Dạy học Ngữ văn: Mạnh dạn chuyển từ Giảng văn sang Đọc hiểu văn bản

GD&TĐ - Cần mạnh dạn chuyển phương pháp dạy Giảng văn sang hướng dạy Đọc hiểu văn bản - đây là nhiệm vụ trọng tâm của môn học Ngữ văn từ năm học 2016-2017 của Gia Lai, cũng là phương pháp then chốt trong việc nâng cao chất lượng đại trà.

Đó là ý kiến của ông Huỳnh Minh Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai – khi trao đổi về giải pháp nâng cao chất lượng dạy, học bộ môn Ngữ văn, đồng thời đáp ứng những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

- Ông có thể chia sẻ những lưu ý về công tác quản lý chuyên môn đối với các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên về dạy học Ngữ văn sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2017?

Ông Huỳnh Minh Thuận

Sở GD&ĐT Gia Lai đã yêu cầu các nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn rà soát lại chương trình, bổ sung kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém; ôn tập phù hợp với đối tượng học sinh và phương án thi THPT quốc gia năm 2017.

Chỉ đạo giáo viên đổi mới soạn giảng, phương pháp dạy học, tổ chức hoạt động dạy học phù hợp với từng phân môn Tiếng Việt, Đọc văn và Làm văn; đổi mới kiểm tra, đánh giá, chú ý bám sát đề thi THPT quốc gia minh họa.

Đồng thời, tổ chức phụ đạo học sinh yếu, kém, ôn tập thi THPT quốc gia nghiêm túc, hiệu quả (phân loại đối tượng để tổ chức ôn tập sát với năng lực học sinh).

Trong công tác quản lý chuyên môn, Sở GD&ĐT cũng lưu ý các đơn vị tổ chức thi học sinh giỏi cấp trường hàng năm từ khối lớp 10 đến khối lớp 12, làm cơ sở cho tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi dự thi học sinh giỏi các cấp. Khuyến khích phát triển các câu lạc bộ Văn học (sáng tác thơ văn, thẩm bình về tác giả, tác phẩm, tổ chức hoạt động ngoại khóa...).

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức thao giảng, dự giờ, rút kinh nghiệm tiết dạy,tích cực tham gia sinh hoạt cụm trường, tăng cường sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học.

Chỉ đạo giáo viên thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, sáng kiến kinh nghiệm, tập trung vào những lĩnh vực đổi mới hoạt động dạy học, những vấn đề khó trong công tác dạy và học bộ môn Ngữ văn.

Sở GD&ĐT cũng giao chỉ tiêu chất lượng bộ môn cao hơn năm học trước (năm học 2015- 2016, điểm trên trung bình đạt 82,9 %) và tỷ lệ điểm trên trung bình trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tăng 12,1% so với kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 cho các đơn vị(năm 2016 đạt điểm trên trung bình 52,9%); các đơn vị giao chỉ tiêu cho tổ, cho từng giáo viên, từng lớp cụ thể.

- Nhiều địa phương đã tích cực triển khai xây dựng ngân hàng đề thi THPT quốc gia, trong đó có môn Ngữ văn phục vụ công tác dạy học, ôn tập. Với Gia Lai, công việc này được tiến hành như thế nào?

Sở GD&ĐT Gia Lai đã yêu cầu các cụm trưởng xây dựng bổ sung kế hoạch sinh hoạt chuyên môn cụm, đề cử nhóm trưởng môn Ngữ Văn. Nhóm trưởng môn Ngữ Văn cụm trường có nhiệm vụ chủ trì biên soạn tài liệu ôn tập thi THPT quốc gia; xây dựng ngân hàng đề thi THPT quốc gia; hỗ trợ đội ngũ giáo viên Ngữ văn giữa các trường. Yêu cầu:

Tài liệu ôn tập thi THPT quốc gia được yêu cầu phải đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng kết hợp với phát triển năng lực cho học sinh, phù hợp với đối tượng học sinh của lớp, trường đảm bảo cho học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng dự thi.

Ngân hàng đề phải bao hàm toàn bộ kiến thức trong các chuyên đề, chủ đề và các đơn vị kiến thức lớp 12; tăng cường đề mở, đảm bảo các câu hỏi ở các mức độ cơ bản phục vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hóa phục vụ xét tuyển đại học, cao đẳng.

- Với các giáo viên trực tiếp giảng dạy Ngữ văn, theo ông cần có những thay đổi như thế nào trong dạy học để nâng cao chất lượng bộ môn, đồng thời chuẩn bị tốt nhất tâm thế cho học sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm tới.

Với các giáo viên, cần tiếp tục đổi mới soạn giảng đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh; cần xác định các hoạt động tổ chức lớp học, năng lực cần hình thành cho học sinh như giao tiếp, tạo lập văn bản, hợp tác..., xác định mức độ nhận thức, câu hỏi kiểm tra đánh giá phù hợp với từng đơn vị kiến thức, với từng đối tượng học sinh, với từng trường.

Bên cạnh đó, các thầy cô cũng phải tích cực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đặc trưng bộ môn Ngữ văn, phù hợp với từng phân môn Tiếng Việt, Đọc văn, Làm văn; phù hợp với nội dung từng khối lớp và đối tượng học sinh.

Cần mạnh dạn chuyển phương pháp dạy Giảng văn sang hướng dạy Đọc-hiểu văn bản. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của môn học Ngữ văn từ năm học 2016-2017, cần xem phương pháp này là then chốt trong việc nâng cao chất lượng đại trà.

Việc áp dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, đa dạng hình thức tổ chức hoạt động dạy học rất quan trọng nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tăng cường khai thác và sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Một nội dung quan trọng khác cần quan tâm là tích cực đổi mới kiểm tra, đánh giá, đổi mới cách ra đề thi và kiểm tra, bám sát đề minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Duy trì việc ra đề mở, đưa những vấn đề của thực tiễn đời sống vào bài kiểm tra, bám sát ma trận đề đảm bảo 4 mức độ. Tăng cường kiểm tra năng lực trình bày vấn đề, năng lực nói, viết đúng và hay.

Chú trọng việc dạy bồi dưỡng, phụ đạo, ôn tập; phân loại đối tượng học sinh để có phương pháp dạy học phù hợp theo năng lực của học sinh. Coi trọng việc giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học tập ở nhà; giới thiệu một số trang web cho học sinh tự học…

Cuối cùng, giáo viên phải tạo môi trường học tập thân thiện, động viên, khích lệ kịp thời đối với những học sinh có tiến bộ; chú trọng và tăng cường kiến thức về tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Giáo viên dạy Ngữ văn phải nâng cao ý thức trách nhiệm, có năng lực, tâm huyết với nghề, phải thực sự trở thành người “truyền lửa” cho học sinh.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/day-hoc-ngu-van-manh-dan-chuyen-tu-giang-van-sang-doc-hieu-van-ban-2499342-v.html