Đây là Đài Phát thanh Giải phóng…

Một người quen hồ hởi báo tin, em ơi Đài Phát thanh Giải phóng ở R thời kháng chiến chống Mỹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Thật quá mừng. Lúc ấy, dù ở R, vùng giải phóng, hay trong vùng tạm bị chiếm, ai mà không từng nghe Đài Phát thanh Giải phóng.

1. Tôi nhớ lại chiều ngày 30-4-1975, nhớ giọng nghẹn ngào, xúc động đầy tự hào của chị Thanh Liêm và anh Hữu Phước đọc thông báo đầu tiên của Đài Phát thanh Giải Phóng “Đây là Đài Phát thanh Sài Gòn Giải phóng, tiếng nói của Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam…”. 43 năm rồi, từ buổi phát thanh đầu tiên ngày giải phóng và 56 năm ngày phát sóng đầu tiên của Đài Phát thanh Giải phóng, ngày 1-2-1962. Vì thế, tôi muốn phải tìm gặp các anh, để nghe kể chuyện về những ngày ở R và ôn lại những kỷ niệm một thời hào hùng của Đài Phát thanh Giải phóng.

Các anh Nguyễn Hữu Phước, Phan Thanh Dũng, kể từ khi ra đời, cho đến kết thúc vai trò cho dù trải qua nhiều biến cố, gian nan, Đài vẫn thực sự là bản hùng ca lịch sử trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Để có sóng phát thanh trong thời đại ngày nay chẳng phải là vấn đề khó. Còn vào thời đó, những người khai phá đã trải qua nhiều gian nan và hiểm nguy. Chỉ bằng sức người, họ phải lặn lội tìm nơi đặt thiết bị, vào tận chốn rừng sâu, nước độc, nơi không một bóng người… để khỏi lộ nơi phát sóng.

Điều kỳ diệu là lúc ấy, họ chỉ là những người bình thường, từ nhiều miền đất xa xôi, với lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng, cùng nhau tụ họp lại, góp công góp sức để đưa tiếng nói lên sóng. Sau đó, trở thành phương tiện chiến đấu sắc bén, đồng hành trong suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Những cán bộ, chiến sĩ, biên tập, phóng viên của Đài Phát thanh Giải phóng đã vượt qua mưa bom lửa đạn, không một giờ phút ngưng nghỉ, liên tục trong suốt hơn 13 năm trời. Sóng Đài Phát thanh đã góp phần cổ vũ, động viên các chiến sĩ ngoài chiến trường, tiếp sức những cuộc xuống đường trên khắp phố phường vùng tạm chiếm, vang xa đến bè bạn năm châu.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Văn Tòng - tên thường gọi lúc bấy giờ là Tám Tòng, từng là cán bộ kỹ thuật Phòng Vô tuyến Nam bộ thời chống Pháp. Hơn 88 tuổi ông vẫn nhớ vanh vách cái thuở khó khăn, gian khổ và cũng rất đáng tự hào. Ông kể lại hành trình những năm tháng đưa sóng phát thanh chính thức tham gia công cuộc kháng chiến:

Sau khi kế hoạch đã được bàn xong, tôi bắt tay lo công việc nghiên cứu, thiết kế, vẽ bản vẽ, lên danh sách vật tư để mua sắm, góp nhặt vật tư cho kịp việc lắp ráp máy. Chúng tôi làm việc cật lực không kể ngày đêm. Lúc này, ở Phnôm Pênh lo việc đào tạo số công nhân kỹ thuật vô tuyến điện, mua sắm vật tư kỹ thuật cho xưởng và Đài Phát thanh...

Giai đoạn chuẩn bị ban đầu đã xong đúng lúc hàng hóa vật tư từ Phnôm Pênh gởi xuống, cộng với số chúng tôi tìm kiếm góp nhặt được, tôi bắt đầu công việc gò, lận, đục, khoan lỗ cho sườn máy, hàn lắp các linh kiện. Nhưng thật oái ăm, căn cứ cần phải giữ bí mật tuyệt đối vì cơ quan đầu não đã về ở đây, nên nội quy cơ quan là cấm tiếng động và lửa khói, đường đi vào cơ quan phải nghi trang cẩn thận. Lúc này, bọn thám báo, biệt kích hoạt động thường xuyên cũng như dân vào rừng khai thác lâm sản, nếu lộ căn cứ sẽ rất phức tạp, cho nên khi gò, lận, đục, khoan sườn máy có tiếng động đều phải đưa xuống hầm, đậy miệng lại để làm, thật khó khăn và vất vả, nhưng cũng phấn khởi. Dần dần các khó khăn về người cũng được khắc phục, lần lượt được bổ sung thêm các anh chị em Việt kiều ở Phnôm Pênh về.

Ổn định chẳng được bao lâu, vào cuối năm 1960, địch bắt đầu làm con đường xuyên rừng từ Kà Tum đi ngã ba Cần Đăng (gọi là đường Trần Lệ Xuân), nhằm cắt nhỏ khu rừng này, phục vụ chiến tranh đánh phá căn cứ cách mạng miền Nam. Chúng dùng xe cơ giới và mìn nổ san ủi con đường suốt ngày, lực lượng quân sự lùng sục ngày đêm. Căn cứ bất ổn, cơ quan Xứ ủy nằm gần đường mới không an toàn. Tháng 5-1961, Đài và xưởng của chúng tôi phải di chuyển qua chiến khu Đông Bắc - Mã Đà (Đồng Nai thượng). Vậy là phải đưa các máy móc, thiết bị, vật tư vô thùng và cả một máy phát điện 3kW chạy xăng để vận chuyển bằng sức người về Đông Bắc.

Đến Đông Bắc, vừa ổn định xong căn cứ, chúng tôi bắt tay ngay vào việc lắp ráp, điều chỉnh máy, sưu tập từ nhiều nơi một số linh kiện, vật tư cần thiết cho máy phát và dự trữ… Những khó khăn rồi cũng vượt qua được, giờ phút hồi hộp đã đến. Để giữ bí mật, các buổi thử sóng thông qua việc thu băng ghi âm đọc các truyện “Thủy Hử” “Võ Tòng đả hổ”, ngâm thơ… Cuộn băng ghi âm do Ban Tuyên huấn Trung ương Cục gởi sang. Chúng tôi thử nhiều lần, nhiều ngày. Sau các buổi thử, các cơ quan xung quanh Trung ương Cục cho biết kết quả ngay, còn các nơi xa vài ngày sau đó mới có tin. Từ Cà Mau (miền Tây Nam bộ) điện báo cáo nghe tin Đài mình ở miền Tây rất rõ, tất cả chúng tôi vô cùng sung sướng, thành quả bước đầu đã đạt được.

 Anh Nguyễn Hữu Phước và chị Thanh Liêm đọc bản tin trong Đài Phát thanh Giải phóng.

Anh Nguyễn Hữu Phước và chị Thanh Liêm đọc bản tin trong Đài Phát thanh Giải phóng.

2. Ông Nguyễn Vi Thiệu, cũng đã 84 tuổi nhớ lại: Mỗi lần dời cứ khó trăm bề. Máy phát thanh phải tháo ra từng ngăn, tải trên vai như tải gạo. Bộ phận máy nổ, dynamo rất nặng nề, ban đầu khi di chuyển phải có hàng chục người cùng khiêng, về sau được đặt trên xe bánh gỗ, kẻ đẩy người kéo theo những đoạn đường mở mới được ngụy trang ngay sau khi đi qua. Vất vả nhất là việc vận chuyển xăng dầu cho máy nổ, từ chỗ phải đèo trên lưng từng can (thùng nhựa chứa khoảng 10, 20 lít), nhiều khi xăng dầu chảy ra lưng khi di chuyển đường xa, về sau được đặt trên các xe cút kít bánh gỗ, người đẩy người kéo, sau cùng vận chuyển bằng xe đạp thuận tiện hơn.

Năm 1971, đơn vị phát xạ có xe ô tô chiến lợi phẩm, việc di chuyển máy móc trở nên dễ dàng hơn. Để đảm bảo bí mật an toàn, xe chỉ chạy vào ban đêm, không bật đèn xe, chỉ bật đèn pin soi đường. Tết Âm lịch 1973, đài có thêm máy phát thanh 1kW ráp sẵn đặt trên xe com-măng-ca. Nhưng, để đưa xe vào cứ phải chọn điểm thuận tiện lúc sông Vàm Cỏ cạn nước, làm chắc đáy ngầm cho xe qua sông rồi đốn cây, mở đường thông xe…

Máy phát thanh phát sóng dễ bị địch phát hiện, phải được đặt xa khu vực ở và làm việc ít nhất hàng chục km. Vì vậy thu thanh ở phòng bá âm xong, để phát sóng đúng giờ phải mang băng đã thu băng rừng, lội suối về máy phát, có những trường hợp gấp cận giờ phát, anh em phải băng nhanh nhiều khi đến ngất xỉu khi đến nơi. Về sau có thuận tiện hơn, đưa dây nối tiếp từ bá âm về máy phát, nhưng phải thường xuyên kiểm tra đường dây phòng cây rừng ngã hoặc thú rừng cắn đứt dây.

Cho dù cách đây đã hơn 50 năm, những người có mặt vào thời đó chẳng bao giờ quên những giờ phút rung động khi tiếng sóng đầu tiên cất cao qua Đài Phát thanh. Là thủ trưởng thời “khai thiên lập địa” của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam tại chiến khu R, ông Trần Bạch Đằng là người trực tiếp phụ trách chỉ đạo Đài Phát thanh Giải phóng vào thời điểm ấy, đã xúc động nói: “Mọi kỹ thuật thuở ấy có thể đi vào dĩ vãng nhưng cái hồn để làm nên tiếng nói đại nghĩa mãi mãi mang sức sống…”.

Các anh chị kể lại, ngày được chọn khai trương Đài Phát thanh Giải phóng là Tết năm 1962. Trước đó mấy hôm phải phát thử liên tục nhiều buổi, mỗi buổi 15 phút, và yêu cầu các địa phương điện cho biết có nghe được hay không. Tin tức gửi về đều khích lệ. Nhưng đến hôm phát chính thức, lúc đầu làn sóng phát đi còn xấu. Toàn bộ lãnh đạo Ban Tuyên huấn tập trung ở Đài Giải phóng nín thở theo dõi. Sau nhạc hiệu của Đài, bài Giải phóng miền Nam của Huỳnh Minh Siêng (nhạc sỹ Lưu Hữu Phước), xướng ngôn viên Xuân Việt (nữ) và Thành Kỉnh (nam) cất tiếng: “Đây là Đài Phát thanh Giải phóng, tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phát thanh trên làn sóng X mét”. Lúc ấy ai cũng sung sướng, hạnh phúc đến trào nước mắt.

3. Từ buổi ban đầu vượt qua gian khó với bao lần thử nghiệm thất bại và thành công, dần dần đưa sóng phát thanh của Đài Phát thanh Giải phóng trở thành người đồng hành lịch sử cùng những chiến dịch trên chiến trường của các lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần làm thất bại bao chiến lược chiến tranh của đối phương… Sóng phát thanh của Đài thời đó còn là người đồng hành với các cuộc xuống đường vang dậy, sôi động tại khắp phố phường các thành thị miền Nam…

Không chỉ có vậy. Điều kỳ diệu còn là những cuộc chiến bảo vệ trên không, dưới đất không kém phần gian khổ, ác liệt tại chiến khu của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ tại căn cứ. Ông Phan Thanh Dũng, từng là cán bộ phòng bá âm của đài, là một trong số những dũng sĩ đã tổ chức chiến đấu tại căn cứ để chống càn, chống biệt kích, có vai trò nổi bật trong trận chống hành quân Junction City 1967.

Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 không những là thời điểm Đài Phát thanh Giải phóng thể hiện đầy đủ nhất, nổi bật nhất vai trò xung kích cổ động các chiến dịch chiến trường, mà còn cho thấy vai trò là “hàn thử biểu” trên sóng đài phát thanh, thể hiện thế mạnh chính trị, báo hiệu chiều hướng phát triển thắng lợi trên chiến trường của quân dân ta. Vậy là, có hơn 13 năm 7 tháng, kể từ khi Đài Phát thanh Giải phóng chính thức phát sóng buổi đầu tiên, tháng 2-1962, cho đến thời điểm được xem là hoàn thành sứ mạng lịch sử, ngày 31-8-1976, hoạt động của Đài mới chấm dứt

Đến nay đã gần 60 năm kể từ ngày Đài Phát thanh Giải phóng chính thức phát sóng. Đó là những năm tháng không thể nào quên về sự phối hợp, hợp đồng tác chiến linh hoạt, hiệu quả của những người làm nhiệm vụ này: Đài A ở phía Bắc và Đài B ở chiến khu miền Nam thời kháng chiến. Đó là những đóng góp hào hùng, trở thành truyền thống và niềm tự hào trong cuộc kháng chiến cứu nước.

Tháng 8-2018

Dương Cẩm Thúy

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/day-la-dai-phat-thanh-giai-phong-61008.html