Đây là những việc quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình sức khỏe của bé cần làm ngay sau khi chào đời

Khoảnh khắc con chào đời có thể rất đặc biệt và cũng thường có rất nhiều điều xảy ra, tùy thuộc vào quá trình chuyển dạ của bạn, cách em bé chào đời và tốc độ thích nghi của bé với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ.

Trẻ cất tiếng khóc ngay ở những giây phút đầu đời

Với trường hợp sinh con qua đường âm đạo không có biến chứng: Hầu hết trẻ sơ sinh thở và khóc trong vòng vài giây sau khi chào đời . Nếu con bạn thở tốt, có thể đặt em bé trần truồng, da kề da, trên ngực hoặc của bạn ngay sau sinh. Tiếp xúc da kề da giữ ấm cho bé, giúp ổn định nhịp thở và nhịp tim của bé, đồng thời cho phép mẹ con gắn kết thể chất ngay lập tức. Đây cũng là một yếu tố kích thích hoạt động bú mẹ.

Hầu hết trẻ đều thở và khóc to sau khi chào đời (Ảnh minh họa).

Hầu hết trẻ đều thở và khóc to sau khi chào đời (Ảnh minh họa).

Sinh mổ tự chọn: Hầu hết trẻ chào đời bằng phương pháp sinh mổ tự chọn đều thở và khóc to khi sinh. Nếu bé thở tốt, bạn có thể da kề da với con trước khi bé được đưa đến khu vực ủ ấm đặc biệt để được lau khô người và kiểm tra các chỉ số như cân nặng, chiều dài, nhịp thở. Bạn có thể yêu cầu ôm bé sát da hoặc bé được quấn trong chăn ấm để bạn bế khi vẫn nằm trên bàn mổ.

Đôi khi bạn có thể cần được chăm sóc y tế thêm. Vì vậy lần gặp gỡ đầu tiên giữa mẹ con có thể diễn ra sau đó.

Sinh mổ cấp cứu: Trường hợp này, trẻ thường cần được trợ giúp để thở khi sinh. Nữ hộ sinh hoặc bác sĩ nhi khoa sẽ đưa bé đến khu vực ủ ấm đặc biệt để lau khô người cho bé. Họ cũng sẽ kiểm tra các hình thức hỗ trợ mà con bạn cần.

Khi bé thở tốt và sức khỏe ổn định, bạn có thể bế con. Ngay cả khi bạn vẫn đang trên bàn mổ, bạn có thể yêu cầu tiếp xúc da kề da hoặc ôm ấp con. Nếu đã được gây mê toàn thân, bạn sẽ có thể ôm con sau khi hồi phục.

Cắt dây rốn

Sau khi bé chào đời, dây rốn cần được kẹp và cắt đi. Điều này có thể xảy ra ngay sau sinh hoặc bạn có thể ôm con vào lòng trong 1-2 phút trước khi nhân viên y tế cắt dây rốn.

Bạn có thể ôm con vào lòng trong 1-2 phút trước khi nhân viên y tế cắt dây rốn (Ảnh minh họa).

Người thân (thường là chồng/bạn đời của bạn) có thể tự tay cắt dây rốn cho bé. Nhưng họ không thể làm việc này trong trường hợp bạn sinh mổ; bé cần nhanh chóng đưa đến khu vực ủ ấm sau sinh hoặc nếu bạn bị các biến chứng như chảy máu nhiều. Với tình huống này, nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sản khoa sẽ kẹp và cắt dây rốn. Dây rốn khá khó cắt, nhưng việc này hoàn toàn không gây đau cho bạn hoặc con bạn.

Con bạn trông như thế nào và cư xử ra sao sau khi chào đời?

Việc da bé trông hơi xanh hoặc tái trong vài phút đầu đời là điều hết sức bình thường. Nếu bé thở tốt, màu da sẽ dần trở nên hồng hào trong vòng 7-10 phút sau đó. Bàn tay và bàn chân của con có thể vẫn xanh trong vòng tối đa 24 giờ. Nguyên nhân là các mạch máu ở bàn tay và bàn chân của bé rất nhỏ. Cần có thời gian để máu lưu thông đúng cách ở đó và giúp da chuyển dần sang sắc hồng tự nhiên.

Nếu con có vẻ đã sẵn sàng, bạn có thể thử cho con bú trong vòng vài phút sau sinh (Ảnh minh họa).

Nếu mọi việc đều ổn, hầu hết trẻ sơ sinh đều khóc ngay sau khi sinh. Sau đó, bé thường lặng lẽ nhìn xung quanh với đôi mắt mở to trước khi chìm vào giấc ngủ. Nhưng một số có thể vẫn thức và muốn ăn.

Nếu con có vẻ đã sẵn sàng, bạn có thể thử cho con bú trong vòng vài phút sau sinh. Nữ hộ sinh sẽ giúp bạn đặt con ở vị trí khớp với bầu vú bạn.

Kiểm tra điểm Apgar

Điểm Apgar là điểm đánh giá nhịp tim, nhịp thở, trương lực cơ, phản ứng với các kích thích và màu da của bé. Điểm 0, 1 hoặc 2 được đưa ra cho từng tiêu chí trong số 5 tiêu chí này và tổng điểm được gọi là điểm Apgar.

Điểm Apgar của con bạn đánh giá mức độ bé đã thực hiện chuyển đổi từ cuộc sống trong bụng mẹ sang cuộc sống bên ngoài như thế nào. Nó được ghi trong sổ phát triển và sức khỏe của con bạn.

Điểm Apgar của con bạn đánh giá mức độ bé đã thực hiện chuyển đổi từ cuộc sống trong bụng mẹ sang cuộc sống bên ngoài (Ảnh minh họa).

Có những bé cần trợ giúp y tế sau sinh

Nếu bé không thở bình thường sau khi chào đời và cần được trợ giúp để thở, nhịp tim thấp (dưới 100 nhịp/phút) hoặc cơ thể mềm oặt, bé sẽ được chuyển đến khu vực ủ ấm. Nhân viên y tế là người quyết định loại hình hỗ trợ y tế bổ sung nào mà con bạn cần.

Bác sĩ hoặc nữ hộ sinh có thể thông đường thở cho bé và giúp em thở bằng cách cho không khí bình thường qua mặt nạ và thiết bị trợ thở đặc biệt dành cho bé. Thiết bị thở và mặt nạ có thể vẫn hoạt động cho đến khi bé có thể tự thở.

Nếu nhịp thở, nhịp tim và tình trạng cơ thể mềm oặt của con bạn không cải thiện, bé có thể cần được truyền oxy qua mặt nạ hoặc ống thở.

Các em bé rơi vào trường hợp trên đều được đưa đến khu chăm sóc đặc biệt trẻ sơ sinh để được đánh giá thêm và theo dõi chặt chẽ.

Kiểm tra sức khỏe và tiêm vắc xin trong 24 giờ đầu tiên

Trong vòng một giờ đầu tiên sau khi sinh, nữ hộ sinh sẽ gắn hai thẻ tên cho con bạn. Bé cũng sẽ được cân vào một thời điểm nào đó trong vài giờ đầu tiên. Khi cân bé, nữ hộ sinh đồng thời tiến hành một số kiểm tra sức khỏe nhanh.

Thời điểm con bạn ị và trớ lần đầu sẽ được ghi lại. Điều này thường diễn ra trong vòng 24 giờ đầu tiên. Bạn sẽ được yêu cầu cho phép con được tiêm 1-2 mũi. Những mũi tiêm này được tiêm vào cơ đùi sau khi bé chào đời, ngay lập tức hoặc trong vòng vài giờ. Các mũi tiêm bao gồm: vitamin K - giúp ngăn ngừa rối loạn chảy máu do thiếu vitamin K (bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh) và chủng ngừa viêm gan B.

Theo Pháp Luật và Bạn Đọc

Nguồn Em Đẹp: https://emdep.vn/lam-me/day-la-nhung-viec-quan-trong-anh-huong-truc-tiep-toi-tinh-hinh-suc-khoe-cua-be-can-lam-ngay-sau-khi-chao-doi-20200914083415641.htm