Đầu tư tu bổ thì lớn, ngày thường di tích lại quạnh hiu

VH- Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) và Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh vừa tổ chức hội thảo 'Kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị di tích tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh'. Đa dạng về loại hình di tích, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở Bắc Ninh có nhiều thành công.

Cột đá chùa Dạm Bắc Ninh chưa được phát huy giá trị

TS.KTS Hoàng Đạo Cương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Bảo tồn di tích cho biết bảo quản, phục hồi di tích là công việc thường xuyên nhưng cho đến nay, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc tìm giải pháp đầu tư, xử lý phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích… Riêng đối với tỉnh Bắc Ninh, là tỉnh có số lượng di tích lớn hàng đầu cả nước, đa phần di tích lại có kết cấu gỗ, rất nhanh xuống cấp nên công tác đầu tư, tu bổ, phục hồi di tích được triển khai khá hiệu quả.

Đều đặn mỗi năm Bắc Ninh có khoảng trên dưới 20 di tích được Nhà nước hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo. Đơn cử như năm 2005 có 19 di tích, năm 2006 có 26 di tích, năm 2007 có 21 di tích được Nhà nước hỗ trợ kinh phí trùng tu tôn tạo. Tính từ giai đoạn 2011 - 2018, Bắc Ninh đã có 214 di tích được Nhà nước đầu tư để trùng tu, tu bổ với kinh phí ước tính khoảng hơn 70 tỉ đồng… Nguồn vốn xã hội hóa cho công tác tu bổ, khôi phục di tích ở Bắc Ninh cũng thu hút tới hàng trăm tỉ đồng, trong đó có một số công trình lớn đã được đầu tư như: Chùa Dạm với các đơn vị đã đầu tư xây dựng khoảng 110 tỉ đồng; Đền, Đình, Chùa Tướng Quốc xã Văn Môn, huyện Yên Phong được đầu tư từ nguồn xã hội hóa lên tới 200 tỉ đồng…

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nhìn nhận: “Khái quát lại các giải pháp tu bổ di tích ở Bắc Ninh trong vài thập niên qua có cơ sở để coi đó vừa là những thành công và vừa là những kinh nghiệm”.

Hệ thống bảo tháp chùa Phật Tích có nhiều giá trị

Nhìn nhận ở góc độ phát huy giá trị di sản, PGS.TS Đặng Văn Bài nhận xét: “Đầu tư thì lớn nhưng nguồn thu kinh tế từ các di sản văn hóa ở Bắc Ninh chưa tương xứng. Nhiều di tích hội hè thì chật chội, đông đúc nhưng ngày thường thì vắng vẻ, đìu hiu”. Bên cạnh đó, nhiều khu di tích ở Bắc Ninh vì không có quy hoạch tổng thể ngay từ đầu nên các hạng mục kiến trúc trong di tích chưa tạo được một hệ thống đồng bộ và hoàn chỉnh. Đơn cử như khu di tích chùa Phật Tích, hệ thống tháp sư tổ có nhiều giá trị nhưng hiện đang bị lãng quên. GS.TS Trương Quốc Bình cũng róng riết nhận định: “Cột đá chạm rồng vờn sóng nước ở chùa Dạm, một trong những di vật hết sức nổi tiếng về giá trị nghệ thuật điêu khắc đặc sắc của văn minh Đại Việt từ hàng nghìn năm trước và mới được công nhận là Bảo vật Quốc gia chưa được quan tâm, bảo vệ trong quá trình triển khai dự án phục hồi chùa Dạm hiện nay”.

Bên cạnh đó, Bắc Ninh có hệ thống di tích khảo cổ cũng hết sức có giá trị nhưng rất khó khăn trong công tác huy động nguồn đầu tư xã hội hóa. Ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa tỉnh Bắc Ninh kiến nghị: “Xây dựng cơ sở dữ liệu 3D toàn diện chùa Dạm, phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu bảo tồn di sản dưới dạng số, sẽ hình thành cơ sở dữ liệu 3D toàn di tích khảo cổ học chùa Dạm”. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đã đề xuất tỉnh Bắc Ninh đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống kịch bản thuyết minh tại các khu di tích. Theo đó, cần nhấn mạnh các giá trị về công tác bảo tồn, phục hồi di tích cũng như nêu những quá trình bảo tồn đó để nhấn mạnh quá trình bảo quản, phục hồi di tích.

PHÚC NGHỆ

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/dau-tu-tu-bo-thi-lon-ngay-thuong-di-tich-lai-quanh-hiu