David Beckham và 'chiếc giày bay' của Sir Alex

Sự nghiệp David Beckham ở MU luôn gắn liền với 'chiếc giày bay' của Sir Alex. Tuy nhiên, sự cố đó đã biến tiền vệ người Anh trở thành biểu tượng toàn cầu.

Zing.vn lược dịch và gửi tới độc giả giai thoại về David Beckham nằm ở chương 5 trong cuốn tự truyện của Sir Alex Ferguson.

Beckham giống như con trai của tôi, bởi tôi đã theo dõi cậu ấy lớn lên cùng Ryan Giggs và Paul Scholes. Đứa trẻ đến từ London gia nhập Man United vào tháng 7/1991.

Chỉ trong một năm, cậu ấy đã trở thành một phần của “Thế hệ 1992”, giành cúp FA của lứa cầu thủ trẻ cùng với Nicky Butt, Gary Neville và Ryan Giggs. Cậu ấy chơi 394 trận cho đội một và ghi 85 bàn thắng, trong đó có siêu phẩm từ giữa sân vào lưới Wimbledon – bàn thắng đã giới thiệu cậu ấy ra với thế giới.

Sự cố “chiếc giày bay”

Tôi không có khúc mắc gì với Beckham. Tôi thích cậu ấy. Tôi nghĩ cậu ấy là một chàng trai tuyệt vời. Tuy nhiên, bạn không nên từ bỏ những thứ mà mình thực sự giỏi.

Trong mùa giải cuối cùng ở MU, chúng tôi nhận thấy cường độ hoạt động của Beckham đã suy giảm. Chúng tôi cũng nghe được một số tin đồn về mối liên hệ giữa cậu ấy và Real Madrid. Vấn đề là lúc này cậu ấy đã không thể hiện được nhiều như những năm trước đó.

Tuy nhiên, phải đến trận đấu ở vòng 5 FA Cup vào tháng 2/2003, khi MU thua 0-2 trước Arsenal, thì cuộc đối đầu giữa chúng tôi mới diễn ra. Sai lầm của Beckham chính là việc không lùi về hỗ trợ phòng ngự trong tình huống dẫn đến bàn thắng thứ hai của Arsenal, được ghi bởi Sylvain Wiltord. Cậu ấy chỉ đi bộ và Wiltord dễ dàng vượt qua.

 Vết sẹo trên mí mắt David Beckham là "giọt nước tràn ly" trong mối quan hệ với Alex Ferguson.

Vết sẹo trên mí mắt David Beckham là "giọt nước tràn ly" trong mối quan hệ với Alex Ferguson.

Tôi trách mắng Beckham sau trận đấu, nhưng cậu ấy phản đối những lời chỉ trích của tôi. Có lẽ cậu ấy cho rằng không cần phải lùi về tham gia phòng ngự, một phẩm chất đã góp phần quan trọng làm nên tên tuổi của cậu ấy.

Cậu ấy ngồi cách tôi gần 4m, và giữa chúng tôi là những chiếc giày xếp thành hàng. Beckham chửi thề. Tôi tiến đến gần cậu ấy, và trong lúc đi, tôi đá vào một chiếc giày. Nó bay trúng vào phần trên mắt của cậu ấy. Ngay lập tức cậu ấy đứng bật dậy và định xông vào tôi nhưng những cầu thủ khác đã kịp thời ngăn lại.

"Ngồi xuống", tôi quát. "Cậu đã làm cả đội thất vọng. Cậu muốn nói gì cũng được". Ngày hôm sau tôi gọi cậu ấy lên xem lại băng ghi hình và cậu ấy vẫn không chịu nhận lỗi. Cậu ấy thậm chí không nói lời nào trong lúc ngồi nghe tôi. "Cậu có hiểu chúng ta đang nói gì và vì sao chúng ta phải làm thế không?", tôi hỏi. Cậu ấy cũng không thèm trả lời.

Ngày hôm sau, câu chuyện đã xuất hiện trên các mặt báo. Tôi nói với ban lãnh đạo rằng Beckham phải ra đi. Ban lãnh đạo hiểu tôi. Giây phút mà một cầu thủ MU tự đặt mình lên trên HLV thì cũng là lúc anh ta phải đi khỏi đây. Tôi thường nói: "Khi HLV đánh mất quyền lực, lúc đó không còn CLB nữa. Các cầu thủ sẽ điều hành nó, và bạn sẽ gặp rắc rối lớn".

Beckham nghĩ rằng cậu ấy lớn hơn Alex Ferguson. Tôi chắc chắn cậu ấy đã nghĩ như vậy. Thực ra tên HLV là gì không thành vấn đề, dù là Alex Ferguson hay thợ sửa ống nước Peter. Quyền lực mới là thứ quyết định. Bạn không thể để cầu thủ được phép kiểm soát phòng thay đồ. Nhiều người đã cố thử. Nhưng ở MU thì quyền lực nằm trong tay HLV. Cậu ấy đã tự gióng lên hồi chuông báo tử cho mình.

Bóng đá xếp sau giải trí và sự đánh đổi

Đôi khi bạn phải lấy đi một thứ từ ai đó để họ thấy rằng họ cần có nó như thế nào. Khi Beckham tới Mỹ để gia nhập LA Galaxy, tôi tin rằng cậu ấy bắt đầu nhận ra vừa đánh mất một phần quan trọng trong sự nghiệp. Cậu ấy tập luyện với cường độ không thể tin nổi để lấy lại thể lực tốt nhất trong giai đoạn đỉnh cao, thể hiện nhiệt huyết thi đấu lớn hơn nhiều so với thời gian cuối ở MU.

Beckham không có nhiều lựa chọn ở thời điểm rời Real Madrid tới MLS vào năm 2007. Tôi tưởng tượng cậu ấy đã hướng tới việc phát triển sự nghiệp ở Hollywood trong quãng thời gian sau khi chia tay bóng đá. Chẳng có lý do nào về chuyên môn để cậu ấy đến Mỹ. Cậu ấy đã từ bỏ bóng đá đỉnh cao, cho dù sau đó đã chiến đấu để trở lại đội tuyển Anh. Điều đó đã chứng minh quan điểm của tôi về sự thất vọng trong giai đoạn sau của cậu ấy.

David Beckham bắt đầu theo đuổi biểu tượng thương mại ở Real Madrid.

Khi tôi giải nghệ ở MU vào tháng 5/2013, Giggs và Scholes vẫn ở đó, còn Beckham đã ra đi được 10 năm. Vào ngày 18/6/2003, chúng tôi báo tin cho sàn giao dịch chứng khoán rằng Beckham sẽ gia nhập Real Madrid với mức giá 24,5 triệu bảng. Tin tức này nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Đó là một trong những khoảng khắc toàn cầu của CLB.

Beckham là cầu thủ duy nhất tôi từng huấn luyện đã lựa chọn sự nổi tiếng, đã đặt ra mục tiêu được biết đến bên ngoài bóng đá. Beckham đã tìm kiếm sự thông cảm từ người hâm mộ. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là cậu ấy trực tiếp công kích tôi.

Thương vụ đến Real Madrid được tiến hành nhanh chóng. Theo những thông tin chúng tôi có được, người đại diện của Beckham và Real Madrid đã đàm phán với nhau. Lần đầu họ liên hệ trực tiếp với MU vào giữa tháng 5, sau khi mùa giải đã kết thúc. Giám đốc điều hành Peter Kenyon gọi cho tôi và thông báo: "Real Madrid chính thức hỏi mua Beckham".

"Tốt thôi", tôi nói. "Đó là điều mà chúng ta đã mong đợi". Chúng tôi muốn nhận được 25 triệu bảng. Khi đó, tôi đang nghỉ hè tại Pháp và Peter đã gọi cho tôi. Lúc đó tôi đang ăn tối với đạo diễn phim Jim Sheridan, người sở hữu căn hộ ngay trên nhà hàng. Tôi cần nói chuyện riêng.

"Vào nhà tôi mà nói chuyện", Jim gợi ý. Tôi nhấn mạnh với Peter: "Cậu ấy sẽ không đi đâu cả cho đến khi chúng ta nhận đủ 25 triệu bảng". Sự thật là chúng tôi nhận được 18 triệu bảng và phần còn lại là phụ phí.

Beckham bắt đầu thay đổi từ lúc 22 hay 23 tuổi. Cậu ấy đưa ra những quyết định khiến bản thân không thể trở thành cầu thủ vĩ đại. Tôi thực sự thất vọng. Không có thù hằn, chỉ có sự thất vọng mà tôi dành cho cậu ấy. Chán nản. Tôi cứ nhìn vào Beckham và chỉ muốn nói: "Con trai, con đang làm gì vậy?".

Khi gia nhập MU, Beckham là cậu bé với đôi mắt sáng ngời và đam mê bóng đá. Năm 16 tuổi, cậu ấy không bao giờ rời phòng tập hay ngừng luyện tập. Cậu ấy yêu bóng đá và hạnh phúc trong giấc mơ được chơi bóng. Rồi đột nhiên, David từ bỏ tất cả vì một sự nghiệp mới, một phong cách sống mới.

Từ một góc nhìn khác, sẽ thật ngớ ngẩn khi tôi nói Beckham đã chọn sai con đường. Cậu ấy vô cùng giàu có. Cậu ấy trở thành biểu tượng. Mọi người sao chép phong cách của cậu ấy. Nhưng tôi là con người của bóng đá và tôi không tưởng tượng được bạn từ bỏ bóng đá vì bất cứ điều gì.

Sir Alex từng hy vọng David Beckham có thể trở thành một trong những huyền thoại vĩ đại nhất ở MU.

Mọi thứ thay đổi với Beckham vì cậu ấy muốn thay đổi. Đôi mắt cậu ấy đã rời khỏi trái bóng. Thật đáng buồn, Beckham có thể ở lại MU cho đến ngày tôi ra đi. Cậu ấy có thể trở thành một trong những huyền thoại vĩ đại nhất của MU. Thứ duy nhất biến Beckham thành huyền thoại ở LA Galaxy chỉ là vị thế biểu tượng của cậu ấy. Một vài thời điểm trong cuộc đời, có lẽ Beckham phải thầm nhủ: "Mình đã mắc sai lầm".

Tại LA, có lẽ Beckham tưởng tượng Hollywood sẽ là điểm đến tiếp theo của cuộc đời. Tôi nghĩ, cậu ấy hoàn toàn có mục đích và có thể là cả một kế hoạch. Bỏ điều đó sang một bên, bạn phải ngưỡng mộ sự dẻo dai của Beckham. Cậu ấy làm tôi ngạc nhiên, làm mọi người tại MU ngạc nhiên. Dù lựa chọn cái gì để theo đuổi, cậu ấy sẽ kiên trì tới cùng.

3 lần Beckham khiến thủ môn đứng nhìn với cú sút phạt David Beckham ghi bàn thắng cuối cùng cho MU bằng cú sút phạt ở trận Everton năm 2003. Đó là một trong những tình huống thủ môn phải đứng nhìn đường cong từ đôi chân Beckham.

Bình Minh
Ảnh: Getty Images

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/david-beckham-va-chiec-giay-bay-cua-sir-alex-post1067137.html