Dạy con gái nơi gian nhà bếp

Trước đây, các bạn gái ngoài giờ đến trường để học kiến thức từ thầy cô giáo thì gian bếp và 'cô giáo mẹ' chính là nơi giúp các bạn trở thành người phụ nữ với đầy đủ 'công dung ngôn hạnh'. Lớp học đặc biệt ấy ngày nay hầu như đã bị lãng quên.

Tôi sinh ra và lớn lên nơi làng quê, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Trong gia đình, những người phụ nữ thường đảm trách công việc nội trợ, chăn nuôi một ít gia súc và giúp chồng con lo việc đồng áng.

Đó là cái thời mà người phụ nữ thường ít được gia đình cho ăn học đến nơi đến chốn. Tuy nhiên việc nuôi dạy con, nhất là con gái, gia đình rất chú trọng. Vì tất bật với công việc đồng áng nên việc “công, dung, ngôn, hạnh” của con gái thường được người mẹ chỉ dạy, hướng dẫn tại gian nhà bếp.

Gian nhà bếp, nơi biết bao thế hệ phụ nữ Việt Nam từ đó trở thành những người phụ nữ đảm đang vẹn toàn

Nhiều cụ bà giàu kinh nghiệm nuôi dạy con cho rằng, người mẹ khéo léo chọn “lớp” dạy con nơi gian nhà bếp là hữu hiệu nhất. Vì vừa dạy con nấu ăn, làm bánh mứt… lại thực hành tại chỗ nên rất dễ nhớ. Mặt khác, đây là dịp để trao đổi, tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của con mình để định hướng cho chúng.

Những dịp gần gũi này tạo sự gắn bó tình mẫu tử thiêng liêng rất tốt. Những lời ăn tiếng nói, đi đứng, những hành vi lễ phép với mọi người, hay cách ăn mặc sao cho phù hợp với dáng người… cũng được người mẹ tranh thủ thời gian làm bếp chỉ dạy cho con gái.

Đồng thời, uốn nắn cho con mỗi ngày, để sau này con khôn lớn, lập gia đình có vốn kiến thức nhất định, nhằm vận dụng vun đắp cho mái ấm của mình. Người mẹ cần mẫn, vui vẻ dạy, người con thích thú, say sưa học tập, khám phá, ắt hẳn sẽ dễ nhập tâm và rất dễ ghi nhớ. Lại không miễn cưỡng nên hằng ngày công việc diễn ra một cách thú vị trong không khí ấm áp. Từ đó hình thành dần một tâm hồn, một tính cách người phụ nữ tương lai hoàn thiện, đáng quí.

Vừa chớm tuổi thiếu niên là đã được mẹ chỉ dạy cách thêu thùa

Gia đình tôi có đến ba người chị gái. Ngày xưa khi rảnh rỗi sau buổi đi học về, mấy chị tôi rất thích thú xuống bếp cùng nấu nướng với mẹ tôi. Thời gian ngồi phụ canh lửa nồi khổ qua hầm hay nồi thịt kho Tàu, là mang theo cả bàn căn, mảnh vải, kim, chỉ màu xuống bếp để được mẹ tôi chỉ dạy cách thêu thùa. Những kinh nghiệm trong cuộc sống, những mẩu chuyện hay, chuyện cổ tích, những điều kiêng cữ theo tập tục… mấy chị tôi cũng đều được mẹ tôi “lên lớp” nơi gian nhà bếp ám khói.

Hồi ấy, tôi là đứa trẻ trai hiếu động, dù vậy đến ngày Tết, hay nhà có giỗ chạp, tiệc tùng là tôi rất thích xuống bếp để xem nấu nướng. Để được mẹ hay chị tôi sai vặt. Cái không khí nhộn nhịp, đầm ấm ấy đến trên những bốn năm mươi năm rồi mà tôi hãy còn nhớ rõ như in. Từ cách mẹ tôi dạy mấy chị tôi làm nước mắm tỏi ớt, đến xắt dưa leo, gọt củ gừng, hay sắp rau sống vào dĩa… Đến cách bưng bê thức ăn có nước nóng lên bàn khách, ý tứ như thế nào cũng đi vào tâm thức của tôi từ ấy.

Bây giờ những lớp học nơi gian nhà bếp hầu như đã bị lãng quên

Bây giờ dù kinh tế của mỗi gia đình so với ngày xưa đã khá lên nhiều. Nào bếp ga, bếp điện, lò nướng viba… dù vậy, thiết nghĩ nơi gian nhà bếp việc hướng dẫn, dạy con gái trong nhà công việc nội trợ “đính kèm” theo những công việc không tên khác hãy còn nguyên giá trị.

Nó là lớp học phụ đạo đầu tiên trong cuộc sống, mà cô giáo là mẹ còn học trò là những đứa con. Dạy bằng niềm đam mê, bằng sự dâng hiến của thiên chức làm mẹ, học bằng sự tự nguyện, hiếu đễ thì còn gì hấp dẫn, tuyệt diệu cho bằng. Thử hỏi có người mẹ, người con nào mà không thích cái không khí thân thương, rất đáng yêu trong tình mẫu tử bao la ấy không chứ?

Xin gợi lên để bạn đọc nghiệm lại có phải như vậy?

PHÙNG THUYÊN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/day-con-gai-noi-gian-nha-bep-13024.html