Đầu tư vào Triều Tiên, nhiều công ty nước ngoài nuốt trái đắng

Dù các cơ hội làm ăn ở Triều Tiên đang mở ra sau khi Mỹ-Triều đạt được thỏa thuận giải giáp vũ khí hạt nhân, hàng trăm liên doanh đầu tư thất bại trước đây cho thấy Triều Tiên cũng là một trong những điểm đến đầu tư rủi ro nhất thế giới.

Khu công nghiệp liên Triều ở thành phố Kaesong (Triều Tiên) đã đóng cửa từ năm 2016. Ảnh: Reuters

Kinh nghiệm chua chát của Samsung

Với trữ lượng khoáng sản dồi dào, mạng lưới giao thông, cơ sở hạ tầng còn yếu kém và cần nâng cấp, Triều Tiên, đất nước có gần 26 triệu dân, mang lại cơ hội đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài một khi các lệnh trừng phạt đối với nước này được dỡ bỏ. Song nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc từng làm ăn ở Triều Tiên cho rằng các rủi ro từ bất ổn chính trị, hạ tầng yếu kém cho đến tính phức tạp của các lệnh trừng phạt quốc tế, sẽ tiếp tục là những cản trở lớn cho môi trường đầu tư ở bán đảo này.

Hãng tin Reuters ngày 22-6 cho biết, nhiều tháng trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên vào năm 2000, hãng điện tử Samsung Electronics của Hàn Quốc đã đầu tư 730.000 đô la Mỹ vào Trung tâm máy tính Triều Tiên ở thủ đô Bình Nhưỡng, nơi các lập trình viên phát triển trò chơi cờ vua và các công thức món ăn trực tuyến để bán ra bên ngoài thị trường Triều Tiên.

Song rốt cục, Samsung Electronics phải rút khỏi thương vụ này khi quan hệ liên Triều chuyển biến xấu. Năm ngoái, Trung tâm máy tính Triều Tiên bị Mỹ đưa vào danh sách đen với cáo buộc trung tâm này đã hỗ trợ cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Khi các công ty từ Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc một lần nữa tìm kiếm cơ hội rót tiền vào Triều Tiên nhờ các căng thẳng với Bình Nhưỡng đang lắng dịu, thương vụ đổ bể của Samsung Electronics và hàng trăm thương vụ liên doanh thất bại khác của các công ty nước ngoài nhắc nhở họ rằng Triều Tiên là một trong những điểm đến đầu tư rủi ro nhất thế giới.

Samsung Electronics không thể mở rộng kinh doanh ở Triều Tiên, một phần là do các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm nước ngoài giao dịch các sản phẩm sử dụng công nghệ được thiết kế cho mục đích dân sự lẫn quân sự với Triều Tiên.

Dong Yong-sueng, cố vấn chiến lược kinh doanh của Samsung Electronics, nói: “Samsung thậm chí không thể sản xuất lò vi sóng ở Triều Tiên. Tại sao? Đó là vì công nghệ được sử dụng trong lò vi sóng cũng là nền tảng của hệ thống dẫn đường của tên lửa”.

Năm 2010, Samsung Electronics quyết định cắt đứt tất cả các mối quan hệ kinh doanh với Triều Tiên trong các lĩnh vực như phần mềm máy tính, tivi, các mặt hàng điện tử tiêu dùng khác... sau khi Hàn Quốc cáo buộc Bình Nhưỡng dùng ngư lôi đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc ở khu vực biển gần biên giới của hai nước vào tháng 3-2010, làm 46 thủy thủ thiệt mạng. Triều Tiên đã bác bỏ cáo buộc này, xem đây chỉ là một tai nạn đơn thuần và thậm chí còn đề nghị hỗ trợ điều tra nguyên nhân.

Đối mặt nhiều rủi ro không thể kiểm soát

Trung Quốc chiếm đến ¾ trong tổng số 351 liên doanh giữa các công ty nước ngoài với các đối tác Triều Tiên trong giai đoạn 2004-2011. Ảnh: Reuters

Từ năm 1999 đến năm 2004, nhiều công ty Hàn Quốc cung cấp linh kiện tivi cho Samsung Electronics và LG Electronics, đã mở các cơ sở sản xuất ở Bình Nhưỡng để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ tại đây. Park Byung-chan, một doanh nhân, đại diện cho các nhà sản xuất linh kiện tivi Hàn Quốc, cho biết các cơ sở sản xuất ở Bình Nhưỡng ngưng hoạt động sau khi các đối tác Triều Tiên bị sa thải trong một vụ án tham nhũng.

Ngay cả trước khi sự cố này xảy ra, các nhà sản xuất linh kiện tivi Hàn Quốc, cũng chật vật với các chi phí vận chuyển hàng hóa cao vì chỉ có một tuyến đường biển duy nhất để tiếp cận vùng biển phía Tây Triều Tiên.

“Có nhiều rủi ro mà chúng tôi không thể tự kiểm soát”, Park Byung-chan nói với hãng tin Reuters.

Hơn 120 công ty Hàn Quốc từng hoạt động ở khu công nghiệp liên Triều ở thành phố Kaesong (Triều Tiên) nhưng họ đã phải rút hết nhân viên về nước khi khu công nghiệp này bị đóng cửa vào năm 2016 do Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa phóng vệ tinh tầm xa.

Một tài liệu công khai của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã liệt kê 351 liên doanh của nước ngoài với Triều Tiên trong giai đoạn 2004-2011, từ nhà máy sản xuất piano với Áo, đến liên doanh sản xuất áo quần và bia với Hàn Quốc. Các đối tác Trung Quốc chiếm ¾ số liên doanh này.

Song hầu hết các liên doanh này đã phải đóng cửa trước thời điểm tháng 9 năm ngoái khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm tất cả các liên doanh với Triều Tiên để trừng phạt việc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu.

Koryolink là một liên doanh được thành lập vào năm 2008 giữa công ty viễn thông Orascom Telecom (Ai Cập) và Công ty viễn thông và bưu chính Triều Tiên. Orascom Telecom cho biết công ty này chính thức mất quyền kiểm soát 75% cổ phần ở Koryolink vào năm 2015. Dù số thuê bao của Koryolink phát triển nhanh ở Triều Tiên, lên đến con số 3 triệu, Orascom Telecom vẫn đang chật vật tìm cách thu hồi lợi nhuận từ Koryolink, một phần là do các lệnh trừng phạt quốc tế và một phần là do chính phủ Triều Tiên không muốn khoản tiền đó rời khỏi đất nước.

Bài toán con gà và quả trứng

Khi một nền kinh tế bắt đầu mở cửa, các công ty thực phẩm tiêu dùng lớn thường là những nhà đầu tư đầu tiên đặt chân đến đây để giành thị phần. McDonald’s là chuỗi nhà hàng thức nhanh đầu tiên của Mỹ tiến vào thị trường Nga vào năm 1990 và KFC trở thành công ty thực phẩm phương đầu tiên có mặt ở Trung Quốc vào năm 1987.

Tuy nhiên, Cho Nam-chan, giám đốc của nhà hàng McDonald’s đầu tiên ở Hàn Quốc vào năm 1988, cho rằng hạ tầng giao thông còn yếu kém và hệ thống chuỗi cung cấp còn thiếu trầm trọng ở Triều Tiên sẽ khiến cho McDonald’s khó mở nhà hàng đầu tiên ở Triều Tiên.

“McDonald’s cần kiếm tiền ở Triều Tiên nhưng cũng cần bảo đảm rằng nước này có môi trường chính trị ổn định, có các nguồn cung cấp ổn định chẳng hạn như các hệ thống làm lạnh để lưu trữ nguyên liệu thực phẩm và nguồn điện đầy đủ để vận hành mọi thứ của nhà hàng”, Cho Nam-chan nói.

Shin Hye-seong, một lãnh đạo ở Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nhận định tốc độ hợp tác với bên ngoài của Triều Tiên sẽ “không nhanh như chúng ta kỳ vọng” vì các lệnh trừng phạt nước này vẫn chưa được dỡ bỏ. Ông cũng nói rằng các hợp tác thương mại trước đây với Triều Tiên cũng bộc lộ “nhiều vấn đề” và Seoul sẽ cung cấp các bảo đảm mang tính hệ thống cho các công ty Hàn Quốc để khắc phục các vấn đề này.

Viết trên tờ Nikkei Asian Review, học giả cao cấp ở Trung tâm Brent Scowcroft về an ninh quốc tế thuộc tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, Mỹ, cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang đối mặt với bài toán con gà và cái trứng. Ít công ty nước ngoài đầu tư vào Triều Tiên nếu Kim Jong-un không giảm rủi ro chính trị và tạo ra một môi trường đầu tư an toàn với các hợp đồng được bảo đảm thực thi, luật thương mại, các cơ chế giải quyết tranh chấp được ban hành. Tuy nhiên, để làm được như vậy, ông phải từ bỏ vũ khí hạt nhân hoàn toàn, xây dựng một mối quan hệ với Mỹ, chấp nhận để Mỹ mở rộng sự hiện diện thương mại ở Triều Tiên, thậm chí cho phép xây dựng Tháp Trump như ở New York hay cho phép McDonald's thiết lập mạng lưới nhà hàng. Tất nhiên, Kim Jong-un sẽ lo ngại một viễn cảnh như vậy có thể đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.

Đối với Rieh Chong-hun, cựu Giám đốc điều hành ở Tập đoàn điện lực nhà nước Hàn Quốc (KEPCO), các cuộc thảo luận về khả năng hợp tác kinh doanh với Triều Tiên hiện nay rất giống với trước đây. KEPCO là nhà thầu chính của Tổ chức Phát triển năng lượng bán đảo Triều Tiên, được thành lập vào năm 1995 nhằm hỗ trợ xây dựng hai nhà máy hạt điện hạt nhân ở Triều Tiên để đổi lại cam kết xóa bỏ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Dự án trị giá 4,6 tỉ đô này, đã hoàn thành 30% tiến độ xây dựng nhưng bị dừng lại đột ngột vào năm 2006 sau khi Triều Tiên nối lại chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Cho đến nay, Hàn Quốc vẫn chưa thể thu hồi khoản đóng góp 1,1 tỉ đô la cho dự án.

“Câu chuyện hiện nay cũng tương tự như trước đây khi Triều Tiên cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân để được chúng tôi nhất trí xây dựng các lò phản ứng điện hạt nhân”, Rieh Chong-hun nói.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/274233/dau-tu-vao-trieu-tien-nhieu-cong-ty-nuoc-ngoai-nuot-trai-dang.html