Dạy học liên kết đối tượng, bám sát năng lực tiếp nhận của học sinh

Các trường học, dựa trên khảo sát chất lượng cũng như theo dõi quá trình học tập của học sinh để triển khai mô hình dạy học theo hình thức 'liên kết đối tượng'

Với mô hình dạy học liên kết đối tượng, Trường Tiểu học Điện Biên Phủ đã bồi dưỡng được học sinh mũi nhọn. Ảnh: TG

Với mô hình dạy học liên kết đối tượng, Trường Tiểu học Điện Biên Phủ đã bồi dưỡng được học sinh mũi nhọn. Ảnh: TG

Mô hình dạy học này theo hướng phân hóa để hình thành những nhóm ngoại khóa, câu lạc bộ (CLB)…

Phòng học đặc biệt

Gần hai tháng sau ngày khai giảng năm học mới, giáo viên khối Một của Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) rà soát lại danh sách những học sinh có khó khăn về học.

Toàn khối 1 của trường có 23 học sinh đọc chậm, không nhớ các âm vần, chữ cái, số, khả năng tính toán chậm… Sẽ có 2 buổi chiều trong tuần, những học sinh này không học chung với các bạn cùng lớp mà di chuyển về phòng học riêng.

Phòng học của “CLB đặc biệt” được trang bị nhiều tranh, ảnh để hỗ trợ học sinh nhớ được âm, vần. Ngữ liệu điện tử cũng được GV khai thác, sử dụng hợp lý để hỗ trợ các em học tập. Với sự kèm cặp của GV là tổ trưởng tổ chuyên môn tại phòng học đặc biệt, cùng với sự hướng dẫn thêm của GV chủ nhiệm lớp, kết thúc học kỳ I, chỉ còn 16 em khó khăn về học.

Cô Trần Thị Kim Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự chia sẻ: Những năm trước, HS khối Một nếu gặp khó khăn về học sẽ có 3 buổi học tại phòng học đặc biệt. Các em được củng cố lại kiến thức căn bản theo yêu cầu của chuẩn tối thiểu. Tuy nhiên, do thực hiện Chương trình – sách giáo khoa mới, HS cần tham gia các hoạt động chung cùng với lớp học nên những giờ học tăng cường, các em sẽ học theo hướng phân hóa tại phòng học đặc biệt.

Phòng học đặc biệt ở Trường Tiểu học Ngô Gia Tự chủ yếu dành cho HS khối lớp Một và Hai. “Những lớp trên, GV chủ nhiệm nhận hỗ trợ HS gặp khó khăn sau giờ học, mỗi tuần từ 2 - 3 buổi, mỗi buổi khoảng 1 tiếng đồng hồ để các em nắm vững bài học. Đây cũng là cách mà Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) áp dụng với những HS học chậm, không đuổi kịp với các bạn trong các tiết học”, cô Kim Bình cho hay.

Giáo viên Trường TH Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) phụ đạo cho HS sau mỗi buổi học chính khóa. Ảnh: Ánh Ngọc

Cơ sở để hình thành các CLB

Dạy học phân hóa theo hướng liên kết đối tượng được các nhiều trường học ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng triển khai từ 3 năm trở lại đây để đón đầu Chương trình – sách giáo khoa mới.

Đầu tháng 10 hàng năm, Trường Tiểu học Điện Biên Phủ tổ chức khảo sát chất lượng môn Toán, Tiếng Việt để phân loại HS. Giáo viên chủ nhiệm dựa vào đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập và chất lượng bài khảo sát để phân loại HS thành 2 mức: Tiếp thu bài tốt và tiếp thu bài ở mức trung bình, chậm. Từ đó, tổ chuyên môn họp, thống nhất liên kết giữa các lớp trong tổ sao cho hài hòa giữa số lượng HS các lớp. Đồng thời, thống nhất kế hoạch, nội dung dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS, chú trọng nâng cao chất lượng mũi nhọn để các em tham gia giao lưu HS tiểu học cấp thành phố, cấp quận và các cuộc thi như Trạng Nguyên Tiếng Việt, giải Toán quốc tế Kangaroo...

Để thực hiện mô hình “liên kết đối tượng”, các tổ chuyên môn của Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ dựa trên kết quả phân loại HS đầu năm học xây dựng kế hoạch dạy học “theo năng lực chung”, liên kết những học sinh có cùng năng lực vào một lớp, mỗi tuần học 1 buổi. Việc dạy học theo “năng lực riêng”, nhà trường tập hợp HS có cùng năng lực về một số môn học và nhu cầu của các em cũng như gia đình, nhà trường thành lập CLB Toán học, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tin học, Cờ vua, Mỹ thuật, Robotics...

Dạy học phân hóa thường được các triển khai theo hai hướng: Phân hóa nội tại (phân hóa trong) tức là dùng một biện pháp phân hóa thích hợp trong một lớp học thống nhất với kế hoạch học tập, Chương trình và SGK. Phân hóa về tổ chức (phân hóa ngoài), tức là hình thành những nhóm ngoại khóa, CLB, giáo trình tự chọn…

Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu cho biết: Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường học hướng dẫn tổ chuyên môn và mỗi giáo viên đứng lớp phải xây dựng kế hoạch phụ đạo HS khó khăn về học từ đầu năm học; lập hồ sơ theo dõi sự tiến bộ của HS; sử dụng các tiết tăng cường ở trường học 2 buổi/ngày để bố trí các tiết học phụ đạo. Trong thiết kế bài giảng, GV phải xây dựng câu hỏi, bài tập dành riêng cho từng nhóm HS để thực hiện việc dạy học phân hóa. GV quan tâm, tác động đến từng học sinh được xem là tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại tiết dạy. Ngoài ra, yêu cầu dạy học phân hóa còn được chỉ đạo trong việc kiểm tra, đánh giá HS, đề ra phải đáp ứng ma trận đề với hệ thống các câu hỏi bảo đảm tính phân hóa.

Với HS đọc còn chậm, đang phải đánh vần, GV sẽ ưu tiên cho các em đọc trước lớp những âm vần, từ ngắn để HS tăng thêm sự tự tin, có động cơ học tập. Những HS này sẽ được GV kèm thêm vào các giờ tự học, giờ ra chơi… để các em có thể đọc lưu loát, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của môn học khi kết thúc học kỳ. - Cô Nguyễn Thị Hồng Yến (GV lớp Một, Trường TH Núi Thành, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/day-hoc-lien-ket-doi-tuong-bam-sat-nang-luc-tiep-nhan-cua-hoc-sinh-UnCNKHEGg.html