Đầu tư tiền tỷ biến ý tưởng sáng tạo của HS thành hiện thực

Coi trọng những ý tưởng sáng tạo kỹ thuật của học sinh. Nhà đầu tư có thể rót vốn tiền tỷ để xây dựng điều kiện thực hành trong nhà trường, biến những ý tưởng sáng tạo của học sinh thành hiện thực.

Nhóm học sinh THPT và mô hình ý tưởng "Rào chắn barie tự động an toàn đường sắt”. Ảnh: Thạch Thảo.

Học sinh THCS hào hứng với trải nghiệm sáng tạo. Ảnh: Thạch Thảo.

“Chúng tôi có thể đầu tư từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng vào xưởng trường, để tạo môi trường thực hành cho học sinh. Như vậy học kiến thức trong sách vở xong học sinh có thể thực hành kiến thức ngay tại trường, học sinh có điều kiện đưa ý tưởng sáng tạo vào thực hành.

Việc đầu tư xưởng trường có thể biến những ý tưởng hay thành sản phẩm sử dụng cho chính giáo viên và học sinh trong trường, hoặc đưa ra ngoài xã hội”- Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội) chia sẻ thông tin này tại Ngày hội “Tuổi trẻ sáng tạo”, Tổng kết Hội thi “Chúng tôi trải nghiệm- Chúng tôi sáng tạo” của học sinh Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội vừa diễn ra hôm nay.

Hàng năm Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức Đại hội “Tuổi trẻ sáng tạo” thay cho hoạt động thi học sinh giỏi trước đây- vốn chỉ chủ yếu tập trung thi lý thuyết kiến thức học trong sách vở. Ảnh: Thạch Thảo

Hàng năm Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức Đại hội “Tuổi trẻ sáng tạo” thay cho hoạt động thi học sinh giỏi trước đây- vốn chỉ chủ yếu tập trung thi lý thuyết kiến thức học trong sách vở. Ảnh: Thạch Thảo

“Tuổi trẻ sáng tạo” trở thành hội thi của học sinh giỏi, đại hội của những sáng tạo vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, là nơi học sinh thể hiện ý tưởng sáng tạo về khoa học kỹ thuật.

Nhóm học sinh Vũ Nguyệt Anh, Trần Ngọc Nam, Đặng Hồng Duy (lớp 12) Nguyễn Quang Minh (lớp 10) hào hứng chia sẻ về sản phẩm sáng tạo kỹ thuật. Các học sinh này cho biết để hoàn thiện ý tưởng sáng tạo để tham gia Hội thi đã chiếm khá nhiều thời gian ngoài giờ học chính khóa, nhưng nhóm thiếu niên vẫn quyết tâm thực hiện ý tưởng vì yêu thích.

Các học sinh cho biết gia đình rất ủng hộ, khuyến khích các bạn tìm hiểu và tham gia hội thi sáng tạo kỹ thuật, dù có những hôm học xong chính khóa các bạn tiếp tục ở lại trường để cùng bàn về ý tưởng và hoàn thành sản phẩm.

Trần Ngọc Nam tự tin thay mặt nhóm học sinh thuyết trình sản phẩm của nhóm có tên “Rào chắn barie tự động an toàn đường sắt” trước hàng trăm học sinh, giáo viên và phụ huynh tham dự Đại hội sáng tạo hôm nay. Nam cho biết cả nhóm hoàn thành sản phẩm và đoạt giải Nhất hội thi với sự giúp đỡ thực hiện của thầy giáo dạy Vật lý và giáo viên phòng hỗ trợ học tập. Ảnh: Thạch Thảo.

“Tình trạng tai nạn giao thông đường sắt hiện nay đang là mối lo ngại lớn ở Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu của các tai nạn giao thông đường sắt là do những đoạn giao cắt giữa đường sắt và đường bộ còn nhiều; Việc xóa bỏ lối đi dân sinh còn hạn chế, thiếu kinh phí; Nhân viên làm nhiệm vụ chắn barie ở những địa điểm này không đủ; Có những nơi đoạn giao cắt đường bộ và đường sắt không có rào chắn, hoặc có rào chắn nhưng không có đèn báo...”- Trần Ngọc Nam bày tỏ lý do nhóm học sinh cùng thực hiện ý tưởng sáng tạo rào chắn barie tự động cho an toàn giao thông đường sắt.

Có khoảng 100 ý tưởng của gần 400 học sinh THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tham gia hội thi "Tuổi trẻ sáng tạo" năm nay. Chung cuộc đã chọn ra 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, nhiều giải khuyến khích, giải triển vọng. Ảnh: Thạch Thảo.

Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội thầy Đàm Tiến Nam chia sẻ: “Tất cả các sản phẩm sáng tạo của học sinh đã thể hiện được những điều rất đáng quý. Đó là học sinh đã quan tâm và nói đến các hệ điều hành, các phần mềm, trí tuệ nhân tạo... giúp tự động hóa trong cuộc sống hàng ngày, điều này rất cần thiết với học sinh trong xu hướng của công nghiệp 4.0”.

Tự tin thuyết trình ý tưởng. Ảnh: Thạch Thảo.

Theo thầy Nam, điều tuyệt vời hơn là tất cả các sản phẩm sáng tạo của học sinh đều hướng đến cuộc sống thực tế ngoài sách vở, hướng tới phục vụ con người, phục vụ cộng đồng. Có được những ý tưởng như vậy chứng tỏ học sinh có suy nghĩ, tình cảm muốn làm cho cuộc sống an toàn hơn, đáng sống hơn, tốt đẹp hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa đánh giá: “Có những ý tưởng sáng tạo của học sinh rất hay mà nhà đầu tư có thể rót vốn ngay để ý tưởng thành hiện thực. Ví dụ, với sản phẩm sọt rác thông minh giúp phân loại rác. Tôi thấy rằng học sinh rất thông minh khi nghĩ ra ý tưởng này. Chúng tôi sẵn sàng chào đón học sinh đến Hội đồng quản trị để “chào hàng” ý tưởng sáng tạo của các con”.

Nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội giúp học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm hiểu sản phẩm sáng tạo trong Ngày hội "Tuổi trẻ sáng tạo". Ảnh: Thạch Thảo.

“Nhà đầu tư có thể làm việc với học sinh, cùng các con thực hiện việc sản xuất ra những thùng rác thông minh dùng ngay trong nhà trường. Hội đồng quản trị đang dự định phải đầu tư 100 triệu để thay thế tất cả các thùng rác trong hệ thống giáo dục. Thay vì ra ngoài mua, chúng tôi sẵn sàng đầu tư hàng trăm triệu để cùng học sinh suy nghĩ và hiện thực từ ý tưởng thùng rác thông minh của chính học sinh.

Biến ý tưởng của các con thành những sản phẩm thông minh sử dụng ngay ở trong trường. Hội đồng quản trị quyết tâm đầu tư những việc này, để học sinh thấy rằng ý tưởng sáng tạo hay của các con không chỉ nằm trên giấy”- Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Thạch Thảo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/dau-tu-tien-ty-bien-y-tuong-sang-tao-cua-hs-thanh-hien-thuc-3989874-v.html