Đầu tư tiền tỉ, dân vẫn khát nước sạch

Tại xã Vĩnh Sơn (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị), 2 công trình cấp nước tiền tỉ đưa vào sử dụng chỉ vài năm đã hỏng, khiến người dân bức xúc.

Đài nước ở xóm Mới (thôn Lê Xá) bị hư hỏng - Ảnh: Nguyễn Phúc

Công trình hư hỏng, phải dùng nước giếng

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trong các năm 2011 và 2014, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị) đã đầu tư 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung dạng bơm dẫn cấp nước sạch cho thôn Lê Xá (xã Vĩnh Sơn).

Mỗi công trình có kinh phí đầu tư xấp xỉ 2 tỉ đồng, công suất khai thác 48 m3/ngày đêm. Sau khi tổ chức các lớp tập huấn quản lý, vận hành duy tu, trung tâm giao lại cho UBND xã Vĩnh Sơn quản lý, vận hành 2 công trình lần lượt vào năm 2012 và 2015.

VIDEO: Đầu tư tiền tỉ, dân vẫn khát nước sạch

Người dân ở khu vực lâu nay phải sử dụng nước nhiễm phèn vui mừng khi đón tin 2 công trình hoàn tất. Họ nhanh chóng chi tiền (500.000 - 1 triệu đồng/hộ) để mua ống, đấu nối vào hệ thống cấp nước. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, họ chưng hửng khi... chẳng còn giọt nước sạch nào chảy ra.

Bây giờ, trong suy nghĩ của ông Lê Phước Giáo (63 tuổi, trú thôn Lê Xá), 2 công trình cấp nước đã trở thành cái gai trong mắt người dân và là nỗi đau của địa phương về sự lãng phí. “Tôi đọc trong báo cáo thấy toàn ghi có 80 đến 85% người dân địa phương dùng nước sạch, nhưng thực tế đâu có. Tôi không rõ người ta xây các đài nước này theo công nghệ gì mà “tuổi thọ” rất tệ. Cuối cùng, người dân chúng tôi đành quay lại dùng nước giếng”, ông Giáo ngao ngán.

Người dân tốn tiền đấu nối vào hệ thống cấp nước, nhưng chẳng có nước để sử dụng

Bà Nguyễn Thị Hà (xóm Cây Phượng, thôn Lê Xá) bực dọc: “Biết vậy ngày đó gia đình đừng có bỏ tiền triệu ra bắc đường ống, vì đằng nào chả phải dùng nước giếng”. Trớ trêu hơn, nhiều gia đình đã vội lấp giếng khi thấy đài nước xây dựng xong, giờ phải tốn tiền đào lại giếng.

Tỉnh đề nghị xã tìm kinh phí sửa chữa !

Ông Hồ Sĩ Tài, cán bộ văn hóa xã Vĩnh Sơn, cho biết đang phải chịu đựng chung với người dân Lê Xá về sự lãng phí này. “Đây là công trình chìa khóa trao tay, nên xã với thôn chỉ được tham gia quản lý khi công trình đã bàn giao. Công trình hư hỏng, bà con kiến nghị nhiều lần từ thôn lên xã, từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh. Mấy năm gần đây, hễ có tiếp xúc cử tri là có nói chuyện nước sạch. Nhưng vấn đề vẫn không được giải quyết”, ông Tài nói.

Ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, cho biết chính quyền địa phương nghe người dân ta thán nhiều, nhưng cấp xã cũng chỉ biết “kính chuyển” lên trên và mong được sớm giải quyết để người dân có nước sạch.

Trong văn bản trả lời ý kiến cử tri H.Vĩnh Linh ngày 20.4, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết công trình không hoạt động do hệ thống điện, hệ thống động lực trong trạm bơm cấp nước “sử dụng lâu ngày không được bảo trì, bảo dưỡng nên bị hư hỏng”. Theo sở này, để công trình hoạt động trở lại cần có kinh phí nhưng hiện vẫn đang kêu gọi, nên trước mắt đề nghị… ngược lại UBND xã nghiên cứu sử dụng nguồn vốn mục tiêu quốc gia nông thôn mới hằng năm của xã để sửa chữa.

Tại thôn Sa Nam (xã Vĩnh Long) gần đó, từ năm 2010 Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Trị cũng đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt công suất 49 m3/ngày đêm, kinh phí 2,5 tỉ đồng. Nhưng đến tháng 4.2014, công trình phải dừng hoạt động, theo Sở NN-PTNT do hạn hán, nguồn nước suy giảm, các tuyến ống hư hỏng…

Nguyễn Phúc

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/dau-tu-tien-ti-dan-van-khat-nuoc-sach-957290.html