Dạy cách ứng xử qua văn hóa xếp hàng

Trong những năm qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, gia đình, nhà trường quan tâm, thực hiện. Trong đó, có nhiều mô hình triển khai hiệu quả, nhất là công tác giáo dục học sinh biết cách ứng xử có văn hóa thông qua mô hình văn hóa xếp hàng trong trường học.

Trong những năm qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, gia đình, nhà trường quan tâm, thực hiện. Trong đó, có nhiều mô hình triển khai hiệu quả, nhất là công tác giáo dục học sinh biết cách ứng xử có văn hóa thông qua mô hình văn hóa xếp hàng trong trường học.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Bắc Ninh Nguyễn Thế Sơn cho biết, từ năm học 2016-2017, các trường học trên địa bàn đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020. Trong đó, yêu cầu các cơ sở GD và ĐT, tổ chức đoàn, hội, đội xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học (biết chào hỏi, biết cảm ơn và xin lỗi), thực hiện văn hóa xếp hàng nơi công cộng cũng như các quy định về trật tự an toàn giao thông, sống nhân ái, vì cộng đồng.

Nằm ở vị trí trung tâm của TP Bắc Ninh, Trường tiểu học và THCS Trần Quốc Toản là đơn vị luôn đi đầu trong các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt cũng như các phong trào của đoàn, đội. Một trong những phong trào đã và đang được nhà trường duy trì tốt đó là văn hóa xếp hàng. Hằng ngày, học sinh của trường luôn thực hiện nghiêm chỉnh, ngay ngắn việc xếp hàng khi di chuyển từ các lớp học đến các phòng học chức năng như: Tin học, Ngoại ngữ, Thư viện,… học sinh xếp hàng rửa tay trước mỗi bữa ăn hay xếp hàng khi ra về. Các thầy giáo, cô giáo luôn là những người tận tình uốn nắn để các em học sinh hình thành thói quen xếp hàng ngay từ lớp 1. Thói quen xếp hàng này cũng được lan tỏa đến các bậc cha mẹ học sinh ngay trong những buổi sáng hoặc chiều đưa, đón con đi học. Tuy nhiên, do trường nằm trên địa bàn trung tâm, số lượng học sinh đông, phụ huynh đón con bằng ô-tô nhiều (khoảng 900 người), vì vậy, trong giờ cao điểm buổi sáng và chiều xuất hiện tình trạng nhiều cha mẹ học sinh đưa, đón con dừng, đỗ dưới lòng đường gây lộn xộn, ùn ứ cục bộ, cản trở giao thông. Nhà trường phối hợp đoàn liên ngành đã đặt biển báo hiệu, biển chỉ dẫn, biển cảnh báo, vạch sơn kẻ đường, khu vực xếp xe ô-tô, xe máy,… đón học sinh tại ba vị trí khác nhau, mỗi vị trí cách cổng trường từ 100 đến 200 m. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông, đoàn viên thanh niên, dân phòng và các thầy giáo, cô giáo, học sinh cờ đỏ phối hợp hướng dẫn các em học sinh nhỏ tuổi hơn qua đường, nhắc nhở đội mũ bảo hiểm, đỗ xe; cổng trường luôn có giáo viên và học sinh lớp trực ban, hai bảo vệ nhà trường. Tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ học sinh sắp xếp các phương tiện đưa, đón học sinh dừng, đỗ vào vị trí quy định, bố trí thành hàng lối, không gây lộn xộn, ùn ứ, cản trở giao thông; điều tiết, chỉ huy, không để xảy ra giao thông ùn tắc. Sau một thời gian thực hiện, kết quả cho thấy, cha mẹ học sinh xếp xe ngay ngắn, thẳng hàng, theo thứ tự; ô-tô đỗ đúng nơi quy định tại các điểm. Việc đưa, đón học sinh được thực hiện nhanh chóng và tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như tạo văn hóa xếp hàng nơi cổng trường.

Trường THCS Ninh Xá (TP Bắc Ninh) cũng có những giải pháp hiệu quả giáo dục học sinh thực hiện văn hóa xếp hàng trong trường học và nơi công cộng. Cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Ninh Xá cho biết, để giáo dục học sinh thực hiện tốt văn hóa xếp hàng, trước tiên phải giúp các em nhận thức rõ tầm quan trọng, tác dụng giáo dục qua việc thực hiện văn hóa xếp hàng. Vì vậy trong nhà trường cần hướng dẫn học sinh thực hiện thường xuyên việc xếp hàng khi ra, vào lớp, xếp hàng khi đi lên học tại các phòng học bộ môn, xếp hàng lấy xe, xếp hàng lấy nước… Ban đầu, nhà trường đưa việc thực hiện xếp hàng vào tiêu chí thi đua của lớp, dần dần các em hình thành thói quen xếp hàng với thái độ vui vẻ, thoải mái và hoàn toàn tự nguyện. Việc giáo dục cho học sinh ý thức xếp hàng tại trường học không khó, nhưng để các em hình thành thói quen tự giác xếp hàng ở nơi công cộng thì khó hơn rất nhiều. Ngoài ra, trường tổ chức các hoạt động tuyên truyền thực hiện văn hóa xếp hàng bằng nhiều hình thức phong phú. Cho học sinh vẽ tranh, tự sưu tầm các hình ảnh xếp hàng tại nơi công cộng; sưu tầm và kể lại những câu chuyện về văn hóa xếp hàng để từ đó các em hiểu rõ hơn tầm quan trọng việc thực hiện xếp hàng nơi công cộng. Trong các buổi tham quan, dã ngoại, cần rèn cho học sinh xếp hàng vào cửa soát vé, xếp hàng lên ô-tô…

Theo đánh giá của Sở GD và ĐT Bắc Ninh, sau thời gian thực hiện thí điểm mô hình nêu trên, ý thức, nhận thức của học sinh đã có nhiều chuyển biến tích cực, được cha mẹ học sinh, các trường hưởng ứng và thực hiện mạnh mẽ. Từ ba trường thực hiện thí điểm, đến nay, trên địa bàn có nhiều trường tự nguyện tham gia thực hiện mô hình. Qua đánh giá, bước đầu mô hình đã phát huy tính hiệu quả, không chỉ khắc phục được tình trạng cha mẹ học sinh đưa, đón con dừng, đỗ xe dưới lòng đường gây lộn xộn, ùn ứ cục bộ, cản trở giao thông, nhất là trong khung giờ cao điểm mà còn giúp học sinh biết cách ứng xử có văn hóa.

QUÝ TÙNG và MINH NGHĨA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/day-cach-ung-xu-qua-van-hoa-xep-hang-619279/