Đầu xuân thăm đảo Cô Tô

Thời điểm này, tìm đến cảng tàu Cái Rồng, thuộc huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh có thể dễ dàng chứng kiến cảnh trên bến, dưới thuyền nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. Tại đây, dù đã qua mốc hơn nửa thế kỷ, kể từ ngày Bác Hồ về thăm Cô Tô nhưng những nơi Bác đã đi qua, hơi ấm và tình yêu thương bao la của Người dường như vẫn còn hiện hữu…

Rời Hà Nội, đặt chân lên đảo Cô Tô, điều tôi cảm nhận được đầu tiên là không khí trong lành của tự nhiên. Ở đây không có nhà máy, không có công trường, và không có những con đường chật cứng xe, xả khói đến ngạt thở.

Đảo chỉ có rừng, có biển và có những bãi tắm tuyệt đẹp. Kỳ thực, trước đây tôi chỉ mường tượng ra một Cô Tô trong sách vở. Đó là một quần đảo nằm mãi ở phía Đông Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Sau khi hoàn tất buổi tuần tra đảo, bên lề câu chuyện, Thượng úy Nguyễn Hữu Ninh Đội trưởng vũ trang Đồn Biên phòng Cô Tô kể, Cô Tô có một nét đặc biệt mà không nơi đâu có.

Đây là nơi duy nhất được Bác Hồ cho phép dựng tượng của mình khi Người còn sống. “Tượng Bác Hồ khánh thành năm 1967, lưu lại hình ảnh Người đang tươi cười vẫy chào nhân dân khi ra thăm Cô Tô” - Thượng úy Nguyễn Hữu Ninh cho biết. Mang trong tâm thức nỗi háo hức, tò mò tôi đã cuốc bộ gần 1km từ nơi trọ ra khu tưởng niệm Bác.

Bình minh trên đảo Cô tô

Bình minh trên đảo Cô tô

Có đến mới biết, nay nơi Bác Hồ gặp gỡ cán bộ nhân dân trên đảo đã trở thành Nhà lưu niệm với vô vàn những kỷ vật về Bác. Những tấm ảnh, kỷ vật đó là những tư liệu sống động, chân thực nhất về ngày Bác ra thăm đảo.

Có mặt tại đây, tôi cũng may mắn gặp bà Trần Thị Trác, người dân thị trấn Cô Tô - một trong những người trải qua thời khắc thiêng liêng được gặp vị lãnh tụ vỹ đại. Nhắc lại những chuyện về lần gặp Bác, bà bồi hồi bảo, thời điểm đó, khi hay tin Bác về thăm, bà con trên đảo ai cũng bất ngờ.

Người dân từ Cô Tô đến xã Thanh Lân, từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng cầm theo một lá cờ Tổ quốc rồi vội vã đến xếp hàng từ rất sớm để được nhìn thấy Bác. Bà Trác khi ấy là dân quân tự vệ, chịu trách nhiệm bảo vệ vòng ngoài, ổn định trật tự.

Mặc dù rất muốn vào bên trong để được tiếp xúc Bác gần hơn, lắng nghe lời căn dặn của Bác nhưng vì trọng trách nhiệm vụ nên bà chỉ có thể nhìn Bác từ xa. Tuy vậy, cá nhân bà vẫn luôn cảm thấy hết sức tự hào vì mình là một trong số ít người có cơ hội được nhìn thấy Bác.

Cô Tô có nhiều bãi biển đẹp. Bãi Bác Hồ được nhiều người biết đến nhất do gần khu dân cư. Bãi biển dài và sạch sẽ, nhà cửa sầm uất, có chợ, chuỗi cửa hàng, quán xá. Bên bờ biển là một rừng thông xanh mát.

Có con đường lát gạch đỏ dài khoảng 2km chạy men theo bờ cát. Người ta gọi nó với cái tên hết sức thơ mộng là đường tình yêu. Trên con đường này, không chỉ cá nhân tôi mà tất thảy du khách đều có thể dễ dàng chìm trong cảm nhận vừa đi dạo vừa nghe sóng vỗ cùng tiếng rì rào của hàng phi lao hai bên đường.

Các chiến sĩ trên đảo làm lễ chào cờ

Cô Tô đẹp và đang thay da đổi thịt từng ngày. Ở đó, những chiến sĩ của Đồn biên phòng trên hòn đảo xinh đẹp này vẫn ngày ngày thầm lặng hy sinh, thầm lặng cống hiến vì sự yên bình của vùng đảo và của đất nước.

Họ đã gác lại những trăn trở riêng tư và cả những niềm vui tuổi trẻ để vững tay súng, kiên cường bám biển, bám đảo hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Theo quy hoạch du lịch đến năm 2020 tầm nhìn 2030, Cô Tô xác định ngành du lịch dịch vụ sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững. Cô Tô đã và đang từng bước triển khai Ðề án phát triển du lịch Cô Tô bền vững, phát động trong toàn địa phương xây dựng văn hóa, văn minh du lịch.

Trong tương lai, Cô Tô sẽ phát triển thành khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia gắn với khu du lịch sinh thái biển đảo cao cấp Vân Ðồn, trở thành một trọng điểm du lịch trong quần thể du lịch Cát Bà - Hạ Long - Vân Ðồn - Cô Tô - Móng Cái - Trà Cổ với nhiều loại hình du lịch, thể thao và vui chơi giải trí trên biển và trên đảo.

Với họ, tình yêu đất nước và tình yêu gia đình hòa quyện vào nhau, tạo thành sức mạnh kiên cường giúp họ luôn vững vàng như cây phong ba trước muôn trùng bão táp, hiên ngang bảo vệ từng tấc đất, tấc biển quê hương.

Nhắc chuyện này, Trung úy Hồ Ngọc Tùng – Phó đội trưởng Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cô Tô bảo, năm nào cũng vậy, các đồn biên phòng tuyến đảo đều rộn ràng chuẩn bị quà Tết trao bà con.

Tết nơi đảo, nơi địa đầu dường như đến muộn hơn, bởi ngoài kia người lính vẫn đang tuần tra gác biển, ngư dân vẫn vượt sóng ra khơi với hy vọng “lộc biển” đầy thuyền. Đảo nào cũng có hoa đào, nhưng nụ hoa vẫn còn e ấp, chờ những người con của biển trở về đón một mùa xuân ấm áp.

Một điều thú vị là, khác với đào các nơi khác, đào trên đảo khi mới nở có màu hồng, sau đó phai dần, phần cuối cánh hoa có màu tím phớt tạo cho hoa đào có màu sắc rất đặc trưng.

Điểm đặc biệt mà người chơi thích thú hơn cả ở giống đào này không phải nằm ở dáng vẻ cằn cỗi, tự nhiên, thân cành xù xì, cổ kính mà chính điều kiện thời tiết khắc nghiệt vùng biển đảo đã tạo nên cho giống đào nơi đây.

Ngoài ra, khác với đào Nhật Tân, hoa đào nơi này chỉ có 5 cánh, cánh to, dày, chắc, thông thường chỉ rụng nhẹ từ gốc cho đến đầu cành chứ không rụng đồng loạt.

Trở lại câu chuyện bên những người chiến sỹ, với những người lính nơi đây, dù vui xuân mới nhưng tất thảy họ đều không quên nhiệm vụ.

Những người lính biên phòng đảo Cô Tô luôn xác định làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên gới vùng biển đảo, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, chủ động tập luyện các phương án sẵn sàng chiến đấu tại chỗ, thường xuyên tiến hành tuần tra, kiểm soát biển đảo.

Trước khi giã từ, trong hơi xuân chuếnh choáng, một chàng lính trẻ đã vịn vai tôi rồi rỉ rả bảo, không chỉ riêng anh, với tất thảy những người sống trên đảo Cô Tô, khi ngắm nhìn tượng Bác đều như được tiếp thêm sức mạnh để sống, học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sẵn sàng bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất quê hương.

Luyện Đình

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dau-xuan-tham-dao-co-to-86644.html