Đây là cách Apple thử nghiệm iPhone đời đầu mà vẫn giữ bí mật sản phẩm

Quá trình phát triển của chiếc iPhone đầu tiên được giữ bí mật hoàn hảo bởi một nguyên mẫu đặc biệt, khác xa các nguyên mẫu ngày nay.

"Đây là ngày tôi đã trong chờ suốt 2 năm rưỡi", Steve Jobs, vị thuyền trưởng thiên tài của Apple phát biểu trong buổi giới thiệu iPhone đầu tiên vào ngày 9/1/2007. Apple đã bí mật phát triển iPhone trong 2,5 năm. Ngay cả những thành viên trong công ty cũng chỉ biết đó là sản phẩm có tên mã M68 hoặc Purple 2.

Hãng muốn gây bất ngờ cho mọi người với iPhone. Nhiều kỹ sư tham gia phát triển sản phẩm cũng không biết thiết bị chính thức trông như thế nào. Để giữ được sự bí mật như vậy, Apple đã tạo ra một bảng mạch đặc biệt, gắn tất cả bộ phận của chiếc iPhone bên trên.

The Verge đã có được thông tin và hình ảnh về quá trình phát triển iPhone trong gian đoạn 2006-2007 thông qua một người có biệt danh Red M Sixty trên Twitter.

To như bảng mạch PC

Bảng mẫu iPhone đời đầu trông như một bo mạch chủ máy tính.

Bảng mẫu iPhone đời đầu trông như một bo mạch chủ máy tính.

Nhìn sơ lược, bảng mạch nguyên mẫu iPhone M68 trông giống như một bo mạch chủ của các máy tính cá nhân cách đây khoảng 10 năm. Nó có kích thước tương đương nhưng các thành phần bố trí bên trong hơi khác.

Apple đã phát triển bảng mạch đặc biệt này dành cho các kỹ sư xây dựng phần mềm và thử nghiệm sóng radio của chiếc iPhone đời đầu. Họ sẽ không biết hình dáng hoàn chỉnh của iPhone và đôi khi các bo mạch còn không có màn hình.

Apple chỉ sử dụng bảng mạch in màu đỏ trong quá trình phát triển nguyên mẫu iPhone. Sau đó các bảng màu xanh lam, xanh lá cây và các màu khác được sử dụng trong giai đoạn đưa vào sản xuất.

Chi tiết các thành phần trên nguyên mẫu iPhone.

Mặc dù không có một chiếc quạt làm mát CPU hoặc một thanh RAM, nguyên mẫu này có chung một số thành phần tương tự với phần cứng PC cũ. Có một cổng kết nối ở phía trên dùng để kiểm tra các phụ kiện iPod vì iPhone nguyên bản cũng sử dụng cổng 30-pin, cổng LAN để kết nối mạng.

Hai cổng mini-USB nằm ở cạnh bên của bo mạch được sử dụng để truy cập bộ xử lý ứng dụng và radio (baseband) của iPhone. Các kỹ sư của Apple có thể sử dụng các cổng này để lập trình cho thiết bị mà không cần phải có màn hình.

Hầu hết kỹ sư làm việc với một bảng mạch như thế này sẽ chịu trách nhiệm chuyển nền tảng Darwin sang iPhone. Đây là một hệ điều hành dựa trên Unix có chứa các thành phần cốt lõi dành cho macOS, iOS, watchOS, tvOS và audioOS.

Bảng mạch mẫu iPhone này chủ yếu được dùng để thử nghiệm hệ điều hành, kiểm tra sóng radio.

Phần còn lại của bảng nguyên mẫu iPhone rất khác so với một PC thông thường. Ở phía trên, có một khe cắm thẻ SIM, ở gần đó là 2 ăng ten Wi-Fi và Bluetooth.

Chúng kết nối tín hiệu trở lại bảng radio I/O chính. Điều này tương tự cách vận hành của iPhone đời đầu. Bảng radio này bao gồm các chip của Intel, Infineon, CSR, Marvell và Skywork. Điều đó cho thấy có nhiều công ty hợp tác với Apple trong quá trình phát triển iPhone.

Ở bên phải của bảng radio, có một cổng RJ11, chuẩn kết nối được sử dụng trên điện thoại cố định. Apple đã sử dụng nó để các kỹ sư có thể cắm ống nghe điện thoại cố định vào nguyên mẫu iPhone này và kiểm tra các cuộc gọi thoại.

Ngày nay, người dùng có thể có thể nhận cuộc gọi trên cổ tay của mình với Apple Watch. Vào năm 2006 các kỹ sư của Apple cũng làm điều tương tự nhưng theo một cách hoàn toàn khác.

Vị trí của bộ xử lý ứng dụng trên nguyên mẫu iPhone.

Vị trí trung tâm bảng nguyên mẫu là "trái tim" của iPhone: bộ xử lý ứng dụng. Apple đã sử dụng bộ nhớ Samsung xếp chồng với bộ xử lý ARM 620 MHz (ARM1176JZF) để chạy hệ điều hành iPhone.

Đây là một phương pháp đóng gói mạch tích hợp có tên “gói trên gói” (package on package - PoP), trong đó CPU được đóng gói ở phía dưới và bộ nhớ ở trên. Apple kết hợp bộ xử lý này với thẻ Samsung NAND 4 GB (K9HBG08U1M) để lưu trữ hệ điều hành.

Module lưu trữ NAND màu xanh lá cây có thể tháo lắp dễ dàng, cho phép các nhà phát triển nhanh chóng kiểm tra phiên bản hệ điều hành khác nhau và thay đổi chúng bằng cách cắm thẻ nhớ vào.

Module này có thể tháo lắp để thay đổi hệ điều hành.

Một số bảng mạch còn có màn hình, nhưng nút Home được gắn riêng trên bảng, các nút nguồn và âm lượng nằm ở bên trái. Theo The Verge, khi khởi động linh kiện này, nó chỉ hiển thị logo Apple.

Các kỹ sư sử dụng bảng đặc biệt này để truy cập vào một cái gì đó tương tự như dấu nhắc lệnh nhằm để kiểm tra các thay đổi của nhân hệ điều hành. Nguồn tin giải thích rằng bảng mạch còn có thể kết nối với iTunes thông qua cổng 30-pin ở cạnh bên, nó sẽ được liệt kê như một chiếc iPhone đang chờ khôi phục.

Một nguyên mẫu iPhone có màn hình với nút Home đặt cạnh bên.

Với bản mạch không có màn hình, các kỹ sư của Apple có thể dùng cổng RCA để kết nối với màn hình bên ngoài. Tương tự với cổng kết nối tai nghe để kiểm tra âm thanh. Ngay cả camera chính của iPhone cũng được gắn lên bo mạch thử nghiệm, cùng với một phần trống lớn chừa chỗ cho viên pin.

Phía trên của bảng mạch này còn có thêm cổng nguồn điện DC để các kỹ sư sử dụng trong trường hợp không có pin. Cảm biến tiệm cận cũng có một vị trí riêng.

Kỹ sư trực tiếp phát triển cũng không biết iPhone trông ra sao

Ngay từ giai đoạn đầu phát triển iPhone, Apple đã nghĩ ra mọi thứ để các kỹ sư có thể làm việc trên một nguyên mẫu gần giống sản phẩm hoàn chỉnh nhất nhưng không làm lộ kiểu dáng.

Các bo mạch tương tự đã được sử dụng vào năm 2006 và trong nửa đầu năm 2007, trước 29/6 - thời điểm Apple bán iPhone ra thị trường.

Ngày nay, Apple sử dụng những vỏ bảo vệ hầm hố cho các nguyên mẫu iPhone. Ảnh: MacRumors.

Ngày nay, Apple không còn sử dụng các bo mạch lớn như vậy để phát triển iPhone. Công ty đã chuyển sang các bo mạch nhỏ hơn cho iPhone 4, với vỏ bảo vệ lớn, cồng kềnh tương tự những model gần đây.

Điều đó cho phép các nhà phát triển iPhone làm việc trên phần cứng hoàn chỉnh nhưng thiết kế vẫn được giữ kính. Một số nhà sản xuất điện thoại khác cũng sử dụng cách tương tự để bảo vệ bí mật sản phẩm.

Hình ảnh nguyên mẫu của chiếc iPhone đầu tiên gợi nhớ lại giai đoạn phát triển phức tạp và bí mật để tạo ra sản phẩm được hàng triệu người sử dụng hiện nay.

Thật hiếm khi thấy được một nguyên mẫu như vậy, đặc biệt là hơn 10 năm sau khi chiếc iPhone đầu tiên được tung ra thị trường.

Đây là những gì chúng ta nhận được khi xay nát iPhone Các nhà khoa học đã xay nhuyễn iPhone thành bột mịn, sau đó dùng máy quang phổ để phân tích thành phần.

Nguyễn Hiếu
Theo The Verge

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/xuat-hien-bang-mach-thu-nghiem-cua-iphone-doi-dau-post927349.html