Đầu tư vào nhóm cổ phiếu nào khi giãn cách được nới lỏng?

Báo cáo tăng trưởng kinh tế GDP quý 3/2021 của Việt Nam đã tăng trưởng âm 6,17%. Tuy nhiên, hết tháng 9 nhiều địa phương đang quyết tâm nới lỏng giãn cách xã hội, phục hồi kinh tế. Do vậy, nhà đầu tư đón sóng tăng trưởng ở những cổ phiếu nào trong những tháng cuối năm, thông tin từ một số chuyên gia chứng khoán.

Những nhóm ngành phục hồi tích cực quý 4

Mặc dù, GDP quý 3/2021 của Việt Nam đã tăng trưởng âm 6,17%, nhưng Ngân hàng thế giới (WB) vẫn dự báo kinh tế cả năm của Việt Nam tăng trưởng ở mức 4,8% trong năm nay

Theo nhận định của một số chuyên gia chứng khoán tại Công ty chứng khoán SSI, VPS cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong những tháng cuối năm ở một số nhóm ngành. Cụ thể, đầu tư công 9 tháng qua mới giải ngân vốn đạt tỷ lệ hơn 47% so với kế hoạch, trong tổng số 500.000 tỷ đồng kế hoạch năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc vào sáng 28/9, chỉ đạo Chính phủ cùng với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công phấn đấu đạt 87,8% kế hoạch vốn năm, tương đương với trên 400.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy cho những dự án thuộc các ngành xây dựng, vật liệu sắt thép tiếp tục khởi sắc.

Sau khi giá phân bó tạm ngừng tăng trong tháng 8 và đầu tháng 9, đến cuối tháng 9 giá các loại phân bó như Urea, Kali và DAP trên thế giới đang có dấu hiệu tăng trở lại, do đó giá phân bón trong nước có thể tăng theo. Trong khi đó cả miền Bắc và miền Nam đều bước vào vụ sản xuất mới do đó nhu cầu phân bón sẽ tăng cao những tháng cuối năm.

Nếu như các DN trong ngành sản xuất phân bón trong nước sau khi giãn đoạn nguồn nguyên liệu như DAP Lào Cai, DAP Đình Vũ, sau nới lỏng giãn cách xã hội sẽ tích cực sản xuất để cung ứng sản phẩm phân bón trên thị trường.

 Ngành mía đường được SSI nhận định tăng trưởng tích cực trong tương lai. Nguồn SSI.

Ngành mía đường được SSI nhận định tăng trưởng tích cực trong tương lai. Nguồn SSI.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính riêng trong 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới 25/27 thị trường EU với tổng lượng xuất khẩu đạt 104.300 tấn thủy sản, đạt trị giá 485,3 triệu USD, tăng 16% về lượng và tăng 20% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, 9 tháng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn là ngành tăng trưởng khá, với mức tăng 2,74% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 23,52% vào mức tăng GDP chung toàn nền kinh tế.

Những tháng cuối năm châu Âu bước vào mùa mua sắm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao sẽ giúp cho các DN trong ngành thủy sản, nông, lâm nghiệp xuất khẩu mạnh hàng hóa vào khu vực này, cũng như các thị trường khác.

Nhu cầu tiêu dùng trong nước cuối năm cũng sẽ được đẩy lên cao, nhất là các tỉnh thành phố đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh và nới lỏng giãn cách. Do đó, người dân sẽ đẩy mạnh mua sắm sau khi đã bị hạn chế mua sắm trong nhiều tháng qua. Những doanh nghiệm ngành bán lẻ hàng tiêu dùng, may mặc, điện máy, điện tử, gia dụng sẽ thu hút khách.

Cổ phiếu được hưởng lợi nên đầu tư

Theo những phân tích kể trên, chuyên gia tư vấn chứng khoán của SSI cho rằng: Đối với những cổ phiếu ăn theo lĩnh vực đầu tư công như nhóm ngành thép có HPG, HSG. Riêng 8 tháng qua, nhóm ngành thép đã xuất khẩu tăng mạnh 107% so với cùng kỳ, tập trung vào 2 “ông lớn” đầu ngành kể trên. Hay các cổ phiếu ngành xi măng như BBC, HT1, HCT …; cổ phiếu ngành xây dựng đang có những dự án đầu tư công lớn là công trình giao thông, hạ tầng khu công nghiệp.

Theo VPS: Các mã cổ phiếu ngành phân bón dự kiến được hưởng lợi những tháng cuối năm do giá phân bón tăng DAP Đình Vũ, đạm Cà Mau, DAP Lào Cai, với các mã chứng khoán là DDV, DCM, …

Sau nới lỏng giãn cách xã hội, chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước được phục hồi, xuất khẩu gia tăng ở lĩnh vực nông – lâm – thủy sản, cũng như hàng hóa bán lẻ tăng trưởng mạnh trong nước. Do đó các mã ngành chứng khoán được hưởng lợi như MSN của Tập đoàn Masan; VIC, VRE của Vingroup; hoặc các mã khác trong ngành như FRT, PNJ, DGW, MWG …

Biểu đồ phân tích dòng vốn đầu tư vào TTCK. Nguồn SSI.

Giá đường trắng trong nước đã tăng 41% so với đầu năm, cùng với việc đường nhập khẩu giảm 40% so với cùng kỳ trong quý 2. Các công ty sản xuất đường trong nước, là QNS và SLS đạt biên lợi nhuận gộp tăng đáng kể, với QNS tăng 1588 điểm cơ bản, SLS tăng 818 điểm cơ bản, SBT tăng 16 điểm cơ bản. Với giá đường tăng mạnh, các DN đã nghĩ tới việc mở rộng diện tích trồng mía và phát triển của ngành mía đường trong nước trong những năm tới. Do đó các mã chứng khoán kể trên sẽ cho tăng trưởng tích cực.

Các chuỗi hàng hóa trong nước và xuất khẩu được nối lại sẽ giúp cho một số ngành dịch vụ tăng trưởng theo như vận tải và kho bãi, bao gồm cả vận tải đường thủy và vận tải đường bộ, đường sắt. Do đó, cổ phẩn các DN ngành vận tải cảng biển vẫn được đánh giá tăng trưởng tốt những tháng cuối năm, như GMD, HAH, VOS, TCL, DXP, VSC, CDN, SGP, ILB … Khi vận tải phục hồi, giá xăng dầu tăng, kéo theo các mã chứng khoán ngành xăng dầu cũng được hưởng lợi như: GAS, PLX, POW, PVD, PVS, PVT …

Khi nền kinh tế phục hồi sản xuất, kinh doanh thì nhu cầu vốn cho nền kinh tế là không thể thiếu. Do đó, vốn vay qua kênh tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh những tháng cuối năm. Như vậy, các mã cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ tăng trong xu hướng chung của thị trường. Trong đó, SSI đánh giá những cổ phiếu có tăng trưởng tốt như VCB, BID, CTG, TCB, TPB, MBB, STB, ACB, … SSI dự báo nhóm ngân hàng sẽ là 1 trong những nhóm trụ cột dẫn dắt thị trường giai đoạn mở cửa kinh tế xã hội hậu dịch bệnh.

Nhóm ngành dịch vụ tài chính - chứng khoán cũng được nhận định sẽ phục hồi nhờ hưởng lợi khi thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn tăng mạnh, với các mã như SSI, VND, VCI, SHS, HCM.

Nhóm cổ phiếu bất động sản, đây là nhóm ngành nắm giữ tỷ trọng 30% vốn hóa trên thị trường chứng khoán, ngang với nhóm ngân hàng. Đầu tư công cuối năm được đẩy mạnh nhằm xây dựng công trình cơ sở hạ tầng sẽ gián tiếp hỗ trợ giá bán nhà và đất tăng. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất thấp dự báo còn kéo dài qua năm 2022-2023, do đó sẽ hỗ trợ cho các gói vay mua nhà trả góp. Nhờ đó, sẽ thúc đẩy nhóm cổ phiếu ngành bất động sản tăng.

Cùng với đó, bất động sản khu công nghiệp ở Việt Nam hiện cũng đang hưởng lợi lớn với làn sóng đầu tư FDI tăng trong thời gian qua và dự kiến còn tăng mạnh sau khi nền kinh tế được nới lỏng giãn cách. Các mã chứng khoán ngành này như KBC, IDC, ITA, LHG, LDG, NTL …

Điều quan trọng mà các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư là: Nếu những nhà đầu tư có vị thế tài sản lớn nên nắm giữ cổ phiếu có câu chuyện trung và dài hạn. Những nhà đầu tư có vị thế tài sản vừa và nhỏ, nên linh hoạt dòng tiền theo xu hướng đầu tư các cổ phiếu có câu chuyện trung và ngắn hạn.

Thời Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dau-tu-vao-nhom-co-phieu-nao-khi-gian-cach-duoc-noi-long-436444.html