Dạy chữ gắn với dạy người

Không ít người cho rằng, hiện nay, văn hóa học đường đang ở trong tình trạng đáng báo động. Có nhiều hành vi và lối ứng xử thiếu văn hóa giữa học sinh (HS) với HS, HS với giáo viên (GV), GV với HS, phụ huynh HS với GV, gây nên sự xuống cấp nghiêm trọng của văn hóa học đường. Vậy, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này?

Cô và trò Trường THPT Nông Cống I (Nông Cống) trong giờ học. Ảnh: P.V

Ngày nay, với những tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, những giá trị chuẩn mực, văn hóa học đường của HS, sinh viên (SV) có những thay đổi trong nhận thức, thái độ, hành vi và thói quen ứng xử hàng ngày. Những tác động tiêu cực đa chiều đã dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, vi phạm pháp luật, phạm pháp hình sự ngày một tăng. Trong trường học, môn giáo dục đạo đức ở tiểu học hay giáo dục công dân (GDCD) ở cấp THCS, THPT (gọi chung là môn GDCD) là môn học đặc thù, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách, năng lực, phẩm chất cho HS. Có vị trí quan trọng là vậy, nhưng thời lượng dạy học của môn GDCD lại khá khiêm tốn, chỉ 1 tiết/tuần. Đã thế, việc tổ chức dạy và học môn GDCD ở một số nhà trường cũng chưa thực sự được coi trọng. Do thiếu GV nên phần lớn môn này do GV dạy các môn khoa học xã hội như Văn, Sử... đảm nhiệm. Có trường lại giao cho GV chủ nhiệm dạy, bất kể GV đó dạy môn gì. Và, do quan niệm GDCD chỉ là môn phụ nên không ít GV chủ nhiệm được giao dạy GDCD đã tranh thủ giờ dạy này để dạy các môn văn hóa như Toán, Văn, Ngoại ngữ... Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh, HS cũng không coi trọng môn GDCD nên dù có được dạy trên lớp nhưng nhiều em HS không tập trung nghe thầy cô giảng bài, không ghi chép bài đầy đủ, không làm bài tập... Và một thực tế hiện nay là nhiều trường học được giao trọng trách “trồng người” chỉ quan tâm dạy chữ mà xem nhẹ dạy làm người; thầy, cô giáo đa phần chỉ lo truyền giảng kiến thức văn hóa, làm sao để truyền đạt hết dung lượng kiến thức tương đối nặng trong một giờ dạy ngắn ngủi, chứ không mấy quan tâm giáo dục nhân cách cho các em hay uốn nắn, chỉnh sửa những thiếu sót của HS. Đã thế, các giờ học ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống cho HS, SV còn quá ít...

Văn hóa học đường là môi trường để giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Tạo nên văn hóa học đường, không ai khác chính là các nhà quản lý giáo dục, các thầy giáo, cô giáo và các em HS - những người hàng ngày sống trong môi trường ấy.Để xây dựng văn hóa học đường, phải làm nhiều việc, bằng nhiều hình thức. Trước tiên phải từ lãnh đạo ngành chức năng, ban giám hiệu các nhà trường có chủ trương, xây dựng kế hoạch triển khai, trong quá trình thực hiện có kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá. Tiếp đó, đội ngũ nhà giáo bên cạnh dạy kiến thức văn hóa cần chú ý giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV, đây là nhân tố rất quan trọng, bởi thầy, cô giáo là những người hàng ngày tiếp xúc, gần gũi với HS, SV.

Mỗi cấp học, bậc học có yêu cầu, nội dung, biện pháp đặc thù. Song, mỗi trường đều cần có hệ giá trị làm chuẩn mực để mọi thành viên lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, thước đo thành quả của bản thân, của lớp, của trường, đặc biệt về mặt đạo đức xã hội, giá trị nhân cách. Mỗi nhà trường cần ban hành quy chế văn hóa học đường một cách rõ ràng, có tính khả thi cao, đặc biệt có cam kết của các tổ chức đoàn thể, các tập thể lớp, GV, HS và có kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Ngoài ra, các trường cần gắn việc giáo dục đạo đức văn hóa với đạo đức lối sống, lồng ghép chương trình giảng dạy với các hoạt động dã ngoại cho HS, SV, như: Tổ chức đi thăm các di tích lịch sử, viếng nghĩa trang, thăm đối tượng chính sách, thăm nơi có cuộc sống khó khăn của đồng bào để HS thấu hiểu cuộc sống, đồng thời khơi dậy lòng tự hào dân tộc, giúp các em có động cơ học tập tốt hơn. Nhà trường cũng cần thường xuyên phát động các phong trào thi đua, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động ngoại khóa, biến mỗi mái trường trở thành ngôi trường thân thiện, mỗi HS, SV trở thành người học tích cực.

Văn hóa học đường chính là văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử của GV và HS, SV. Bởi vậy, GV phải xác định đúng vai trò, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với việc dạy chữ và dạy người, có ý thức trau dồi kiến thức văn hóa, làm cho HS thấy được cái hay, cái đẹp trong kiến thức được lĩnh hội, truyền cho các em niềm say mê cống hiến, phát huy tính tích cực, tự giác, làm cho các em trân trọng, yêu quý ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè và những người xung quanh. GV phải là tấm gương sáng cho HS noi theo, phải xây dựng mối quan hệ giữa thầy và trò một cách đúng mực, nghiêm túc nhưng thân mật, giản dị và chân thành. Một GV luôn ăn nói cục cằn, thô lỗ, dễ quát mắng, nạt nộ học trò hay một người luôn bàng quan với mọi việc, không quan tâm tới sự bày tỏ các nhu cầu, cảm xúc, mong muốn của HS thì khó lòng khiến các em gần gũi, tâm tình và cũng khó trở thành tấm gương tốt trong mắt học trò.

Cùng với đó, môi trường giáo dục phải xây dựng thật trong lành, văn hóa. Thể hiện ở môi trường xung quanh học đường cảnh quan xanh, sạch, đẹp; ở ý thức của cán bộ, giáo viên, HS, SV qua hành động, cử chỉ, ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày. Những việc làm tưởng chừng rất nhỏ như bỏ rác đúng nơi quy định, không hút thuốc lá trong trường học, không nói tục, chửi thề... chính là nền tảng hình thành chuẩn mực đạo đức ban đầu của HS, SV.

Song song với đó, cần tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV.Gia đình là cái nôi sinh thành, dưỡng dục, là nơi định hướng các giá trị đạo đức, nhân cách của con người. Gia đình cũng là nơi gìn giữ những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sự kết hợp giữa gia đình với nhà trường thể hiện trong việc thường xuyên có sự trao đổi từ hai phía. Nhà trường thông báo kết quả học tập, rèn luyện của HS, SV cho gia đình. Gia đình cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, tính cách của HS, SV, tạo điều kiện để nhà trường có biện pháp giáo dục, quản lý. Gia đình cũng cần chu cấp đầy đủ về vật chất, quan tâm, động viên các em cố gắng học tập, rèn luyện. Thực tế cho thấy, khá nhiều gia đình do bận công tác, mải mê làm ăn mà bỏ bê không quan tâm đến con cái, phó mặc cho nhà trường, thậm chí con cái có lỗi lầm gì cũng đổ lỗi cho nhà trường mà không hiểu rằng trách nhiệm giáo dục con cái phải được bắt đầu từ gia đình, không một trường học nào có thể thay thế được sự chăm lo, săn sóc của cha mẹ đối với các em.

Ngoài ra, định hướng thị hiếu văn hóa là nhiệm vụ hết sức quan trọng của các cơ quan chức năng. Giáo dục văn hóa phải gắn với nhiều hoạt động của đời sống xã hội. Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, xã hội nơi có HS, SV ở phải thường xuyên kiểm tra nếp sống văn hóa, tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện những biểu hiện bất thường, để kịp thời thông báo với nhà trường. Có những hình thức xử lý thích đáng với những bộ phận, những đối tượng có mục đích lợi dụng HS, SV về cả tâm hồn và thể xác. Hạn chế những tụ điểm ăn chơi (nhà hàng, nhà nghỉ, quán karaoke, dịch vụ cầm đồ...) chung quanh địa bàn các trường học.

Một môi trường văn hóa học đường được tạo dựng từ sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội sẽ có sức đề kháng với những mầm bệnh, loại trừ được những biểu hiện văn hóa không lành mạnh nảy sinh từ bên trong, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, trong sáng.

Trước thực trạng văn hóa học đường đang ở trong tình trạng đáng báo động, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12-4-2019 quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Theo đó, thông tư điều chỉnh đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học, cha mẹ người học trong các cơ sở giáo dục.Việc ra đời của thông tư này nhằm xây dựng văn hóa học đường, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu năm học 2019-2020, phải tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong HS, SV. Giáo dục đạo đức cho HS, SV là trách nhiệm của toàn xã hội mà nhà trường đóng vai trò trung tâm. Bộ GD&ĐT rà soát lại chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong các trường sư phạm, cơ sở GD&ĐT, bảo đảm thiết thực, khả thi, cụ thể, hiệu quả, bảo đảm số giờ và các nội dung về đạo đức để lồng ghép trong các môn văn hóa khác. Giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ trong trường mà đặc biệt thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo để HS, SV được tiếp xúc với truyền thống văn hóa. Thủ tướng nhấn mạnh, thầy cô gương mẫu là tấm gương đạo đức quý báu nhất để HS noi theo. Các tổ chức quần chúng có trách nhiệm cùng nhà trường và gia đình giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV. Phải có sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa để GD&ĐT đóng góp vào sự phát triển bền vững, đột phá của đất nước. Thủ tướng nêu rõ tinh thần Chính phủ bứt phá, ngành giáo dục cũng phải bứt phá, phát triển theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương. Đây là mệnh lệnh của người đứng đầu Chính phủ đối với các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành GD&ĐT. Hy vọng, thời gian tới văn hóa học đường sẽ có những chuyển biến tích cực, góp phần tạo nên những chủ nhân tương lai của đất nước vừa hồng, vừa chuyên.

Năm học 2019-2020, phải tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kỹ năng sống trong HS, SV. Giáo dục đạo đức cho HS, SV là trách nhiệm của toàn xã hội mà nhà trường đóng vai trò trung tâm.

Đức Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/day-chu-gan-voi-day-nguoi/109195.htm