Đầu tư vào cơ sở hạ tầng: Nhà đầu tư cần gì?

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến thời điểm đấu thầu chọn nhà đầu tư tham gia vào dự án đường cao tốc Bắc Nam. Đã có 'ông lớn' hàng đầu thế giới đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội.

Trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: THUẬN THẮNG

Trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: THUẬN THẮNG

Mới đây nhất phải kể đến nhà đầu tư đến từ Trung Quốc là Tập đoàn Thái Bình Dương sang tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, trong đó có dự án đường cao tốc Bắc – Nam.

Theo chia sẻ của ông Nghiêm Giới Hòa - Chủ tịch tập đoàn này, doanh nghiệp rất muốn tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, trong đó có dự án đường cao tốc Bắc Nam, phía Đông và theo hình thức PPP.

Cũng theo đơn vị này, doanh nghiệp sẽ tham gia vào dự án theo hai hình thức:

Một là, EPC (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình), chỉ do một chủ thể thực hiện và chính quyền chỉ cần giám sát chủ thể đó.

Hai là, BTO (Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh) sẽ gắn trách nhiệm của chủ thể trong xây dựng và duy tu; doanh nghiệp muốn không tốn chi phí cho duy tu sau này, có lợi nhuận tốt thì phải đảm bảo chất lượng công trình ngay từ khi thi công.

Đây là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh dự án cao tốc Bắc Nam được cho là không khiến các nhà đầu tư “mặn mà” bởi nhiều yếu tố. Trong đó, có thể kể việc nhà đầu tư e ngại do vốn chủ sở hữu quy định ở mức 20%, tiến độ giải phóng mặt bằng và sự chưa thống nhất của quy định pháp lý. Đây cũng chính là những rủi ro đã được TS Lê Xuân Nghĩa – Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Tài chính Quốc gia chỉ ra khi trao đổi với diễn đàn doanh nghiệp về những “rào cản” khiến nhà đầu tư e ngại.

Theo chia sẻ của ông Phạm Văn Khôi - Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, trước tiên, đó là yếu tố giải phóng mặt bằng. Mặc dù địa phương luôn cam kết “trả” mặt bằng sạch, tuy nhiên chưa có dự án nào được trả mặt bằng đúng thời hạn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ dự án mà còn ảnh hưởng đến các khoản vay trong quá trình thực hiện dự án.

Bên cạnh yếu tố về giải phóng mặt bằng thì mối quan tâm của nhà đầu tư đó là vốn chủ sở hữu bị nâng lên 20%.

Theo chia sẻ của nhà đầu tư, mặc dù quy định này đảm bảo an toàn cho ngân hàng, tuy nhiên lại gây bất lợi cho nhà đầu tư vì nguồn vốn có hạn, chưa kể suất đầu tư vào các dự án hạ tầng lại lớn. Ví dụ, trong trường hợp liên doanh tham gia đầu tư cùng một dự án thì các ngân hàng sẽ không tài trợ vốn do lo ngại sự không đồng lòng giữa các nhà đầu tư.

Đây chỉ là 2 trên rất nhiều ví dụ đã cho thấy, không phải sức hấp dẫn của dự án không có, mà chính những yếu tố về giải phóng mặt bằng, về tính nhất quán trong hoạt động quản lý, suất đầu tư lớn… đang là rào cản khiến các nhà đầu tư nói chung e ngại.

TS Phan Hữu Thắng - Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Để có thể thu hút được các nhà đầu tư lớn vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nói riêng và các nhà đầu tư lớn có thế mạnh về vốn và công nghệ vào đầu tư tại Việt Nam, theo TS Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết: “Không gì bằng sự rõ ràng, minh bạch từ phía doanh nghiệp, cơ quan nhà nước về các thủ tục hành chính”.

Trong đó, TS Phan Hữu Thắng nhấn mạnh tới yếu tố giải phóng mặt bằng. “Trong trường hợp phía cơ quan quản lý nhà nước quy hoạch vùng đất này cho dự án này thì phải công khai một cách rộng rãi, có kế hoạch chuẩn bị, vận động người dân di rời, giải phóng đền bù mặt bằng để giao cho nhà đầu tư đúng hẹn. Hoặc đối với các dự án lớn, địa phương cần báo cáo cơ quan trung ương hoặc Chính phủ thì cần có sự báo cáo sớm, để đến khi cấp phép đầu tư là đã có thể tiến hành triển khai thực hiện cho nhà đầu tư, không phải mất thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính” - TS Phan Hữu Thắng cho biết thêm.

Bên cạnh đó, theo TS Phan Hữu Thắng, các kế hoạch về cấp điện, nước cũng phải rõ ràng, thậm chí là sự chuẩn bị nguồn nhân lực cho dự án, để nhà đầu tư khi nhìn vào họ thấy được lộ trình rõ ràng, để có niềm tin triển khai thực hiện dự án.

Đồng tình với quan điểm này của TS Phan Hữu Thắng, TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, bên cạnh yếu tố về giải phóng mặt bằng thì việc đảm bảo rủi ro lợi nhuận cho nhà đầu tư cũng hết sức quan trọng.

Cụ thể, trong trường hợp, nhà đầu tư tham gia vào dự án theo hình thức PPP, tuy nhiên phía cơ quan quản lý lại quy định mức lợi nhuận cho nhà đầu tư là 14%. Theo các nhà đầu tư, quy định như vậy là không hợp lý.

Bởi, khi đã tham gia đầu tư vào dự án theo mô hình PPP thì nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận luật chơi “lời ăn lỗ chịu”, tuy nhiên Nhà nước lại quy định và khống chế tỷ suất lợi nhuận, khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi, tại sao chỉ được mức lợi suất là 14%? Nếu nhà đầu tư có lợi nhuận 30% thì Nhà nước sẽ thu hồi lợi nhuận? Hay nếu nhà đầu tư chỉ được 10% thôi thì Nhà nước có bù lỗ thêm không?

Về nguyên tắc, khi nhà đầu tư bỏ vốn ra là đã chấp nhận lời ăn lỗ chịu. Nếu trong trường hợp quy định tỷ lệ lợi suất, nhà đầu tư cho rằng nên quy định cao hơn và ở mức 17-18% trở lên.

Ngọc Hà

Bạn đang đọc bài viết Đầu tư vào cơ sở hạ tầng: Nhà đầu tư cần gì? tại chuyên mục Đầu tư của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/dau-tu-vao-co-so-ha-tang-nha-dau-tu-can-gi-146333.html