Dạy học trò hướng tới cộng đồng

Ngoài việc cung cấp kiến thức, các trường học hiện nay còn giáo dục học sinh biết sống chia sẻ và quan tâm đến mọi người xung quanh.

Sáng 27-12, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TP.HCM) đã tổ chức khai mạc tuần lễ hoạt động cộng đồng tại trường cho toàn bộ học sinh (HS).

Trang trí ghế đá, vẽ tranh, thư pháp… và gây quỹ

Chương trình hoạt động cộng đồng tại trường bao gồm 15 nội dung như trang trí nón lá, giỏ lát, giỏ cối; viết thư pháp - vẽ chân dung; xâu vòng tay, vòng cổ, đồ kẹp tóc, làm sản phẩm vải nỉ tặng các cô chú ở viện dưỡng lão; làm đẹp cảnh quan trường học; trang trí thư viện nhà trường; xây dựng kế hoạch và tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ cộng đồng… HS được lựa chọn tham gia tùy thuộc vào năng khiếu và sở thích của mình.

Vì có năng khiếu vẽ nên Nguyễn Gia Ngân, HS lớp 7A10, lựa chọn tham gia hoạt động vẽ tranh. Gia Ngân đang cùng với bạn của mình hoàn thành bức tranh phong cảnh về làng quê yên bình gồm bầu trời, ngọn núi, ngôi làng nhỏ, cánh đồng lúa và dòng sông.

Học sinh thích thú khi được tham gia các hoạt động cộng đồng tại trường. Ảnh: NGÔ HÒA

Học sinh thích thú khi được tham gia các hoạt động cộng đồng tại trường. Ảnh: NGÔ HÒA

“Sống giữa TP xô bồ, tấp nập với xe cộ và khói bụi, em lại muốn được đến những vùng quê yên bình. Chính vì thế, chúng em đã vẽ bức tranh này như thay lời muốn nói” - Gia Ngân bày tỏ.

Gia Ngân cho biết thêm: Chủ nhật, thay vì ở nhà, em lại đến trường cùng bạn bè và các anh chị tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa.

“Qua hoạt động này, em đã làm quen được bạn mới và cũng thể hiện được tài năng của mình. Tuy nhiên, điều khiến em vui nhất là khi bức tranh hoàn thành sẽ được bán đấu giá, lấy tiền giúp đỡ những mảnh đời neo đơn, không nơi nương tựa” - Gia Ngân nói và tiếp tục trau chuốt vào những nét vẽ của mình.

Không chọn hoạt động vẽ tranh hay trang trí nón lá, Minh Quân, HS lớp 9, đang tỉ mỉ may một chú gà con màu vàng từ vải nỉ để tặng các cô chú ở viện dưỡng lão.

“Hồi tiểu học em đã từng cầm chỉ may khi học kỹ thuật nhưng công việc lần này lại mang ý nghĩa khác. Dù đường may mũi chỉ của em chưa được đẹp nhưng dù sao đó cũng là tâm huyết của em. Hy vọng sản phẩm khi đem bán sẽ được mọi người đón nhận” - Minh Quân chia sẻ thêm.

Theo Minh Quân, “những hoạt động này tạo cơ hội để chúng em gắn kết, hơn nữa giáo dục chúng em lòng yêu thương, sự quan tâm đến mọi người”.

Chăm chú nhìn HS trang trí những đồ vật, cô Nguyễn Phạm Thùy Trang, giáo viên của trường, bày tỏ: “HS đều rất thích thú và hào hứng khi tham gia các hoạt động của trường. Các em được lựa chọn hoạt động phù hợp theo sở thích của mình, từ đó thỏa sức sáng tạo và phát huy năng lực của mình. Các sản phẩm thu hoạch được từ hoạt động của trường sẽ tổ chức triển lãm bán gây quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo” - cô Thùy Trang nói thêm.

Hướng tới cộng đồng

Ông Phạm Thanh Yên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), cho hay ý tưởng thực hiện chương trình là từ thầy hiệu trưởng. Từ khi về trường nhận công tác, thầy đã xây dựng sáu giá trị cho HS trường chuyên. Mỗi năm nhà trường sẽ tập trung vào một giá trị. Năm nay, nhà trường xây dựng các hoạt động tập trung vào giá trị hướng đến cộng đồng.

Theo ông Yên, tuần lễ hoạt động cộng đồng được nhà trường tổ chức sau khi học trò đã thi học kỳ xong. Hoạt động này thu hút sự tham gia của HS bảy khối. Tùy theo điều kiện và sở thích của mình, các em có thể trải nghiệm hoạt động ở ngoài hoặc tại trường.

Học sinh trang trí, làm mới hàng ghế đá trong sân trường.

Tại trường, các em được tham gia rất nhiều hoạt động. Các em sẽ tự làm các sản phẩm như nón lá, tranh. Những sản phẩm này sẽ được các em đem đến trao tận tay cho các bé tại các mái ấm, trung tâm xã hội.

“Thay vì xin tiền từ cha mẹ để mua, các em sẽ có dịp làm các sản phẩm bằng chính năng lực và tình yêu của mình. Như vậy, món quà khi được trao tặng sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều. Từ đó, các em sẽ hiểu được giá trị của sức lao động và sự chia sẻ” - ông Yên nhấn mạnh.

Ông Yên cho biết sẽ có ba nhóm tham gia hoạt động cộng đồng tại các tỉnh Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang. Các em sẽ đến tận các cơ sở để hiểu và hỗ trợ những thứ họ cần.

Cụ thể, ngày 28 và 29-12, các em HS khối 6, 7 sẽ đi đến trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thính ở Tiền Giang. Tại đây, các em sẽ được giao lưu với các bé, giáo viên. Đó là cơ hội để các em hiểu được kỹ năng nói chuyện với những người khiếm thính. Qua hoạt động trên, các em sẽ biết bản thân mình là người may mắn và sẽ biết trân trọng cuộc sống hơn.

Mỗi hoạt động các em tham gia đều được nhà trường ghi nhận. Sau khi các em ra trường sẽ được nhà trường cấp một giấy chứng nhận các em đã tham gia hoạt động cộng đồng.•

Những chuyến đi từ trái tim đến trái tim

Để giáo dục HS có tấm lòng nhân ái và biết quan tâm đến mọi người, thời gian qua Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An đã phát động phong trào Mỗi bạn mỗi ngày thực hiện một hành động nhân ái.

Tùy theo điều kiện cũng như khả năng của mình, có nhóm chọn đi phát cơm từ thiện, có nhóm lại thực hiện chuyến đi đến các mái ấm tình thương để phát quà.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, cho biết trung tâm sẽ là nơi đào tạo ra những HS bình thường, tử tế. Ngoài cung cấp kiến thức, trung tâm sẽ rèn luyện các em về nhân cách với mong muốn các em sống đàng hoàng, biết chia sẻ với mọi người. Xã hội hiện nay thiếu vắng sự chia sẻ, quan tâm, lòng nhân ái. Do đó, nhà trường phải là môi trường nuôi dưỡng, giáo dục các em hướng thiện.

Cứ thực hiện năm hành vi nhân ái, các em sẽ được cộng 10 điểm vào bài kiểm tra môn giáo dục công dân. 10 hành vi nhân ái, các em sẽ không phải làm bài thi môn này. Và các em sẽ được tặng một giấy khen chứng nhận HS có hành vi nhân ái.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/day-hoc-tro-huong-toi-cong-dong-958248.html