Đầu xuân vãn cảnh chùa Bà Đanh: Nơi thanh u, phong thủy hữu tình

Đầu năm du xuân, cũng vì sự tò mò của câu thành ngữ 'vắng như chùa Bà Đanh', chúng tôi tìm về thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam để chiêm bái ngôi chùa nằm cạnh con sông Đáy hiền hòa.

Từ thị xã Phủ Lý, qua cầu Hồng Phú, theo đường 21 là đến chùa Bà Đanh. Tương truyền, vào thế kỷ thứ VII, đây là một ngôi đền nhỏ thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Phong, Pháp Điện). Đến thời Lê Huy Tông (1675 - 1750), chùa được xây dựng to đẹp hơn.

Chùa Bà Đanh vẫn giữ được nét trầm mặc

Chùa Bà Đanh vẫn giữ được nét trầm mặc

Cũng như các ngôi chùa khác, chùa Bà Đanh thờ Phật, song ở đây ngoài tượng Bồ Tát còn có tượng của Thái Thượng Lão Quân, tượng Nam Tào, Bắc Đẩu và các tượng của tín ngưỡng Tứ Phủ - một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Chùa quay mặt ra hướng Nam mạn sông Đáy. Phía ngoài cùng, giáp với đường đi và gần bờ sông là cổng tam quan. Tam quan có ba gian, hai tầng. Hai bên cổng chính là hai cổng nhỏ có tám mái, cửa phía trên lượn cong hình bán nguyệt. Ngày thường, khách ra vào lễ đi bằng cửa bên, chỉ khi nhà chùa có đại lễ thì cửa chính ở giữa mới mở.

Qua cổng tam quan là khu vườn hoa, sân lát gạch, hai dãy hành lang hai bên. Nhà bái đường có 5 gian, hai đầu xây bít dốc. Phía Tây là khu nhà ngang gồm 5 gian, ba gian vừa dùng làm nơi thờ các vị tổ đã trụ trì ở đây, hai gian đầu hồi được ngăn thành 2 gian buồng làm nơi ở cho người tu hành. Phía Đông của khu chùa là phủ thờ Mẫu.

Hai bên cổng chính là hai cổng nhỏ có tám mái

Chùa Bà Đanh là một hệ thống tổng thể bao gồm nhiều công trình với gần 40 gian nhà. Năm 1994 chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Về tên gọi “chùa Bà Đanh”, theo truyền thuyết, chùa thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, sau nhiều người gọi tắt là chùa Bà Đanh.

Còn câu thành ngữ dân gian “vắng như chùa Bà Đanh” cũng có nhiều cách lý giải, trong đó có lý do, xưa kia, chùa nằm ở vị trí u tịch, xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn, lối đi độc đạo, lại có nhiều thú dữ nên không ai dám vào. Cách duy nhất để vào chùa là chèo thuyền qua sông Đáy. Chính vì bất tiện nên người hành hương về chùa Bà Đanh thưa thớt.

Lối vào chùa được lát đá sach sẽ và rợp bóng cây xanh

Hiện nay, chùa Bà Đanh với đền Trúc, Ngũ Động Thi Sơn (núi Cấm), khu du lịch sinh thái Tam Chúc (Ba Sao), Bát cảnh Tiên cùng hệ thống các bến thủy dọc dài sông Đáy từ ngã 3 Hồng Phú, thành phố Phủ Lý đã và đang hợp thành một tua du lịch “non nước hữu tình”.

Trước đây, du khách đến vãn cảnh chùa Bà Đanh không mất phí, nhưng từ năm 2019 thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh Hà Nam quy định về một số loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh thì phí thăm quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh là 2 trong số những loại phí được quy định trong Nghị quyết. Đây là khoản thu nhằm bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí về bảo quản, tu bổ, phục hồi và quản lý đối với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, vấn đề thu phí hiện vẫn gây bức xúc cho một số người dân. Vào ngày mùng 3 Tết năm nay (tức ngày 14/2/2021), có mặt tại chùa, chúng tôi đã chứng kiến một vài người dân còn bức xúc vì câu chuyện thu phí này.

Theo lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đối với một di tích, việc thu phí hay không không quy định cụ thể trong Luật di sản văn hóa mà do HĐND cấp tỉnh quyết định, dựa trên thực tế quản lý di tích và nguyện vọng của người dân. Việc thu phí ở một di tích nào đó nếu được đưa ra phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và phải phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, tái đầu tư cho di tích.

Dưới góc độ nghiên cứu văn hóa, có ý kiến cho rằng, ngoài tạo nguồn thu để bảo tồn di tích tốt hơn, việc thu phí còn tránh gây quá tải cho di tích.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dau-xuan-van-canh-chua-ba-danh-noi-thanh-u-phong-thuy-huu-tinh-152385.html