Đầu tư tiền ảo, từ hiểu biết công nghệ đến rủi ro pháp lý

Hiện tại thị trường tiền ảo ở Việt Nam thu hút rất nhiều người quan tâm và đầu tư, nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả gia tài hàng tỷ đồng để đầu tư tiền ảo nhưng độ hiểu biết về các loại tiền ảo cũng như các rủi ro pháp lý và công nghệ lại chưa lường trước được.

Thị trường tiền ảo ở Việt Nam thu hút nhiều người quan tâm. Ảnh: minh họa

Thị trường tiền ảo ở Việt Nam thu hút nhiều người quan tâm. Ảnh: minh họa

Ngày 18-5-2020, tại địa điểm gần trạm thu phí ở cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa bàn Đồng Nai xuất hiện một nhóm người đã tổ chức bắt cóc cả gia đình ông Lê Đức Nguyên (tên thường biết đến là Lucas, sinh năm 1988, quê Bình Định, trú tại quận 2). Ông Nguyên nổi tiếng trong giới kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam và nằm trong top những người giàu trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên diễn biến sau đó theo chiều hướng là một vụ cướp, khi nhóm người này đã dùng súng, kim tiêm dính máu để đe dọa, buộc ông Nguyên khai báo tài khoản ví điện tử để thực hiện thao tác chuyển 4 loại tiền ảo, có tổng giá trị quy đổi là 35 tỷ đồng sang tài khoản của họ (theo https://vietnamnet.vn/). Đây là một ví dụ điển hình về xung đột pháp lý người đầu tư tự xử lý với nhau về những vấn đề phát sinh trong quá trình đầu tư tiền ảo chưa được pháp luật công nhận và chưa có luật để điều chỉnh.

Theo góc độ pháp lý, tiền ảo theo định nghĩa của Cơ quan Giám sát Ngân hàng châu Âu (EBA), tiền ảo không phải một đơn vị tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương hoặc cơ quan công quyền phát hành, cũng không nhất thiết phải gắn liền với tiền pháp định. Tiền ảo được nhóm, cộng đồng cụ thể chấp nhận làm phương tiện thanh toán và có thể chuyển nhượng, lưu trữ hoặc giao dịch điện tử. Nhưng theo hiểu biết của nhà đầu tư đơn giản hơn rất dễ nhầm lẫn tiền ảo là tiền điện tử, được cơ quan tổ chức chính phủ nước nào đó đứng ra bảo đảm. Khi người đầu tư không nắm rõ bản chất còn bị các cò mồi của các sàn giao dịch tiền ảo tung hỏa mù "tiền này do nhà nước này đảm bảo, nhà nước kia quản lý, sàn giao dịch tiền ảo của bọn em là uy tín nhất Việt Nam", thậm chí mang tầm quốc tế. Cộng với giá trị lợi nhuận nhìn thấy trước mắt. Ngày hôm nay xuống tiền ngày mai giá tiền ảo tăng vọt lên lợi nhuận trong tầm tay.

Bị ảnh hưởng tâm lý đám đông ùa theo mà kịch bản được giàn dựng bởi nhóm thủ lĩnh đa cấp biến hình từ buôn bán thực phẩm chức năng, nồi niêu xong chảo, máy lọc nước sang sàn tiền ảo thì nhà đầu tư sẽ bị hoa mắt chóng mặt để có nhận định chính xác đồng tiền mình đầu tư là đồng tiền gì, do ai phát hành, hình thức đầu tư thế nào, sàn giao dịch có đủ độ uy tín không. Vì tiền ảo chưa được pháp luật chấp nhận thì không có cơ sở định giá giá trị đồng tiền ảo nên có thể phát sinh thêm một số rủi ro pháp lý cho các chủ đầu tư tiền ảo như sau. Khi người đầu tư A bán tiền cho người đầu tư B, người B đã chuyển tiền cho người A nhưng A không chịu chuyển tiền cho B. A lấy lý do đã chuyển khoản nhưng tài khoản bị lỗi quá trình chuyển tiền không đến được đích nhưng tài khoản của A đã bị trừ tiền rồi. Hiện tại tài khoản của A đang bị khóa không truy cập được. Rủi ro cho B là rất lớn. Một ví dụ khác khi nhà đầu tư B bị lộ tài khoản và bị A lấy được và chuyển khoản tài khoản tiền ảo chiếm đoạt cơ sở pháp lý xử lý A cũng gặp khó khăn. Một rủi ro khác nữa khi sàn giao dịch tiền ảo bị đánh sập mọi nghi ngờ đổ dồn về chủ sàn giao dịch nhưng cơ sở pháp lý làm rõ chủ sàn giao dịch cũng rất khó khăn.

Trở lại với vụ cướp 35 tỷ ở trên, tại nhiều dự án sàn tiền ảo trên mạng theo dạng đa cấp, ông Nguyên tham gia với vai trò là thủ lĩnh của một số nhóm, nhưng ít bao giờ lộ mặt vai trò này. Một số sàn tiền ảo điển hình như: Bitkingdom, Pincoin, Ifan… Ông Nguyên thường xuất hiện với tư cách là diễn giả tại các buổi thuyết trình về kinh doanh tiền ảo.

Giai đoạn đầu năm 2018, ông Nguyên nói là có bàn bạc phía đối tác nước ngoài, đưa một loại tiền ảo mới, có tên là Pincoin về Việt Nam, rủ nhiều người cùng tham gia xây dựng thương hiệu, thu hút người chơi. Do đó, nhiều người đã đầu tư tiền, thậm chí là đã vay mượn, cầm cố để tham gia. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn thì “sập sàn”, tiền tỷ của nhiều người đã một đi không trở lại. Ông Nguyên và nhiều thủ lĩnh của sàn tiền ảo này cũng biến mất. Rất nhiều nhà đầu tư lâm vào cảnh khốn cùng, mất tiền, mất nhà… bị truy đòi nợ ngày đêm.

Được biết, đến nay có rất nhiều người ở nhiều tỉnh, thành khác nhau đang chuẩn bị gửi đơn đến Bộ Công an, Công an thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành để tố cáo ông Lê Đức Nguyên cũng như những thủ lĩnh của tiền ảo Pincoin. Họ nghi vấn, ông Nguyên cùng một số người tự lập ra sàn tiền ảo Pincoin, chứ không hẳn là lấy từ nước ngoài về. (theo https://vietnamnet.vn/).

Qua bài viết này tác giả mong những nhà đầu tư tiền ảo hãy tỉnh táo suy nghĩ về Nguyên tắc đánh đổi rủi ro và lợi nhuận (tiếng Anh: Risk return trade off). Khi bạn bỏ tiền ra đầu tư rất dễ, lãi suất lợi nhuận cao có thế nhìn thấy được nhưng kèm theo đó luôn có độ rủi ro đi kèm. Đặc biệt với những loại hình đầu tư tiền ảo chưa được pháp luật công nhận thì độ rủi ro càng rất lớn.

Sĩ Quang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dau-tu-tien-ao-tu-hieu-biet-cong-nghe-den-rui-ro-phap-ly-post430181.html