Dạy hơn chục năm vẫn một bậc lương, giáo viên ở Cà Mau mệt mỏi chờ đợi

Nhiều giáo viên hợp đồng ở huyện Thới Bình, Cà Mau khiếu nại vì dạy nhiều năm mà chưa bao giờ được nâng bậc lương.

Trong thời gian chờ quyết định của UBND huyện, ngày 1/2/2008 thầy Lê Cà Lợi được phòng Giáo dục và đào tạo huyện Thới Bình “Phân công tạm tuyển hợp đồng viên chức”. Công việc được phân công là dạy hợp đồng tại trường tiểu học Trí Phải Tây (xã Trí Lực), với mức lương 85% hệ số 2.1 của bậc 1/10. Hơn năm rưỡi sau (tháng 9/2009), thầy Lợi được ký "Hợp đồng làm việc" vẫn với mức lương như vậy.

Về dạy cùng trường cùng năm với thầy Lê Cà Lợi là cô Đỗ Kim The. Còn thầy Diệp Văn Đỉnh cũng bắt đầu đóng góp cho ngành giáo dục huyện Thới Bình từ năm từ năm 2009; cô Lê Kiều Oanh dạy từ năm 2011; cô Nguyễn Thị Tú dạy từ năm 2012...

Cô Đỗ Kim The, bạn đọc đã gửi 2 triệu đồng hỗ trợ gia đình cô.

Cô Đỗ Kim The, bạn đọc đã gửi 2 triệu đồng hỗ trợ gia đình cô.

Đến nay, người ít nhất 7 năm, người nhiều nhất 11 năm gắn bó với nghề nhưng họ vẫn chỉ được hưởng lương bậc 1/10.

Chấp nhận thiệt thòi, nhưng vào tháng 10/2018, huyện Thới Bình cắt hợp đồng 120 giáo viên và 23 nhân viên. Do có sai sót nên số giáo viên cuối cùng bị cắt hợp đồng là 86 người.

“Huyện đã thấy được thiếu sót. Cần thời gian để “nhờ” các sở ngành tỉnh hướng dẫn giải quyết. Huyện sẽ giải quyết theo quy định để đảm bảo đúng quyền lợi cho giáo viên hợp đồng” - đại diện phát ngôn UBND huyện Thới Bình hứa như vậy.

Cô Nguyễn Thị Tú, một giáo viên nhiều năm giảng dạy tại Trường Tiểu học Tân Quý, từng bị cắt hợp đồng sai quy định cũng chưa biết chừng nào chế độ lương của cô mới được thực hiện đúng quy định.

Trong thời gian chờ đợi các ngành hướng dẫn giải quyết, nhiều giáo viên rơi vào hoàn cảnh khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là giáo viên ở các vùng quê nghèo vốn nhiều năm chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi.

“Đợi con được 3 tháng sẽ lại lên TP HCM buôn thúng, bán bưng để kiếm tiền nuôi con” - Cô Đỗ Kim The - giáo viên bị cắt hợp đồng sai quy định buồn bã.

Sau bài viết “Khắc phục quá chậm quyền lợi của giáo viên ở Cà Mau bị cắt hợp đồng” của VOV, có bạn đọc thấy được nỗi khổ của cô giáo The đã hỗ trợ cho gia đình cô 2 triệu đồng để giảm bớt khó khăn.

Còn nhiều hoàn cảnh tương tự cô giáo The ở huyện Thới Bình nói riêng, Cà Mau nói chung!

"Sẽ giải quyết" là bao giờ?

Sau khi nhận được văn bản xin hướng dẫn của UBND huyện Thới Bình, ngày 18/3/2019, Sở Nội vụ Cà Mau đã có công văn trả lời về việc nâng bậc lương thường xuyên cho giáo viên, nhân viên hợp đồng.

Theo đó, việc giải quyết quyền lợi cho giáo viên chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn từ ngày 1/1/2004 đến trước ngày 15/9/2013, chưa có quy định cụ thể về việc nâng lương đối với lao động hợp đồng trong đơn vị sự nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, chế độ tiền lương của người lao động nếu được thỏa thuận trong hợp đồng lao động sẽ xếp lương theo ngạch, bậc công chức, viên chức và nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng thì áp dụng chế độ nâng lương thường xuyên theo hướng dẫn tại thông tư số 03/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ.

Giai đoạn thứ hai từ ngày 15/9/2013 đến trước ngày 15/1/2019, người lao động được hợp đồng đúng quy định trong đơn vị sự nghiệp công lập mà thỏa thuận hợp đồng lao động xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định sẽ được nâng bậc lương thường xuyên theo Thông tư số 08/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Cùng nội dung và thời điểm nêu trên, Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội Cà Mau cũng có văn bản trả lời cho UBND huyện Thới Bình thực hiện.

“Sử dụng lao động dù áp dụng thang, bảng lương nào thì cũng phải nâng bậc lương thường xuyên cho người lao động.” - người được phân công phát ngôn của Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội Cà Mau khẳng định với phóng viên.

Tài liệu mà một số giáo viên, nhân viên hợp đồng tại huyện Thới Bình cung cấp cho phóng viên, đa số họ đều nhận lương ở bậc 1 của hệ số lương là 1,86 và 2,1. Đối chiếu vào Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước thì họ được xếp lương vào nhóm ngạch viên chức loại B và Ao. Loại Ao thì 3 năm; loại B thì 2 năm nâng một bậc lương nếu đủ điều kiện theo quy định .

Thời gian qua, huyện Thới Bình chưa thực hiện đúng theo quy định này ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên hợp đồng, dẫn đến khiếu nại.

Đến nay các ngành đã có hướng dẫn thực hiện, nhưng theo người phát ngôn UBND huyện Thới Bình “còn phải tiếp tục chờ”?

Đối với nhiều chục giáo viên hợp đồng đã bị cho thôi việc và những giáo viên chưa bị cắt hợp đồng nhưng nhiều năm qua cũng chỉ nhận lương ở bậc 1, lãnh đạo huyện Thới Bình có nhìn thấy được nỗi khổ của họ không? Và vì sao đã có hướng dẫn của hai ngành chức năng trong tỉnh mà quyền lợi của giáo viên hợp đồng vẫn chưa được giải quyết?/.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/day-hon-chuc-nam-van-mot-bac-luong-giao-vien-o-ca-mau-met-moi-cho-doi-924164.vov