Đây là lí do vì sao 5 'ông lớn' xe máy còn ngó lơ thị trường xe điện

Dự báo về doanh số bán xe máy tại thị trường Việt Nam năm 2018 không có nhiều khác biệt. Con số dự báo là khoảng 3,4 triệu chiếc. Trong khi trên thực tế, doanh số đạt được là 3,386 triệu chiếc, chủ yếu nằm trong tay 5 thương hiệu Honda, Yamaha, Piagio, Suzuki và SYM.

Dung lượng thị trường xe điện còn khá nhỏ, khoảng 500.000 chiếc/năm (ảnh: PK).

Một vài mẫu xe chiếm doanh số áp đảo

Trong số 3,386 triệu chiếc xe máy chạy bằng xăng/dầu bán ra năm 2018, Honda chiếm đến 75,9% thị phần với 2,56 triệu chiếc. Honda bán ra tới 24 mẫu xe trong năm 2018 thế nhưng điều đáng nói là hai dòng xe Vision và Wave Alpha chiếm tới hơn 1 triệc chiếc được bán ra, chiếm tới 1/3 doanh số thị trường.

Thị trường xe máy dù được dự báo là đang dần bão hòa tuy nhiên qua con số thống kê cho thấy năm 2018 doanh số vẫn tăng khoảng 3-4% so với năm 2017. Như vậy, thị trường xe máy vẫn đang là “chiếc bánh” béo bở của 5 “ông lớn” kể trên đặc biệt là Honda.

Trong khi gần đây VinFast cho ra mắt dòng xe máy điện Klara gây được chú ý và mới nhất Pega cũng cho ra mắt một số mẫu xe điện mới, thế nhưng tịnh không nghe thấy động thái gì mới mẻ trong tiến trình đưa xe máy điện vào Việt Nam của 5 “ông lớn”. Tất cả các thông tin có được đều từ nhiều tháng trước và không có gì mới mẻ.

Dung lượng thị trường xe điện tại Việt Nam hiện được cho là khoảng 500.000 chiếc/năm trong đó 80% là xe đạp điện, 20% là xe máy điện. Về số lượng, xe điện mới bằng khoảng 15% so với xe máy chạy bằng xăng/dầu song về doanh số thì chỉ bằng từ 8-10% mà thôi.

Xe máy dùng xăng vẫn chiếm áp đảo tại thị trường Việt Nam (ảnh: PK).

“Chiếc bánh” 120.000 tỉ đồng xe gắn máy còn khá rộng chỗ cho 5 “ông lớn”. Ngay cả trong trường hợp bão hòa, thì “ông lớn” này vẫn “cắn” thêm được thị phần từ “ông lớn” khác. Đơn cử thị phần của Honda năm 2018 cũng tăng đến 9% số xe bán ra so với năm liền trước.

Hai vấn đề lớn của xe máy điện

Khi đề cập tới xe điện hầu hết các ý kiến đều tập trung vào sự ưu việt của nó là bảo vệ môi trường. Điều này hoàn toàn chính xác nhưng chưa thật đầy đủ.

Tại Việt Nam, hành lang pháp lí đối với xe máy điện còn ít hay nói cách khác là chưa đầy đủ. Một trong những vấn đề đó là vấn đề quản lí, xử lí pin (nhiên liệu) của xe điện như thế nào, ai có trách nhiệm xử lí?

Bên cạnh ưu điểm bảo vệ môi trường, cần biết rằng dù sử dụng bình ắcqui hay pin thì loại nguồn năng lượng này đều gây ô nhiễm môi trường. Việc phải gắn trách nhiệm thu hồi và xử lí đối với nguồn năng lượng cho xe điện là hoàn toàn cần thiết.

Vấn đề thứ hai là người tiêu dùng Việt Nam chưa nhìn thấy được lợi ích thiết thực đối với họ, một khi chuyển đổi từ xe máy dùng xăng/dầu sang dùng điện cho dù việc điều chỉnh hành vi tiêu dùng của họ giúp hạn chế gây ô nhiễm môi trường về cả không khí và tiếng ồn, tiết giảm ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu.v.v…

Cần có thêm chính sách để kích cầu xe điện từ phía nhà nước (ảnh: PK).

Một dạo, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đã đưa ra đề xuất rằng để kích thích người dân chuyển đổi từ xe máy chạy xăng sang xe điện thì nhà nước cần có chính sách miễn giảm thuế phí. Đối với người tiêu dùng, đó là các loại thuế giá trị gia tăng; lệ phí trước bạ, sang tên; đối với nhà sản xuất trong nước, đó là thuế thu nhập doanh nghiệp.

Từ chính sách kích thích xe điện sẽ giúp cho giá xe điện được cải thiện hơn nữa sẽ giúp người dân tiếp cận thuận lợi hơn, đặc biệt là tầng lớp công nhân, viên chức, lao động, sinh viên, học sinh…

Thế Lâm

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/day-la-li-do-vi-sao-5-ong-lon-xe-may-con-ngo-lo-thi-truong-xe-dien-653613.ldo