Đầu tư Trung Quốc tràn khắp châu Phi khiến Mỹ lo ngại

Theo bài phân tích trên trang mạng news24.com của Nam Phi mới đây, Mỹ đã lên tiếng cảnh báo rằng những khoản đầu tư trị giá lớn của Trung Quốc tràn ngập khắp châu Phi đi kèm với các ràng buộc đáng kể.

Đồng tiền giấy mệnh giá 100 nhân dân tệ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Điều này, theo Mỹ, chính là chủ nghĩa thực dân kiểu mới, cụ thể là các khoản đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh nhằm xây dựng các cảng biển, tuyến giao thông và đường sắt sẽ dẫn đến sự lệ thuộc, bóc lột và xâm phạm chủ quyền cơ bản của các quốc gia.

Trong bài phát biểu tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia hôm 8/3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh: “Chúng tôi không hề có ý định ngăn chặn hay kéo tiền đầu tư của Trung Quốc ra khỏi châu Phi.

Những khoản đầu tư đó là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ quan trọng là các quốc gia châu Phi phải cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản đi kèm”. Nhiều quan chức cho biết trong các hợp đồng thường có điều khoản đưa công nhân người Trung Quốc đến lao động tại các công trường xây dựng thay vì thuê mướn nhân công địa phương.

Các công ty Trung Quốc cũng được cho là không tuân thủ luật chống hối lộ và thậm chí còn làm gia tăng nạn tham nhũng vốn đang lan tràn ở "lục địa đen".

Mỹ cho rằng một số nước châu Phi hiện nay đang nợ khoản tiền gấp đôi so với thu nhập kinh tế hàng năm của họ và hầu hết khoản nợ là với Trung Quốc. Ngoại trưởng Djibouti Mahamoud Ali Youssouf ngày 9/3 vừa qua cũng thừa nhận là tổng nợ của nước này lên tới 84% GDP.

Tuy nhiên, phát biểu trong buổi tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ, ông Youssouf nói: “Chúng tôi không lo lắng về điều đó. Không có quốc gia nào có thể tự phát triển mà không có một cơ sở hạ tầng mạnh mẽ. Và từ góc độ đó, Trung Quốc là một đối tác rất tốt”.

Có những lý do rõ ràng giải thích tại sao Mỹ muốn thể hiện bản thân rằng các công ty của Mỹ là một sự lựa chọn thay thế tốt hơn Trung Quốc - đối thủ địa chính trị và kinh tế có tầm ảnh hưởng đang gia tăng ở Mỹ Latinh, châu Âu và Trung Đông.

Tuy nhiên, có một vấn đề mà các nhà chính trị và kinh tế học châu Phi chỉ ra là Trung Quốc, không giống Mỹ, đang xuất hiện tại lục địa này với một “cuốn séc” hào phóng trong tay.

Việc đầu tư vào các nước nghèo và bất ổn thường đi kèm rất nhiều rủi ro, trong khi đó, Trung Quốc thường là nước duy nhất sẵn sàng chấp nhận những nguy cơ này. Hơn thế nữa, các khoản đầu tư của Trung Quốc không đi kèm với các yêu cầu về nhân quyền hay quản trị, điều thường diễn ra trong các thỏa thuận với đối tác từ Mỹ.

Trung Quốc kịch liệt phản bác quan điểm cho rằng các hoạt động của doanh nghiệp nước này tại châu Phi và nhiều khu vực khác mang tính bóc lột. Giới chức nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhấn mạnh sự “hào phóng” của Bắc Kinh là minh chứng cho cam kết đối với sự phát triển kinh tế xã hội cho phần còn lại của thế giới.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp báo hôm 8/3: “Không có ai thống trị và tất cả các bên tham gia đều bình đẳng. Không hề có bí mật, tất cả đều là các hoạt động cởi mở và minh bạch, không có ‘người thắng được tất’ mà tất cả đều nhận được lợi ích và có các kết quả cùng thắng”.

Điều khác cũng đáng báo động không kém đối với Mỹ chính là các hạ tầng quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Tại Djibouti, Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài của nước này dọc theo tuyến đường biển quan trọng nối châu Âu và châu Á.

Kế hoạch "Chuỗi ngọc trai" của Bắc Kinh đòi hỏi việc xây dựng một mạng lưới các cảng biển kéo dài từ Trung Quốc đến Vịnh Ba Tư. Bắc Kinh cũng đang tích cực xây dựng các hòn đảo nhân tạo rồi tiến hành các bước đi hướng tới quân sự hóa chúng trong nỗ lực nhằm mở rộng khả năng kiểm soát của nước này đối với các vùng biển xa.

Căn cứ quân sự mới của Trung Quốc ở Djibouti, một trong những quốc gia đang nợ Bắc Kinh rất nhiều, chỉ cách căn cứ quân sự thường trực của Mỹ tại châu Phi có vài dặm. Mặc dù đó là căn cứ quân sự duy nhất ở châu Phi của Trung Quốc, nhưng Tướng Thomas Waldhauser, người đứng đầu Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ, gần đây dự đoán rằng “sẽ có nhiều hơn nữa" các căn cứ tương tự.

Tại châu Phi, một số tuyến đường do Trung Quốc tài trợ đã bắt đầu xuống cấp và nguyên nhân theo nhận định của Mỹ là do chất lượng xây dựng kém. Tháng 1 vừa qua, tờ Le Monde (Pháp) đưa tin cho biết Trung Quốc đã cài các thiết bị nghe trộm trong trụ sở trị giá 200 triệu USD mà nước này xây dựng cho Liên minh châu Phi vào năm 2012. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc này.

Washington thậm chí còn cho rằng tham vọng của Trung Quốc đang vượt ra khỏi giới hạn của châu Phi. Các công ty Trung Quốc đang xây dựng hoặc cung cấp tài chính cho các nhà máy điện ở Pakistan và Kyrgyzstan, quản lý một cảng biển ở Hy Lạp và triển khai các dự án đường sắt ở Thái Lan và Tajikistan, cùng với các kế hoạch quy mô để tiếp tục mở rộng sang khu vực Mỹ Latinh.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/dau-tu-trung-quoc-tran-khap-chau-phi-khien-my-lo-ngai/79174.html