Đầu tư thêm cho đào tạo học sinh sau phân luồng THCS

Năm 2018, Nguyễn Văn Huy cùng 2 người bạn cùng quê ở Bình Định quyết định vào Trường cao đẳng nghề Hòa Bình Xuân Lộc (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) để học nghề kết hợp học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên. Cả 3 em đều chọn học ngành công nghệ ô tô vì biết rằng thị trường đang rất cần nhân lực ngành này. Tuy nhiên, cả 3 đều không đạt được nguyện vọng do không đủ điểm đầu vào.

Học sinh lớp trung cấp điện tử, Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi trong giờ học lý thuyết. Ảnh: T. Vi

Học sinh lớp trung cấp điện tử, Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi trong giờ học lý thuyết. Ảnh: T. Vi

Nếu như những năm trước đây, các trường trung cấp, cao đẳng đều phải tuyển sinh theo kiểu “vơ bèo gạt tép” để đủ chỉ tiêu tuyển sinh thì trong 3 năm trở lại đây, các trường đã đặt ra chỉ tiêu tuyển sinh gắt gao hơn. Chẳng hạn, với ngành công nghệ ô tô nêu trên, học sinh phải đạt học lực trung bình khá trở lên, điểm các môn Toán - Lý - Hóa phải trên 6 và thậm chí nhà trường sẽ kiểm tra đầu vào với những môn này. Đây đang là xu hướng tuyển sinh chung của các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Với sự chuyển biến tích cực của công tác phân luồng học sinh sau THCS, ngày càng có nhiều học sinh lựa chọn các trường nghề sau khi học xong lớp 9. Cùng với đó, phạm vi tuyển sinh ở các trường trung cấp, cao đẳng mở rộng trên toàn quốc khiến cuộc “chạy đua” vào trường nghề bắt đầu có tính cạnh tranh.

Cuối tháng 8, nhiều học sinh “ôm” hồ sơ đến các trường cao đẳng để đăng ký học trung cấp nhưng đã nhận được cái lắc đầu từ phía nhà trường. Dù nhu cầu của học sinh vẫn còn nhưng các trường không dám tuyển sinh nữa. Nguyên nhân chính của những lời từ chối này không phải vì các trường lo vượt chỉ tiêu mà do không đáp ứng được các điều kiện đào tạo. Theo đó, nếu số lượng học sinh tiếp tục “nở” ra thì các trường phải đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề - thực hành, tăng đội ngũ giáo viên… mà những điều này không dễ gì giải quyết nhanh chóng được. Vì thế, cách giải quyết tình huống tốt nhất là từ chối nhận hồ sơ.

Tháng 6-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025. Một trong những mục tiêu mà đề án đặt ra là: phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh tiếp tục làm tốt công tác định hướng phân luồng thì việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên… cũng là điều cần phải lưu tâm.

Tường Vi

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201909/cau-chuyen-giao-duc-dau-tu-them-cho-dao-tao-hoc-sinh-sau-phan-luong-thcs-2964381/