Đây là những yếu tố kỹ thuật quyết định năng suất tối đa sân bay Tân Sơn Nhất

Việc tính toán năng suất sân bay tùy vào nhiều yếu tố, tuy nhiên ba yếu tố quan trọng nhất về cơ sở vật chất có vai trò quyết định, đó là (i) đường băng cất hạ cánh, (ii) đường lăn - đường chờ - sân đỗ máy bay, (iii) nhà ga phục vụ hành khách.

Nếu xây dựng thêm đường cất hạ cánh thứ ba, theo phân tích của Tư vấn Arup thì năng suất CHKQT Tân Sơn Nhất tương ứng là 70 triệu HK/năm. Ảnh minh họa: Lê Quân/Zing

Nếu xây dựng thêm đường cất hạ cánh thứ ba, theo phân tích của Tư vấn Arup thì năng suất CHKQT Tân Sơn Nhất tương ứng là 70 triệu HK/năm. Ảnh minh họa: Lê Quân/Zing

Năng lực của các đường cất hạ cánh

Điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật của Cảng Hàng không Quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất quyết định khả năng tối đa đáp ứng nhu cầu này mà chủ yếu là năng lực của các đường cất hạ cánh.

Tư vấn Anh ARUP đã mô hình hóa cấu hình hai đường cất hạ cánh (CHC) hiện hữu với các công cụ của ACRP 79 trên cơ sở phân tích lịch bay hiện nay. Với việc triển khai chương trình khai thác đường CHC với cường độ cao (HIROPS) và giả thiết hoạt động khai thác phụ thuộc tách biệt hai đường CHC song song, ARUP cho kết quả tần suất CHC giờ cao điểm là 70 chuyến/h và có thể khai thác ở mức trung bình 46 chuyến/h để có tổng số 400.000 chuyến cất hạ cánh/năm. Với mức tải trung bình theo thống kê hiện nay là 150 HK/chuyến, năng suất tương ứng là 60 triệu khách/năm. Để đạt năng suất đó thì năng lực điều hành không lưu phải được nâng lên, cơ sở hạ tầng như nhà ga hành khách, đường lăn, bãi đỗ… đều phải xây dựng đồng bộ tương ứng. Các điều kiện kỹ thuật này có thể thực hiện được dần trong thời gian tới.

Tư vấn Pháp ADPi cũng tính toán mô phỏng cho tần suất tối đa có thể đạt 68 chuyến/h, cũng gần với con số 70 chuyến/h của ARUP, tuy nhiên khuyến cáo mức cao điểm cho phép chỉ là 57 chuyến/h mà không nêu lý do cụ thể. Mặc khác ADPi ước tính số lượng chuyến CHC hàng năm tăng dần lên với tốc độ rất thấp để có 301.727 chuyến năm 2025 và 315.442 chuyến/năm vào năm 2030. ADPi cũng ước tính mức tải trung bình tăng dần lên từ 150 HK/chuyến hiện nay lên đến 169,5 HK/chuyến vào năm 2025 để có năng suất tương ứng là 51,13 triệu HK.

So sánh với các CHKQT có hai đường CHC được khai thác ở mức cao như Dubai và Heathrow thì hệ số sử dụng tính bằng tỷ lệ tần suất CHC trung bình trên tần suất CHC tối đa là từ 74% đến 88%, còn ở CHKQT Tân Sơn Nhất theo ARUP hệ số sử dụng đó là 64% là khả thi trên thực tế, tuy nhiên theo ADPi hệ số đó chỉ 51% là thấp, chứng tỏ phương án ADPi chưa khai thác đúng mức năng lực của hai đường CHC.

So sánh năng suất CHC của Cảng HKQT TSN so với các CHK khác.

Nếu xây dựng thêm đường cất hạ cánh thứ ba thì theo phân tích của Tư vấn Arup của Anh, tần suất tối đa của Tân Sơn Nhất có thể đạt 86 chuyến/giờ để có thể khai thác ở mức trung bình 53 chuyến/h để có tổng số 467.000 chuyến/năm. Với mức tải trung bình hiện nay là 150 HK/chuyến, năng suất tương ứng là 70 triệu HK/năm.

Việc đầu tư để tăng năng suất CHKQT Tân Sơn Nhất lên mức 70 triệu HK/năm sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế nhưng phương án mở rộng cũng sẽ phức tạp, cần giải tỏa đền bù nhiều và tốn kém. Vì thế cần phải có các nghiên cứu chi tiết hơn để xác định các chi phí đền bù giải tỏa và tính hiệu quả của phương án này.

Năng lực của các đường đường lăn - đường chờ - sân đỗ máy bay

Khi thêm đường lăn song song và đường thoát nhanh thì tần suất CHC giờ cao điểm của hai đường CHC hiện hữu ở CHKQT Tân Sơn Nhất có thể đạt mức trên 70 chuyến/giờ.

Khoảng cách 2 đường CHC là 365 m đủ để thêm đường lăn song song ở giữa (ICAO yêu cầu khoảng cách giữa tim đường CHC và đường lăn là 182.5 m đối với cảng hàng không cấp 4E).

Nhu cầu bãi đỗ máy bay cũng có thể ước tính theo tần suất CHC trong năm hay năng suất vận chuyển hành khách/năm. Bình quân một chỗ đỗ máy bay có thể phục vụ 500.000 HK/năm và cần có diện tích 8.000 m2.

Số lượng vị trí đỗ máy bay và diện tích sân đỗ cần xây dựng mới.

Nhu cầu nhà ga hành khách tương ứng với năng suất

Diện tích nhà ga hành khách liên quan mật thiết với số lượng hành khách giờ cao điểm sử dụng sân bay và một cách gần đúng thì có thể xem như tỷ lệ thuận với năng suất sân bay tương ứng với cùng chất lượng phục vụ.

CHKQT Tân Sơn Nhất hiện nay có hai nhà ga hành khách với tổng năng suất theo thiết kế 28 triệu HK/năm, trong đó nhà ga hành khách T1 (quốc nội) có diện tích 40,048 m2 với năng suất thiết kế 15 triệu HK/năm và nhà ga hành khách T2 (quốc tế) có diện tích 108,000 m2 với năng suất thiết kế 13 triệu HK/năm.

Nếu tính số lượng hành khách trung bình trong năm trên một đơn vị diện tích nhà ga thì con số thấp nhất là của sân bay Dubai, nơi có chất lượng phục vụ rất cao, và cao nhất của CHKQT Tân Sơn Nhất, nơi rất thiếu diện tích nhà ga hành khách.

Mật độ hành khách của nhà ga.

Năm 2017 mật độ hành khách tại CHKQT Tân Sơn Nhất là 242 HK/năm/m2, cao gần gấp đôi CHKQT Heathrow.

Nếu lấy mức trung bình là 150 HK/năm/m2 cho cả nhà khách quốc tế và quốc nội thì với năng suất 36 triệu khách năm 2017, CHKQT Tân Sơn Nhất cần có diện tích nhà ga hành khách là 240.000 m2 tức còn thiếu 91.000 m2.

Nếu lấy mức diện tích 10.000 m2/triệu HK/năm cho nhà ga quốc tế và 5.000 m2/triệu HK/năm cho nhà ga quốc nội thì CHKQT Tân Sơn Nhất với tỷ lệ 35% khách quốc tế và 65% khách quốc nội có mức diện tích trung bình 6750 m2/triệu khách. Với năng suất 36 triệu khách năm 2017, CHKQT Tân Sơn Nhất cần có diện tích nhà ga hành khách là 243.000 m2 tức còn thiếu 95.000 m2.

Với mật độ hành khách đó thì CHKQT Tân Sơn Nhất cần có tổng diện tích nhà ga là 338.000 m2 ứng với năng suất 50 triệu HK/năm, tức cần thêm 190.000 m2 nữa. Ứng với năng suất 60 triệu HK/năm thì cần có tổng diện tích nhà ga 405.000 000 m2 và cần xây dựng thêm là 257.000 m2.

Diện tích nhà ga hành khách cần có (m2).

Còn tiếp...

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/day-la-nhung-yeu-to-ky-thuat-quyet-dinh-nang-suat-toi-da-san-bay-tan-son-nhat-18219.html