David Beckham - một tác phẩm nghệ thuật của làng túc cầu

Ngày 2/5/2019, David Beckham kỷ niệm sinh nhật lần thứ 45. Dù đã bước vào độ tuổi bị lãng quên của một cựu cầu thủ, nhưng thương hiệu Becks vẫn thách thức mọi giới hạn...

Khi nhắc tới mùa bóng 1998/99 huyền thoại của Man United, những hình ảnh dễ dội về ký ức người hâm mộ (NHM) nhất là 2 bàn thắng phút bù giờ của Teddy Sheringham và Ole Gunnar Solskjaer; là pha lập công phút 90+2 của Ryan Giggs trong trận hòa 1-1 với Juventus; là bàn thắng phút 84 của Andy Cole đưa Man United vào chung kết.

Tuy nhiên, có một nhân vật đã in dấu giày vào tất cả thời khắc quan trọng nhất của mùa bóng đó. Anh thực hiện đường chuyền quyết định giúp Man United vượt qua Inter ở tứ kết Champions League, anh ghi bàn thắng tuyệt đẹp vào lưới Arsenal tại bán kết FA Cup, anh cũng đồng thời là chủ nhân của pha lập công vào lưới Tottenham vòng cuối cùng của Premier League đưa Man United lên ngôi vô địch. Và cuối cùng, anh là chủ nhân của cả 2 đường chuyền đưa M.U lên ngai vàng Champions League.

Chúng ta đang nhắc tới David Beckham.

Theo Gary Neville, Beckham chính là cầu thủ quan trọng nhất của Man United trong chiến công năm 1999.

Theo Gary Neville, Beckham chính là cầu thủ quan trọng nhất của Man United trong chiến công năm 1999.

Tài năng tạo nên huyền thoại

Không ai phủ nhận Beckham là một tượng đài. Tuy nhiên, có khá nhiều người vẫn cho rằng chàng Becks nổi được như ngày hôm nay nhờ vẻ ngoài điển trai như một diễn viên điện ảnh chứ tài năng không thể sánh bằng nhiều tượng đài cùng lứa. Cụ thể nhiều người cho rằng Becks chậm chạp, ít kỹ năng xử lý các tình huống khó, không thể rê dắt, dứt điểm bóng sống thuộc dạng trung bình, chỉ thuận một chân, thể lực tầm thường.

Thật ra suy nghĩ này cũng từng xuất hiện trong đầu chính những cầu thủ Man United thời Becks mới chập chững gia nhập hàng ngũ Quỷ đỏ. Khuôn mặt non choẹt, dáng vẻ mảnh khảnh của Becks được nhận diện ngay lập tức là đối tượng dễ bắt nạt.

Trong cuốn sách “The Class of '92”, David Beckham tiết lộ rằng, anh bị các đàn anh ép phải nhìn ảnh Clayton Blackmore và múa những động tác khiêu gợi. Năm 7 tuổi, Becks bị loại khỏi đội hình dự một giải đấu trẻ vì “trông quá yếu ớt”. Chẳng ai tin rằng một cậu nhóc nhỏ thó, mảnh khảnh như Becks lại có thể đá bóng.

Tuy nhiên, những kẻ trông mặt bắt hình dong đã sớm phải thừa nhận sai lầm của mình khi chứng kiến Beckham tập luyện và chiến đấu. Năm Becks 8 tuổi, tức chỉ 1 năm sau khi bị lạnh lùng từ chối, anh góp mặt trong đội hình CLB địa phương Ridgeway Rovers thi đấu tại giải Enfield District League. Mùa bóng đầu tiên khép lại, Becks là người dẫn đầu danh sách ghi bàn với… 100 bàn thắng.

Những đường chuyền của Becks là đặc sản một thời của thế giới túc cầu.

Cuốn tự truyện nổi tiếng “Managing my Life” của Sir Alex Ferguson miêu tả Becks là một cầu thủ cực kỳ giàu thể lực và dẻo dai. Hẳn nhiều người sẽ bất ngờ khi biết, Sir Alex đánh giá cao thể lực của Becks hơn bất kỳ thành viên nào của thế hệ 92 huyền thoại.

Điều này được thêm Marcus du Sautoy – giáo sư toán học, giảng viên đại học Oxford – xác nhận trong công trình nghiên cứu về Becks. Vị giáo sư này cho biết, Becks là cầu thủ hiếm khi chỉ sử dụng một lực chuyển động cơ thể rất nhỏ nhưng lại tạo ra được lực chạm vào trái bóng vô cùng lớn. Điều đó lý giải tại sao những đường chuyền dài đôi khi lên tới 70 mét của Becks được thực hiện mà anh gần như không phải lấy đà.

Bản lĩnh thép xây nên tượng đài

Về kỹ thuật cá nhân, nhiều CĐV cho rằng tiền vệ cánh chỉ cần những quả tạt để hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, theo phóng viên Jonathon Aspey thì tố chất của Becks thừa sức đá tiền vệ trung tâm. Aspey gọi Becks là Pirlo của bóng đá Anh. Đáng tiếc, Beckham bị buộc phải đá cánh vì bóng đá Anh vào thời điểm đó vô cùng coi trọng sơ đồ 4-4-2 và những tiền vệ cánh đóng vai trò tương đối quan trọng. Aspey cho rằng, nếu Becks sinh ra ở Italy, anh có thể cạnh tranh với Pirlo trở thành nhạc trưởng tuyến giữa.

Bản lĩnh của Becks cũng là một điểm sáng tạo nên tượng đài của anh. Tấm thẻ đỏ oan nghiệt tại World Cup 1998 vì dính bẫy của cáo già Diego Simeone từng được báo chí Anh coi là dấu chấm hết cho sự nghiệp của anh. Becks được khuyên nên ra nước ngoài thi đấu để tránh cơn thịnh nộ của người Anh. Vào thời điểm đó, dân Anh hâm mộ bóng đá khá tiêu cực. Họ không chấp nhận Becks.

Dáng vẻ thư sinh không đồng nghĩa với tinh thần yếu đuối.

Nhưng chàng lãng tử sân cỏ của Man United vẫn quyết định ở lại để đối mặt và bằng tài năng của mình, anh không những dẹp sạch cơn thịnh nộ năm đó còn dần trở thành thần tượng số một của người dân xứ sương mù.

David Beckham đã sống một cuộc đời mẫu mực. Anh có một gia đình đẹp, có một sự nghiệp sau khi giải nghệ vô cùng rực rỡ. Anh sống với một tình yêu đích thực với gia đình, với bóng đá, với Man United. Nhờ đó mà cho dù cái danh cầu thủ đã lùi rất xa và Becks đã ở vào độ tuổi mà đa phần các cựu cầu thủ đều hầu như bị lãng quên, tên tuổi của anh vẫn chưa bao giờ nguội.

Vào ngày 26/5 tới đây, Becks sẽ tề tựu với những đồng đội cũ của năm 1999 huyền thoại để tái đấu với Bayern Munich trong một trận đấu từ thiện. Người Anh nói riêng và thế giới nói chung chờ đợi sự nghiệp này từng giây…

Nhìn lại bàn thắng để đời giúp David Beckham vươn tầm thành ngôi sao Trong trận đấu giữa Man United và Wimbledon năm 1996, David Beckham ghi bàn thắng để đời từ vạch giữa sân. Đây là khoảnh khắc giúp Beckham vươn tầm thành ngôi sao của thế giới.

Kiều Phong

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/david-beckham-mot-tac-pham-nghe-thuat-cua-lang-tuc-cau-post942433.html