Đầu Xuân hành thiện-Tiếp nối những hành trình thiện nguyện

Do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn bị hạn chế nhưng không vì thế mà những nhóm thiện nguyện ở Hà Nội dừng hoạt động sẻ chia.

Những ngày đầu năm mới, khi sắc Xuân vẫn tràn ngập trên mọi nẻo đường, nhiều nhóm thiện nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội lại lên kế hoạch tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, san sẻ khó khăn với những mảnh đời kém may mắn hay xây dựng các dự án trường học vùng cao cho trẻ em được cắp sách tới trường, tiếp tục nối dài hành trình thiện nguyện.

Các thành viên nhóm thiện nguyện chia đóng quà vào túi chuẩn bị đi phát cho người vô gia cư.

Các thành viên nhóm thiện nguyện chia đóng quà vào túi chuẩn bị đi phát cho người vô gia cư.

Tối ngày mùng 5 Tết, Vũ Trung Anh, Trưởng nhóm “Ấm” chuyên trợ giúp cho những người vô gia cư cùng 2 thành viên nhóm đến những địa điểm có người vô gia cư đang sinh sống tặng thực phẩm khô. Do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên việc phát quà bị hạn chế. Để kịp thời hỗ trợ khi cần thiết, Vũ Trung Anh cung cấp số điện thoại của mình cho tất cả những người vô gia cư đang được trợ giúp để bất cứ khi nào họ cần, có thể gọi điện và thành viên nhóm sẵn sàng có mặt.

“Đầu năm chúng tôi vẫn phát quà cho người vô gia cư như bình thường. Do tình hình dịch bệnh hiện tại chúng tôi chỉ phát chủ yếu là đồ khô, có thể dùng lâu hơn, khoảng một tuần hoặc đến nửa tháng, phát sinh thêm ngoài đồ khô còn có đồ ăn liền, ruốc để thêm khẩu phần ăn cho họ. Còn thuốc men, nếu họ cần chúng tôi vẫn hỗ trợ, khoảng 1 tuần chúng tôi sẽ tới một lần”, anh Trung Anh cho hay.

Thời gian trước và sau Tết, những người vô gia cư đang sống tại các khu vực như nhà ga, bến xe, khu chợ đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ nhóm "Ấm" và nhóm "Thiện nguyện đêm", đó là những chiếc bánh chưng, phần quà Tết, thuốc men dự phòng lúc ốm đau. Những món quà nhỏ nhưng chứa đựng trong đó là tình cảm và sự sẻ chia của những nhà hảo tâm, những tấm lòng thiện nguyện.

Cũng là hoạt động giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, mỗi tuần 3 lần, nhóm "Cháo mùa thu và những người bạn" nấu hơn 3.000 suất cháo phát miễn phí tại 11 bệnh viện tại Hà Nội. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động phát cháo phải dừng trước Tết. Tuy nhiên, nhóm vẫn duy trì hoạt động phát quà cho những người khuyết tật, những bệnh nhân thực sự khó khăn.

Nhóm thiện nguyện đêm phát quà cho người vô gia cư.

Những ngày đầu Năm mới, nhóm vẫn tiếp tục các hoạt động kinh doanh gây quỹ, kêu gọi tài trợ, tìm đến địa chỉ những gia đình cần giúp đỡ, trao tặng những đồ dùng thiết yếu nhằm giúp họ vơi đi phần nào khó khăn trong cuộc sống.

Chị Thành Thu Lương, Trưởng "Cháo mùa thu và những người bạn" chia sẻ, ước mong của tất cả các thành viên nhóm là dịch bệnh sớm qua mau để mọi người tiếp tục những hoạt động thiện nguyện, bởi khi mang lại niềm vui cho người khác thì đó chính là hạnh phúc của chính mình.

“Đầu năm chúng tôi cũng có kế hoạch là khoảng tháng 3 sẽ đi Sơn La để xây dựng một vài điểm trường nhỏ ở Sơn La và Quảng Bình, hoàn thiện dự án xây nhà chống lũ cho người dân còn đang dở dang. Mong ước lớn nhất của mình là duy trì tất cả các hoạt động từ những năm trước và thêm được nhiều nguồn lực để giúp đỡ cho những địa chỉ nhân đạo”, chị Lương nói.

Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, dù người dân cả nước đang căng mình chống dịch thì những dự án nhằm giúp đỡ những người yếu thế của các nhóm thiện nguyện vẫn tiếp tục duy trì với mong muốn lan tỏa tình yêu thương, giúp cuộc đời này thêm ý nghĩa.

Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng, trưởng nhóm "Tâm Hiểu Thương" chia sẻ, trong một ngày gần đây nhất, nhóm của anh sẽ tiến hành khảo sát một điểm trường tại tỉnh Thái Nguyên, đồng thời vận động các mạnh thường quân, tổ chức đêm nhạc để gây quỹ xây trường.

Nhóm thiện nguyện Mùa thu và Những người bạn tặng quà cho gia đình khó khăn.

Ước mong của anh và các thành viên nhóm là sẽ xây được thật nhiều những cây cầu, những ngôi trường cho trẻ em vùng cao, bởi khi các em có “cái chữ” thì tương lai của các em tươi sáng hơn, cuộc sống nơi ấy sẽ bớt khó khăn hơn.

“Cuộc sống này, có lẽ tài sản trân quý nhất, đó chính là tình thương. Ai cũng mong muốn mình nhận được nhiều tình thương yêu. Khi mình muốn đón nhận thì mình hãy trao gửi tình thương ấy đến cho mọi người. Khi mình càng trao gửi nhiều tình thương thì sẽ đón nhận được nhiều hơn, đặc biệt là cách trao gửi tình thương trong những chương trình thiện nguyện. Nếu mình cứ thấy thua thiệt thì đôi khi sẽ thấy mặc cảm, tự ti, thậm chí thấy chán nản trong cuộc sống này. Vì thế, tôi luôn muốn nói với mọi người là “Làm thiện nguyện-Cho đi chính là mình đang được nhận lại”, anh Sướng bày tỏ.

Ở đâu có tấm lòng thì ở đó có tình yêu thương. Ở đâu có sự sẻ chia thì nơi đó, những người yếu thế, những người nghèo khó cảm nhận được họ không bị bỏ rơi. Bởi vẫn còn rất nhiều người quan tâm, giúp đỡ và đó là động lực, nguồn động viên tinh thần để họ vượt qua những khó khăn, vất vả, vượt qua những nỗi đau để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Rất nhiều hoạt động thiện nguyện của nhiều tổ chức, cá nhân mà chúng tôi không thể kể hết ở đây đang hàng ngày âm thầm lan tỏa trong cộng đồng. “Sẻ chia để nhận về niềm hạnh phúc”, đó chính là suy nghĩ của những người làm thiện nguyện./.

Kim Thanh/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dau-xuan-hanh-thien-tiep-noi-nhung-hanh-trinh-thien-nguyen-837700.vov