Dạy học nhạc cụ, giá trị cốt lõi trong giáo dục âm nhạc

Ngày 21/3, tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TƯ đã diễn ra hội thảo 'Tiếp cận kinh nghiệm quốc tế trong việc dạy học nhạc cụ'. Sự kiện nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Vụ Giáo dục Tiểu học – Bộ GD&ĐT với Công ty Yamaha Việt Nam.

bà Trịnh Hoài Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT)

Đây là cơ hội giúp giảng viên, sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TƯ có cơ hội tiếp cận kinh nghiệm quốc tế trong nghiên cứu, dạy học nhạc cụ ở nhà trường phổ thông của một số quốc gia trong khu vực, đáp ứng nhu cầu của môn âm nhạc trong Chương trình GDPT mới của nước ta hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, bà Trịnh Hoài Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục âm nhạc đã có những điểm mới, cụ thể với 3 nội dung như sau:

Thứ nhất, môn học âm nhạc đã được dạy trong tất cả các cấp học phổ thông. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản cấp Tiểu học và cấp Trung học cơ sở, môn học âm nhạc là môn học bắt buộc với 35 tiết/35 tuần/1 năm học. Ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp bậc Trung học phổ thông, âm nhạc là môn học tự chọn với 70 tiết/35 tuần/ 1 năm học.

Thứ hai, Nhạc cụ là một bổ sung mới, được dậy học trong môn học âm nhạc. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên nhạc cụ được dậy học với một nội dung chính thức tại nước ta.

Thứ ba, Phương pháp dậy học âm nhạc ở trường phổ thông theo xu hướng giáo dục hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập và phát triển tiềm năng hoạt động âm nhạc của học sinh.

Chia sẻ tại hội thảo GS.TS Masafumi Ogawa đến từ Trường Đại học Tổng hợp Yokohama, Nhật Bản Hơn cho biết: “Hơn 100 năm qua, nhạc cụ đã được giới thiệu vào chương trình giảng dạy âm nhạc và thực hành rộng rãi trong và ngoài chương trình giảng dạy trường học trên nhiều quốc gia trên thế giới.

Việc học nhạc cụ rất cần thiết trong chương trình giảng dạy âm nhạc học đường từ cả hai khía cạnh giáo dục và âm nhạc vì những lợi ích thực tế đem lại.”

GS.TS Masafumi Ogawa nhấn mạnh: Thông qua quá trình học và chơi các nhạc cụ khác nhau, trẻ sẽ có thêm được những kiến thức về âm nhạc nói chung và nền văn hóa nơi bắt nguồn của nhạc cụ đó nói riêng. Sự phong phú và đa dạng trong âm nhạc về Tôn giáo, Lãnh thổ, cũng như Phương thức thể hiện mang đến những trải nghiệm thú vị, sâu sắc hơn, từ đó tạo sự hào hứng trong học tập cho trẻ.

Ngoài ra, học nhạc cụ cũng giúp trẻ phát triển khả năng ca hát thông qua sự phối hợp. Dễ dàng thực hiện các bản hòa tấu hơn các hoạt động hợp xướng, dựa trên trình độ biểu diễn. Việc hòa tấu giúp rèn luyện tính hợp tác, phối hợp, tôn trọng lẫn nhau và nâng cao bản sắc tập thể cho trẻ.

Cũng trong chương trình, đại diện Công ty Âm nhạc Yamaha đã tặng nhiều dụng cụ âm nhạc cho trường ĐHSP Nghệ thuật TƯ.

Hội thảo có ý nghĩa thiết thực, góp phần bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, sinh viên của cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên âm nhạc cho nhà trường phổ thông. Thể hiện sự chủ động, tích cực chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về đội ngũ giáo viên cốt cán cho chương trình bồi dưỡng tập huấn giáo viên âm nhạc phổ thông của nhà trường trong thời gian tới, trên tinh thần thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT.

Minh Trí

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/day-hoc-nhac-cu-gia-tri-cot-loi-trong-giao-duc-am-nhac-3989455-c.html