Dạy con bằng đòn roi sắp bị cấm ở Trung Quốc

Xứ tỷ dân sẽ sớm tham gia cùng hàng chục quốc gia khác trong việc xử phạt các bậc phụ huynh sử dụng bạo lực với con cái.

Zing trích dịch bài đăng từ SCMP, đề cập đến những tranh cãi xung quanh dự luật mới của Trung Quốc trong việc bảo vệ trẻ em khỏi đòn roi.

Mặc dù sử dụng bạo lực lên cơ thể vốn bị cấm ở xứ tỷ dân từ năm 1986, “phương pháp dạy dỗ” này vẫn phổ biến, đặc biệt ở vùng nông thôn.

Dự luật giáo dục gia đình mới đây nghiêm cấm sử dụng bạo lực để “giáo dục” trẻ em và đang chờ Ủy ban Thường vụ - cơ quan lập pháp hàng đầu ở Trung Quốc - thông qua.

 Nhiều phụ huynh tin rằng nếu không thắt chặt kỷ luật bằng bạo lực, con cái sẽ lớn lên hư hỏng. Ảnh: Pixnio.

Nhiều phụ huynh tin rằng nếu không thắt chặt kỷ luật bằng bạo lực, con cái sẽ lớn lên hư hỏng. Ảnh: Pixnio.

Cho đến nay, “thương cho roi cho vọt” vẫn là câu thần chú của nhiều ông bố bà mẹ. Hầu hết gia đình khẳng định họ chỉ đánh con cái để dạy chúng cách cư xử đúng mực.

Họ tin rằng nếu không thắt chặt kỷ luật bằng bạo lực đối với đứa trẻ ngỗ ngược, trái lời mẹ cha, chúng sẽ trở thành một người hư hỏng trong tương lai. Tuy nhiên, không ít phụ huynh lấy đó làm cớ để bạo hành chính con cái mình.

Tháng 1/2020, một số người báo cảnh sát về việc một cậu bé 5 tuổi ở thành phố Nam Ninh bị cha ruột ngược đãi, bạo hành nghiêm trọng. Cơ thể nạn nhân đầy những vết sẹo sâu do người cha gây ra, theo Nanning TV.

Trước mặt cảnh sát và các thành viên của Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc, cha của cậu bé thừa nhận hành vi sai trái của mình và cam kết sẽ không tái diễn.

Một khi dự luật được thông qua, Trung Quốc sẽ gia nhập gần 60 khu vực pháp lý khác trên thế giới coi việc đánh đập trẻ em là bất hợp pháp.

Ý kiến trái chiều

Chia sẻ với SCMP, Jiang Jiehua - Phó giáo sư luật từ Đại học Thượng Hải - cho biết mọi người nên hiểu rằng luật mới sẽ không dung thứ cho bất kỳ hình thức bạo lực nào đối với trẻ em, bao gồm quát mắng, quỳ phạt hoặc nhốt trong không gian kín để suy ngẫm về hành vi của mình.

“Những đứa trẻ hoặc hàng xóm đều có thể tố giác hành vi sai trái của người lớn. Nếu vi phạm, các ông bố bà mẹ có thể đi tù hoặc mất quyền giám hộ tương tự phụ huynh phương Tây”, ông nói.

Nhiều người không đồng tình với dự luật cấm dùng đòn roi để dạy con. Ảnh: Shutterstock.

Dự luật mới nhanh chóng trở thành chủ đề tranh luận gay gắt trên mạng xã hội Trung Quốc, thu hút 470 triệu lượt đọc và 30.000 bình luận từ các bài đăng liên quan. Không ít người kịch liệt phản đối quy định mới từ chính phủ.

“Chiều chuộng trẻ con đồng nghĩa với việc giết chết chúng. Đối với những đứa nghịch ngợm, bạn sẽ chẳng thể giáo dục chúng nếu không dùng đến đòn roi”, trích bình luận trên Weibo.

Một người khác cho biết: “Hồi còn nhỏ, mẹ tôi luôn cố gắng giải thích vì sao hành vi nghịch ngợm của tôi không được chấp nhận, nhưng tôi nào có nghe. Mãi cho đến khi mẹ đánh tôi, tôi mới cư xử tử tế”.

Một số khác khẳng định sử dụng bạo lực để dạy dỗ con cái là quan điểm đã quá lỗi thời.

“Những người thiếu kiên nhẫn hoặc không có thế giới quan đúng đắn thì chẳng xứng đáng làm cha mẹ”, một tài khoản Weibo bình luận.

Zhang Ruiqiu - một người mẹ Thượng Hải có con trai 7 tuổi - cho biết cô hiểu rằng quát mắng hoặc đánh con là hành vi sai trái.

Thế nhưng, cô không thể kiềm chế được cơn giận khi chứng kiến con trai cắm mặt vào chơi điện tử thay vì làm bài tập hay đọc sách.

“Giống như các bậc phụ huynh Trung Quốc khác, tôi cũng bận bịu kiếm tiền. Tôi không có nhiều thời gian và năng lượng để uốn nắn đứa con nghịch ngợm của mình nếu không sử dụng đến ‘bạo lực’. Tôi quá mệt mỏi. Có thể nói, dự luật mới đưa ra một hướng đi tốt, nhưng tôi nghi ngờ liệu nó có được thi hành triệt để hay không”, Zhang nói.

Nuôi dạy một đứa trẻ cần nhiều kiên nhẫn, thay vì đòn roi. Ảnh: NPR.

Mất nhiều thời gian để thay đổi xã hội

Bên cạnh đó, dự luật mới cũng quy định rằng cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp không được phân biệt đối xử đối với trẻ em, vị thành niên dựa trên giới tính hay tình trạng thể chất của họ.

Đồng thời, cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp không được xúi giục, dạy dỗ, cho phép hoặc sử dụng trẻ em, vị thành niên làm bất cứ điều gì bất hợp pháp, theo Xinhua.

Tuy nhiên, Xinhua chưa tiết lộ hình phạt dành cho những người vi phạm pháp luật.

Phó giáo sư Jiang cho biết mặc dù Trung Quốc đã có luật bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi bạo lực, các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác định và truy tố người phạm tội bởi nhiều phụ huynh khẳng định họ đang kỷ luật con cái để giáo dục chúng.

“Sử dụng bạo lực để giáo dục con cái vốn là truyền thống lâu đời ở xứ tỷ dân. Ví dụ, trong xã hội phong kiến, người con trai cần sự đồng ý của cha ruột về mọi quyết định. Đến nay, nhiều người vẫn theo truyền thống đó. Vì vậy, dự luật mới sẽ đem lại thay đổi đáng kể cho văn hóa nuôi dạy con cái ở Trung Quốc”, ông nói.

Theo phó giáo sư, Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để người dân tuân thủ bộ luật mới.

“Điều này cũng giống chuyện cưới xin. Trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc được thành lập vào năm 1949, nhiều cuộc hôn nhân đều do cha mẹ sắp đặt. Sau đó, chính phủ bãi bỏ tập tục này. Phải mất nhiều năm để mọi người thích nghi và tự đi tìm vợ/chồng”, ông Jiang chia sẻ.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/day-con-bang-don-roi-sap-bi-cam-o-trung-quoc-post1177633.html