DẠY CHO TRẺ HỌC, LO CHO TRẺ ĂN

Năm học 2020-2021 vừa bắt đầu được hai tuần lễ. Trong bối cảnh cả nước phải căng sức phòng, chống dịch Covid-19, việc tổ chức khai giảng, triển khai năm học mới đúng kế hoạch và trước đó là tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT với vô vàn áp lực, đã khẳng định sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của ngành giáo dục cả nước.

Tuy nhiên, việc xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) trong trường học khiến hàng trăm học sinh phải nhập viện cấp cứu ở một số địa phương, tiếp tục dấy lên mối lo ngại về an toàn sức khỏe cho học sinh.

Những năm gần đây, hầu như năm nào cũng xảy ra các vụ NĐTP trong trường học. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và chính quyền, cơ quan chức năng các cấp đã phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn, ban hành các quy định, tổ chức triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong môi trường học đường, nhưng những nỗ lực cũng mới chỉ nhằm giảm vụ việc chứ chưa có giải pháp căn cơ chấm dứt tình trạng này.

 Ảnh minh họa: TTXVN.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Theo thống kê của Cục ATTP (Bộ Y tế), số vụ NĐTP tập thể tại trường học chỉ chiếm dưới 4% tổng số các vụ NĐTP. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của môi trường học đường, dù số vụ ít nhưng số người bị NĐTP trong mỗi vụ lại cao. Trẻ em sức đề kháng yếu, tâm sinh lý chưa ổn định nên việc để xảy ra các vụ NĐTP không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mà còn gây ra những cú sốc tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Mặt khác, những vụ NĐTP trong môi trường học đường luôn là yếu tố gây hoang mang tâm lý xã hội đối với cha mẹ học sinh.

Đời sống xã hội càng phát triển thì nguy cơ về dịch bệnh và những rủi ro liên quan đến sức khỏe càng cao. Sự học của trẻ thời nay khác rất xa các thế hệ trước. Ngày trước, thầy cô giáo đến trường chủ yếu để dạy học cho trẻ. Ngày nay, ngoài dạy cho trẻ học còn phải lo cho trẻ ăn, giữ cho trẻ an toàn. Cả nước hiện có khoảng 4.000 trường học có tổ chức bữa ăn bán trú với số lượng học sinh được phục vụ rất lớn, nhiều nhất là trẻ ở bậc học mầm non, tiểu học, THCS... Đa số các trường học, cơ sở giáo dục đều ký hợp đồng với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp bữa ăn. Trên thực tế, không ít tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận, đã thu mua thực phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra NĐTP học đường. “Trăm dâu đổ đầu tằm”, khi xảy ra các vụ việc đáng tiếc, dư luận xã hội thường dồn trách nhiệm đầu tiên và trên hết cho đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo ở trường học.

Kiểm soát chặt chẽ đầu vào của thực phẩm và khâu chế biến vẫn là giải pháp trọng tâm và chủ yếu bảo đảm vệ sinh ATTP. Trách nhiệm này không chỉ của riêng nhà trường mà cần phải có sự chung tay, vào cuộc của chính quyền, hệ thống chính trị ở địa phương và cả cha mẹ học sinh. Các cơ sở cung cấp bữa ăn cho học sinh bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP. Việc kiểm tra, giám sát vệ sinh ATTP cần thực hiện đầy đủ, thường xuyên với sự tham gia của cơ quan chức năng, nhà trường và đại diện cha mẹ học sinh. Với những tổ chức, cá nhân vi phạm, để xảy ra NĐTP, cần phải chấm dứt hợp đồng và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật chứ không thể là “nghiêm túc rút kinh nghiệm” rồi đâu lại vào đấy.

Dạy cho trẻ học là nhiệm vụ vẻ vang, nhưng lo cho trẻ ăn cũng quan trọng không kém. Để cho con em của chúng ta có những bữa ăn ngon và sạch trong trường học thì cộng đồng xã hội đều phải chung tay chia sẻ trách nhiệm. Người đảm bảo bữa ăn cho trẻ phải có lương tâm nghề nghiệp, coi công việc này như chăm lo cho chính con em mình. Truyền thông và dư luận xã hội góp phần thức tỉnh đạo đức nghề nghiệp của họ, thể hiện lương tri và lương tâm trong mỗi hành động, mỗi suất ăn cho trẻ ở trường...

THANH KIM TÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/day-cho-tre-hoc-lo-cho-tre-an-635345