Dạy học qua lễ hội truyền thống

Giỗ Tổ Hùng Vương từ lâu trở thành ngày lễ trọng đại của dân tộc, in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”, nên dù ở phương trời nào, người Việt đều nhớ và hướng về Đền Hùng - biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc. Trên khắp mọi miền đất nước, đặc biệt ở những nơi có đền thờ Quốc tổ, vào ngày Mười tháng Ba âm lịch, Lễ Giỗ Tổ được tổ chức trang trọng, nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.

Ở các cơ sở giáo dục, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức đậm nét ở những ngôi trường mang tên Quốc tổ, sau này mở rộng thêm nhiều trường học khác, với hoạt động ý nghĩa và đầy lòng thành kính. Không chỉ thực hiện các nghi thức như đánh trống khai hội, dâng hương, mâm quả, phát biểu ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, thầy trò các trường còn tổ chức hoạt cảnh văn nghệ, võ thuật, mời nghệ sĩ biểu diễn…

Ngoài phần lễ trang nghiêm, các trường còn đẩy mạnh phần hội, tổ chức thi trưng bày mâm quả, mở gian hàng ẩm thực truyền thống, thi trò chơi dân gian… Tại TPHCM, Hội trại truyền thống Tự hào nòi giống Tiên Rồng dịp này còn mở rộng phạm vi liên trường, dành cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, với nhiều hoạt động hấp dẫn như trưng bày chuyên đề Văn hóa Đông Sơn, giới thiệu hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn liền với giai đoạn lịch sử dựng nước…

Bám sát sự kiện văn hóa - lịch sử của dân tộc để tổ chức chương trình, sự kiện mang tính giáo dục như các trường đã và đang thực hiện vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, là một cách làm khá sáng tạo. Qua sự kiện này, nhà trường giáo dục học sinh nhớ về nguồn cội, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc một cách sinh động.

Thầy Nguyễn Tiến Vinh, Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM nhấn mạnh: Mỗi năm đến ngày giỗ Tổ là một lần chúng ta ôn lại lịch sử hình thành của dân tộc mình, để ngọn lửa nhiệt huyết trong mỗi chúng ta mãi cháy sáng niềm tin yêu, hi vọng; để tiếp nối tổ tiên, xây dựng và bảo vệ trường tồn giang sơn, gấm vóc Việt Nam.

Không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống, các hoạt động gắn liền với Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương còn là cơ hội đặc biệt để mỗi nhà trường đẩy mạnh việc đổi mới dạy học thông qua hoạt động trải nghiệm. Khi tham gia soạn mâm quả dâng lễ hay biểu diễn hoạt cảnh văn nghệ, thi tìm hiểu về truyền thống dựng nước, giữ nước, học sinh được rèn luyện thêm kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, có cơ hội phát huy sở trường, năng khiếu.

Đội ngũ giáo viên cũng theo sát sự kiện để tổ chức các hoạt động dạy học tích hợp, liên môn… tiết kiệm, hiệu quả. Vừa tăng cường giáo dục truyền thống, lịch sử vừa rộng cửa cho dạy học sáng tạo, hoạt động Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trong trường học rất nên được nhân rộng, nhất là trong bối cảnh Chương trình GDPT mới nhấn mạnh đến giáo dục trải nghiệm.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/day-hoc-qua-le-hoi-truyen-thong-EaGO9uXGg.html