Đầu tư trường ĐH-CĐ: Nặng kinh doanh, nhẹ chất lượng

Thực trạng phát triển ồ ạt các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) tư ở Việt Nam thời gian qua đang khiến nhiều người lo ngại.

Bởi số lượng các trường tăng quá nhanh trong thời gian ngắn không hẳn là do nhu cầu của xã hội, thậm chí của những người quan tâm đến việc trồng người. Vì thế, quy định mới về điều kiện thành lập trường ĐH-CĐ trong đó có vốn điều lệ, là rất kịp thời nhằm đưa môi trường ĐH-CĐ trở lại quỹ đạo tốt. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo vẫn là vấn đề mà nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại.

Kẻ cần bán, người muốn mua

Giai đoạn 1998-2002, việc thành lập các trường ĐH-CĐ ngoài công lập ở Việt Nam được ví như “trăm hoa đua nở”. Sau giai đoạn này, số trường ĐH-CĐ ngoài công lập thành lập mới không nhiều, rất nhiều trường vì tuyển sinh bết bát, mâu thuẫn nội bộ, tài chính khó khăn nên chủ đầu tư quyết định... bán trường. Chỉ trong vài năm, có hơn chục trường ĐH-CĐ ở khu vực phía Nam đã được sang tên đổi chủ.

Việc nâng cấp hàng loạt trường trung cấp, CĐ trong thời gian vừa qua đã khiến chất lượng đào tạo ĐH-CĐ giảm sút do đầu tư bị phân tán, trong khi các nguồn lực rất hạn hẹp, đặc biệt đội ngũ giảng viên thiếu và yếu. Mặt khác, việc nâng cấp ồ ạt các trường còn làm phá vỡ quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo và quy hoạch đào tạo, dẫn đến việc đội ngũ nhân lực được đào tạo ngày càng mất cân đối.

GS. Nguyễn Minh Đường,
Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực

Thực tế những năm gần đây, việc thành lập mới trường ĐH-CĐ tương đối nhiêu khê, nên nhiều nhà đầu tư săn lùng trường có sẵn để mua lại thay vì xin thành lập mới. Đặc biệt trong giai đoạn 2012-2015, việc mua bán trường ĐH-CĐ diễn ra cấp tập. Đầu tiên phải kể đến Trường ĐH Văn Hiến TPHCM. Sau nhiều năm tuyển sinh bát nháo, nội bộ lủng củng, khiến một nhà đầu tư chiến lược phải thoái vốn. Năm 2013 Trường ĐH Văn Hiến chính thức có nhà đầu tư mới là CTCP Phát triển Hùng Hậu. Theo đó, công ty này cam kết đầu tư 75 tỷ đồng vào Trường ĐH Văn Hiến, trong đó 40 tỷ đồng thoái vốn cho các tổ chức góp vốn trước đó và 35 tỷ đồng cho công sức đóng góp của tập thể cán bộ giảng viên, nhân viên nhà trường. Tuy nhiên, số tiền thực tế để mua lại trường này trên 100 tỷ đồng. Trước khi được bán, những mâu thuẫn nội bộ khiến Trường ĐH Văn Hiến nhiều năm liền không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, toàn bộ cơ sở giảng dạy phải đi thuê mướn.

Một trường hợp đình đám thời gian này là ĐH Hồng Bàng TPHCM cũng gây tổn hao giấy mực. Sau khi “làm mưa làm gió”, tuyển sinh ồ ạt vào những năm 2000, khoảng 10 năm sau việc tuyển sinh và tài chính của Trường ĐH Hồng Bàng không thật sự tốt, phần lớn cơ sở của trường vẫn phải thuê mướn. Và hệ quả xấu là giữa năm 2015, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng chính thức được chuyển giao cho nhà đầu tư mới là Tập đoàn Công nghệ và giáo dục Nguyễn Hoàng. Mức giá nhà đầu tư chi ra để mua trường này khoảng 500 tỷ đồng.

Tại khu vực miền Trung, Trường ĐH Phan Thiết (Bình Thuận) cũng được bán cho một nhóm nhà đầu tư mới với giá khoảng 60 tỷ đồng. Điều đáng nói, những nhà đầu tư này đều có chân trong hội đồng quản trị của ít nhất 1 trường ĐH khác. Trước đó, Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa) được bán lại cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Hay sau nhiều năm gắng gượng, trong năm 2014, các nhà đầu tư của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) phải sang tay cho chủ mới là CTCP Đầu tư phát triển giáo dục Hutech, với mức giá chuyển nhượng gần 200 tỷ đồng. Vào thời điểm đó, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM là trường ngoài công lập có học phí lên đến gần 80 triệu đồng/năm, và hầu như năm nào việc tuyển sinh cũng chưa đạt 50% chỉ tiêu.

Năm 2015, Trường ĐH Quang Trung (Bình Định) chính thức có hội đồng quản trị mới. 5 nhà đầu tư mới, trong đó có người từ một ngân hàng, đã mua lại toàn bộ phần góp vốn của 86 cổ đông trong nhà trường và trở thành chủ trường mới. Song dù thay đổi chủ đầu tư, nhiều năm qua, hầu như năm nào trường cũng tuyển sinh đến nguyện vọng 3 nhưng rất trầy trật, ngay cả khi trường áp dụng điều 33 quy chế tuyển sinh, gia tăng khoảng cách ưu tiên khu vực.

Tối thiểu 1.000 tỷ đồng mới mở trường ĐH

Từ năm 2013, việc thành lập trường ĐH-CĐ ở nước ta được siết chặt theo quyết định của Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ giai đoạn 2006-2020, không thành lập mới các trường ĐH-CĐ tại Hà Nội và TPHCM. Bên cạnh đó, thủ tục cho phép thành lập trường ĐH-CĐ cũng gia tăng các điều kiện bắt buộc, như phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ; vốn điều lệ mức tối thiểu để thành lập trường ĐH tư thục là 250 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với quy định năm 2009.

Mục tiêu đưa ra đối với con số 1.000 tỷ đồng để nâng cao chất lượng chưa thật thuyết phục. Bởi tiền nhiều chưa phải là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn,
Giám đốc Đại học Kinh tế ĐHQG Hà Nội

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định 46 quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó điều kiện thành lập trường ĐH-CĐ có nhiều điểm mới so với trước. Cụ thể, muốn thành lập trường ĐH-CĐ tư thục, tổ chức, cá nhân phải có đề án phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch mạng lưới trường ĐH-CĐ được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nếu trước đây trường ĐH tư thục chỉ cần có vốn điều lệ với mức tối thiểu 250 tỷ đồng (không gồm giá trị đất xây dựng trường) và không quy định về giá trị đầu tư ở thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường, nay nghị định mới nêu rõ trường tư thục phải có đầu tư với mức tối thiểu 1.000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường).

Vốn đầu tư này được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị. Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập, giá trị đầu tư của trường tư thục phải trên 500 tỷ đồng. Các trường ĐH-CĐ chỉ được tổ chức đào tạo khi Thủ tướng có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; có đất đai, cơ sở vật chất, ký túc xá sinh viên, cơ sở phục vụ giáo dục thể chất, có đủ nguồn lực tài chính để đảm bảo hoạt động...

Theo ông Nguyễn Xuân Vang, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo, khi đưa ra con số tối thiểu trên trình Chính phủ, Bộ đã tham khảo thực tế để có cơ sở giáo dục ĐH ở mức vừa phải, đảm bảo chất lượng. Trên thực tế, để mở một trường ĐH mức 1.000 tỷ đồng là rất ít. Những trường có đầu tư nước ngoài được đầu tư tốt tại Việt Nam như Trường ĐH Việt - Đức hay Trường ĐH Khoa học - Công nghệ Hà Nội đều có tổng vốn đầu tư lên tới 200 triệu USD, gấp 4 lần quy định này. Bên cạnh đó, điều kiện tổng số vốn 1.000 tỷ đồng là quá trình đầu tư từ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, phòng thí nghiệm...

Trong khi đó, theo tính toán của ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, với quy định hiện hành 25m2 đất/sinh viên, quy mô 4 khóa gần 4.000 sinh viên cần 10ha đất. Giả sử được cấp đất không phải trả tiền sử dụng, chi phí trả cho việc làm hạ tầng đến chân hàng rào khoảng 5 triệu đồng/m2. Như vậy, riêng chi phí để có 10ha đất sạch có hạ tầng đến chân hàng rào là 500 tỷ đồng, còn phải chi lớn hơn nữa để xây giảng đường, khu làm việc, hội trường, thư viện, phòng thí nghiệm, khu thể thao, ký túc xá, nhà ăn, bãi xe. Như vậy 1.000 tỷ đồng không phải là nhiều.

Đại học Tôn Đức Thắng - mô hình trường đại học công lập tự chủ tài chính thành công.

Chất lượng còn bỏ ngỏ

Đi ngược với xu hướng nâng cấp, thành lập mới các trường ĐH-CĐ tăng nhanh chóng về số lượng, chất lượng đào tạo những năm qua có phần đi xuống. Điều này dẫn đến việc hơn 200.000 cử nhân không xin được việc làm khi tốt nghiệp do chất lượng không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng số lượng trường ĐH-CĐ ở nước ta hiện nay được thành lập quá nhiều, đặc biệt là ĐH công. Bên cạnh đó, có không ít trường trung cấp “đội mũ” CĐ, trường CĐ “đội mũ” ĐH, dẫn đến chất lượng tuyển sinh đầu vào không hiệu quả, gây lãng phí trong việc sử dụng ngân sách cũng như nguồn nhân lực.

Phân tích thực trạng nhiều trường trung cấp, CĐ sau 3-5 năm thành lập đã đua nhau lập đề án xin nâng cấp lên thành CĐ, ĐH, nhiều địa phương ồ ạt xin mở các trường ĐH, nhiều chuyên gia cho rằng trước hết do tâm lý của lãnh đạo các trường muốn có vị thế cao hơn, mặt khác có thể đào tạo đa cấp, tuyển sinh được nhiều đối tượng người học hơn. Các tỉnh cũng muốn địa phương mình có nhiều trường ĐH-CĐ để không thua kém các tỉnh, thành khác. Điểm mấu chốt là với tâm lý sính bằng cấp đã tạo điều kiện để thực trạng này phát triển.

Theo thống kê, hiện nay nước ta có gần 90 trường ĐH-CĐ ngoài công lập, với hơn 13.000 giảng viên và hơn 330.000 sinh viên, chiếm 14% quy mô sinh viên chính quy của cả nước. Ước tính các trường này giảm chi cho ngân sách nhà nước khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng. Nhưng bên cạnh những mặt tích cực, các ĐH-CĐ ngoài công lập còn nhiều hạn chế, như chưa đi vào những vấn đề chiến lược phát triển lâu dài, chưa đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng đào tạo, tạo uy tín. Rất nhiều trường dân lập xảy ra mâu thuẫn nội bộ kéo dài, khiếu kiện vượt cấp làm uy tín nhà trường giảm sút và tuyển sinh ngày một khó…

Thực trạng lạm phát trường ĐH-CĐ trong vòng 10 năm trở lại đây cũng do chủ trương của Nhà nước khuyến khích mở trường, dẫn đến tâm lý thuần lợi nhuận trong hoạt động giáo dục dưới hình thức kinh doanh. Không ít nhà đầu tư cho rằng nếu biết tận dụng những kẽ hở của chính sách và cơ chế xin-cho, việc mở trường ĐH-CĐ có thể thu về siêu lợi nhuận. Một xã hội chuộng bằng cấp là môi trường tốt để các nhà kinh doanh “móc túi” các bậc cha mẹ. Như vậy, Nghị định 46 Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành là chế tài kịp thời và cần thiết để chấn chỉnh hiện tượng kinh doanh hóa ĐH-CĐ, ổn định công tác đào tạo trong môi trường ĐH-CĐ, từ đó cho ra những cử nhân, kỹ sư có trình độ.

Đức Trung

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chu-diem-su-kien/dau-tu-truong-dhcd-nang-kinh-doanh-nhe-chat-luong-52725.html