớm khiến nó lộ ra. Việc hỏa thiêu cũng là không thể vì kích cỡ quá lớn. Cắt xẻ nhỏ cũng không được, vì... chẳng ai muốn làm cả.

Rốt cục sau khi hỏi ý kiến Hải quân Hoa Kỳ, Thornton quyết định sử dụng thuốc nổ. Ý tưởng ở đây là cho cái xác nổ thành từng mảnh nhỏ, sau đó để cho những loài ăn xác như cua, mòng biển... xử lý.

Vấn đề là phải dùng bao nhiêu thuốc nổ? Khi đó, không có bất kỳ quy chuẩn hay hướng dẫn nào cả, khiến Thornton buộc phải tự biên tự diễn và dự định sẽ găm khoảng 20 hộp xung quanh cái xác - nghĩa là tầm... nửa tấn thuốc nổ.

Bãi biển khi đó có Walter Umenhofer - chủ một cửa tiệm bán súng, từng được huấn luyện chất nổ trong Thế chiến II. Umenhofer đã lập tức cảnh báo rằng 20 hộp là quá nhiều, chỉ cần 20 que nổ (khoảng 4kg) là đủ rồi. Nhưng Thornton, một kỹ sư giàu tự trọng sẽ không để người xung quanh xen vào. Ông rất kiên định, và vụ nổ được định sẵn sẽ xảy ra sau đó 2 ngày.

Chiều ngày 12/11, đám đông khoảng 75 người kèm theo camera và truyền thông địa phương đứng tụ tập đón xem sự kiện có 1-0-2. Những quả bom được kích nổ vào lúc 15h45 phút, đẩy một cột khói và máu cao tới 30m lên không trung, trông giống y như... nổ nước ép cà chua vậy.

Vụ nổ ấy đã khiến nhiều mảnh xác cá voi văng xa tới gần cả cây số. Một mảnh có kích cỡ bằng lốp ô tô đã san phẳng phần nóc xe của chính Walter Umenhofer - chủ cửa hàng bán súng. Xui xẻo không thể tả.

Nhưng rốt cục, vụ nổ chỉ có thể đục một phần nhỏ của cái xác. Tệ hơn nữa, lũ mòng biển vốn được kỳ vọng sẽ thu dọn các mảnh vụn thì cũng chẳng thấy đâu. Chúng biến mất vì tiếng nổ quá lớn.

Đến nước này, Thornton buộc phải phái thêm người, mang theo cả xe xúc đất để thu dọn phần còn lại của cái xác. Sự kiện được tóm tắt rất đầy đủ chỉ bằng một câu nói của Linnman - phụ trách quay phim của đài truyền hình địa phương.

"Có thể kết luận là nếu có thêm cái xác cá voi nào dạt vào đây, nhưng người phụ trách không chỉ nhớ việc nên làm, mà chắc chắn sẽ biết mình không nên làm gì."

Vụ nổ xác cá voi tại Florence ngày ấy đã trở thành huyền thoại tại Oregon.

Vậy giờ người ta thường làm gì để xử lý xác cá voi?

Quá trình phân hủy xác cá voi có thể lên tới... 30 năm, vì thế việc để lại xác trương phềnh trên bãi biển gần khu dân cư chắc chắn là chuyện không thể chấp nhận được.

Ở thời điểm hiện tại, chính sách của Oregon quy định xác cá voi sẽ phải được chôn ngay tại hiện trường. Trong trường hợp cát quá nông, có thể chuyển sang một bãi biển khác. Buộc phải chôn ở biển, để chúng tái nhập vào vòng đời tự nhiên.

Đây cũng là quy trình chung tại nhiều nơi trên thế giới. Nếu xác quá lớn sẽ cần xẻ nhỏ thịt để xử lý.

Nguồn: Today I Found Out

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/day-la-tham-hoa-co-the-xay-ra-neu-ban-lai-gan-mot-xac-ca-voi-dat-bo-va-cau-chuyen-ve-qua-bom-khong-lo-ky-la-nhat-lich-su-220211725756557.htm