Đầu tư vào Bắc Cạn thể hiện bản lĩnh của nhà đầu tư

Thủ tướng cho rằng, đầu tư vào một tỉnh còn khó khăn như Bắc Cạn đã thể hiện bản lĩnh của các nhà đầu tư

Sáng 19/11 tại Bắc Cạn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Cạn năm 2017. Cùng dự có Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương; đông đảo doanh nghiệp.

Thủ tướng tham quan một số gian hàng của các doanh nghiệp tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Cạn năm 2017

Là tỉnh miền núi nằm ở vùng Đông Bắc của nước ta, Bắc Cạn có giao thông khá thuận lợi với Hà Nội và các tỉnh lân cận thông qua Quốc lộ 3. Tại hội nghị, ông Lý Thái Hải, Chủ tịch UBND tỉnh, kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào 38 dự án trọng điểm trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.

Thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh chính là quần thể du lịch Vườn quốc gia Ba Bể với tổng diện tích 10.000 ha đã được UNESCO công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Trong đó, Hồ Ba Bể với diện tích khoảng 500ha đã được xếp hạng là di tích đặc biệt quốc gia, và là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên trên núi đá lớn nhất thế giới, đã được Công ty Nikken Nhật Bản tư vấn lập quy hoạch du lịch đến năm 2030. Tỉnh còn có khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn.

Về tiềm năng phát triển nông nghiệp, Bắc Kạn có nhiều giống cây bản địa là đặc sản như cam quýt, hồng không hạt, dong riềng. Tiểu khí hậu của vùng Đông Bắc, với nhiệt độ bình quân năm 23,3 độ C, lượng mưa bình quân trên 1.200 mm/năm rất phù hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Với thế mạnh khoáng sản phong phủ, Bắc Cạn có điều kiện phát triển công nghiệp sản xuất chì kẽm, gang thép, đá xẻ công nghiệp với trữ lượng rất lớn. Ngoài ra, tỉnh có điều kiện phát triển vùng nguyên liệu rừng lớn và công nghiệp chế biến gỗ.

Một số dự án cụ thể tỉnh kêu gọi đầu tư như Dự án đầu tư Quốc lộ 3 mới đoạn tuyến Chợ Mới - Thành phố Bắc Kạn theo hình thức BOT; Dự án đường từ Quân Bình đi Hồ Ba Bể dài khoảng 40km theo hình thức PPP. Các dự án trồng rừng gỗ lớn, chế biến gỗ, nông nghiệp công nghệ cao; trồng và chế biến cây dược liệu; các dự án nghỉ dưỡng, các sản phẩm du lịch, các tua, tuyến du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử...

Để hỗ trợ, đồng hành với nhà đầu tư, tỉnh đặt trọng tâm vào thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh Bắc Kạn. Cùng với đó là dành các ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành cho nhà đầu tư.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến với tỉnh Bắc Cạn và cho rằng, đầu tư vào một tỉnh còn khó khăn như Bắc Cạn đã thể hiện bản lĩnh của các nhà đầu tư.

Thủ tướng cho biết, cách đây gần 70 năm, chính tại Bắc Cạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói những câu bất hủ: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Câu nói đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là đối với người dân và Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Cạn, một tỉnh còn khó khăn.

Thủ tướng nhấn mạnh với tỉnh giàu truyền thống như Bắc Cạn thì cũng phải giàu ý chí vươn lên trong làm ăn kinh tế.

“Một tỉnh kháng chiến như Bắc Cạn ngày nay phải là một tỉnh đổi mới, sáng tạo trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội, là hình mẫu tiên phong về xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Một tỉnh từng là biểu tượng của ý Đảng, lòng dân, niềm tự hào chung của cả nước trong gian khổ kháng chiến, thì ngày nay phải là một tỉnh đoàn kết, trên dưới một lòng, biết tổng động viên nhân dân làm giàu, biết xây dựng niềm tin và quyết tâm của nhà đầu tư, của cộng đồng doanh nghiệp”, Thủ tướng nêu rõ.

Đánh giá về Bắc Cạn hiện nay, Thủ tướng cho rằng, bước đầu tỉnh đã đạt được những thành công trong phát triển kinh tế xã hội. Từ một tỉnh tỷ lệ nghèo thuộc nhóm cao nhất cả nước, nay đã giảm nhanh và vững chắc. Tỷ lệ che phủ rừng của Bắc Cạn cao nhất nước. Tỉnh đã phát triển được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản như dong riềng, quýt, hồng không hạt...

Nhấn mạnh về lợi thế của Bắc Cạn với các nhà đầu tư, Thủ tướng cho rằng, tỉnh có tiềm năng phát triển công nghiệp khai khoáng và vật liệu xây dựng. Trong đó, trữ lượng khoáng sản chì, kẽm đến 25 triệu tấn. Trồng rừng và công nghiệp từ rừng rất có tiềm năng, với hơn 400.000 ha là đất rừng với độ che phủ lớn, có chu kỳ khai thác nhanh. Đây là lợi thế để phát triển công nghiệp chế biến gỗ.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong tất cả các sản phẩm, có sản phẩm gỗ MDF từ gỗ dăm. Ví dụ lãi của Tập đoàn Cao su Việt Nam - lãi nhất của ngành cao su Việt Nam chính là MDF chứ không phải cao su. Tôi rất tiếc chưa có nhà máy MDF được triển khai ở đây. Đặc biệt là thế mạnh du lịch, lấy hồ Ba Bể làm trung tâm. Một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới. Vườn Quốc gia Ba Bể được công nhận là ramsar thứ ba của Việt Nam và đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới”.

Thủ tướng cũng đánh giá, Bắc Cạn với nhiều hang động kỳ vĩ, có thời tiết khí hậu thuận lợi rất phù hợp với phát triển du lịch, nhất là khi kết hợp với các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của các dân tộc khác nhau trên địa bàn.

Trong phát triển nông nghiệp, Thủ tướng đánh giá Bắc Cạn có lợi thế đầu tư vào vào chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi bò.

Nhấn mạnh, giao thông kết nối Bắc Cạn với Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng và sân bay Nội Bài hiện rất thuận lợi, Thủ tướng thông tin đến các nhà đầu tư về việc Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm đến phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh trong thời gian tới.

Thủ tướng cùng lãnh đạo địa phương và các doanh nghiệp dự Hội nghị

Để thu hút đầu tư tốt hơn, Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vốn đang còn thấp. Ngoài hoạt động xúc tiến, tỉnh cần tìm được các doanh nghiệp có năng lực tài chính và quyết tâm cao để xúc tiến đầu tư.

Với một tỉnh còn khó khăn như Bắc Cạn, Thủ tướng lưu ý tỉnh tái thiết lại chính sách trợ cấp, phân bổ nguồn lực theo hướng khuyến khích cải thiện hiệu quả; tập trung đầu tư những dự án và lĩnh vực mà người dân được hưởng lợi nhiều nhất. Trong thu hút đầu tư không gây tổn hại môi trường và hao phí tài nguyên.

Để tạo không gian phát triển lớn hơn, Thủ tướng gợi ý Bắc Cạn tìm kiếm cơ hội kết nối với các địa phương, với chuỗi giá trị, trong đó có việc tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân, kết nối để thúc đẩy phát triển du lịch, công nghiệp.

Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp quan tâm đến Bắc Cạn nói đi đôi với làm, đầu tư vào tỉnh. Tỉnh cần nói không với những nhà đầu tư chủ yếu là khai thác, tàn phá tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường./.

Vũ Dũng/VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/dau-tu-vao-bac-can-the-hien-ban-linh-cua-nha-dau-tu-697437.vov