Đây là mưu sĩ tài giỏi nhất Tam Quốc: Vượt xa Gia Cát Lượng, 4 lần thay đổi lịch sử và cái chết đầy bí ẩn
Nếu không chết sớm, mưu sĩ này có thể đã giúp Tào Tháo thống nhất thiên hạ. Sinh thời, ông được đánh giá tài giỏi còn hơn cả Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý.
Trong suốt thời kỳ Tam Quốc, lịch sử Trung Quốc ghi nhận sự xuất hiện của rất nhiều nhân tài, anh hùng. Giai đoạn này, ngoài cuộc tranh đoạt trên chiến trường còn là những màn đấu trí đỉnh cao, nơi các mưu sĩ, quân sư có cơ hội tỏa sáng.
Bấy giờ, đâu chỉ có Gia Cát Lượng hay Tư Mã Ý, còn rất nhiều cái tên đáng gờm khác, góp phần xoay chuyển cục diện Tam Quốc. Người được đánh giá giỏi nhất lúc đó là Tuân Úc. Ông là người phò trợ Tào Tháo, có công giúp Tào gầy dựng được sự nghiệp rực rỡ.
Tuân Úc (163 – 212), biểu tự Văn Nhược, là mưu sĩ, quan đại thân thời Đông Hán. Ông là một trọng thần nổi tiếng của Tào Tháo, được gọi là “Ngộ chi Tử Phòng”. Người xưa so sánh ông với Trương Lương (một trong Hán sơ Tam kiệt trứ danh). Chừng đó đủ thấy tầm vóc, vai trò đặc biệt của vị quân sư này như thế nào.
Tuân Úc đã có 4 lần thay đổi tiến trình lịch sử, lần lượt là:
Lần thứ nhất, trận Từ Châu
Năm 193, thái thú quận Trần Lưu – Trương Mạc cùng Trương Siêu, Trần Cung nghe tin Tào Tháo đồ sát dân chúng Từ Châu thì vô cùng buồn bực. Họ tìm thủ lĩnh mới để lật đổ Tào và Lã Bố là người được chọn.
Trong thế cấp bách, Tuân Úc đã nghĩ ra mẹo cố giữ vững ba tòa thành cuối cùng ở Duyện Châu cho Tào Tháo là Nhân Thành, Đông An và Phạm Huyện. Nhờ đó Tào Tháo không mất căn cứ, kịp mang quân về đánh Lã Bố. Nếu không có Tuân Úc, thật không dám tưởng tượng tình cảnh Tào Tháo ra sao. Sau lần đó, Tào được triều đình công nhận và thiết lập vững chắc lãnh thổ đầu tiên của mình.
Lần thứ hai, “phụng thiên tử dĩ lệnh chư hầu”
Khi triều đình Trường An rối loạn, Tuân Úc cùng Trình Dục đã khuyên Tào Tháo nghênh đón “thiên tử” để giúp nhà Hán, hiệu triệu thiên hạ. Nhờ sách lược đề cao chữ “nghĩa” đó mà sau này Tào Tháo mới thu phục được lòng người giữa cảnh đại loạn.
Lần thứ ba, trận Quan Độ
Năm 200, chiến sự ở trận Quan Độ diễn ra căng thẳng, bất phân thắng bại. Khi sắp hết quân lương, Tào muốn rút lùi về Hứa Xương nên hỏi ý kiến Tuân Úc. Đáp lại, Tuân Úc khuyên ông không được rút lui, phải cố bám trụ chờ biến cố. Quả thật không lâu sau Hứa Du – mưu sĩ của Viên Thiệu đã sang đầu hàng, hiến kế cho Tào Tháo cướp lương Thảo ở Ô Sào.
Lần thứ tư, sau trận Quan Độ
Dù thắng trận Quan Độ nhưng Tào Tháo vẫn chưa thể đánh bại Viên Thiệu, thống nhất miền Bắc hoàn toàn. Thấy Tào nóng lòng, Tuân Úc đã ra khuyên can và tin rằng nội bộ bên Viên Thiệu không hề đoàn kết, một khi Tào tấn công, sẽ giúp họ gắn lại với nhau. Thế nên cách duy nhất Tào Tháo có thể làm là ngồi im cờ đợi, tự nhiên “tập đoàn” này sẽ tách nhau ra. Chờ khi họ suy yếu, Tào Tháo tấn công thì xác suất thành công cao hơn.
Thực tế chứng minh Tuân Úc đã đúng. Chẳng bao lâu sau, họ Viên có xung đột nội bộ và suy yếu, Tào Tháo đã diệt toàn bộ hậu thế của Viên Thiệu rồi thống nhất phương Bắc.
Là người tinh thông đủ thứ trên đời, có tầm nhìn xa trông rộng bậc nhất Tam Quốc, nhưng đáng tiếc là Tuân Úc sau đó lại qua đời quá sớm. Năm 212, ông đột ngột ra đi một cách bí ẩn, được tặng hàm Thái úy, đặt tên thụy là Kính hầu.
Có nguồn thông tin cho rằng, lý do Tuân Úc qua đời bất ngờ là vì ông và Tào Tháo về sau bất đồng mục tiêu soán ngôi nhà Hán. Tuân Úc dù phò trợ Tào Tháo nhưng luôn xem mình là thần tử nhà Hán, trung thành với nhà Hán. Thế nên khi Tào Tháo muốn xưng vương, dĩ nhiên ông phản đối.
Không lâu sau mâu thuẫn, Tào Tháo gửi cho Tuân Úc một chiếc hộp rỗng. Nhìn nó xong, Tuân Úc hiểu rõ hàm ý của Tào Tháo là muốn ông tự phán xử bản thân. Với Tào Tháo, Tuân Úc giờ đây không còn là quân sư cận kề mà đã là một hòn đá ngáng đường.
Cuối cùng Tuân Úc quyết định tự kết liễu. Nếu vị mưu sĩ này còn sống và phò trợ Tào Tháo, cục diện Tam Quốc lúc bấy giờ chắc chắn sẽ còn khác đi. Sau này Tư Mã Ý sẽ không có cơ hội thể hiện và cơ nghiệp của Tào Tháo cũng không bị mất vào tay người khác.