Đầu tư sớm 9 km đường vành đai 3 TP.HCM đoạn Nhơn Trạch – Tân Vạn

Bộ GTVT vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai trước Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 do Hàn Quốc tài trợ

Dự án thành phần 1A có điểm đầu giao cắt với Tỉnh lộ 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (Km5+000); điểm cuối: Giao cắt với đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây

Được biết, Dự án thành phần 1A có điểm đầu giao cắt với Tỉnh lộ 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (Km5+000); điểm cuối: Giao cắt với đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây thuộc địa phận quận 9, TP. HCM (Km13+750). Tổng chiều dài tuyến khoảng 8,75km, gồm 6,3km đi trên địa phận tỉnh Đồng Nai (từ Km5+000 đến Km11+300) và 2,45km đi trên địa phận thành phố Hồ Chí Minh (từ Km11+300 đến Km13+750).

Đây là một trong 2 phân đoạn của Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn I có tổng mức đầu tư 9.260,70 nghìn tỷ đồng, tương đương 423,06 triệu USD. Dự kiến Dự án thành phần 1A sẽ vay vốn ODA từ Quỹ EDCF của Chính phủ Hàn Quốc (qua Ngân hàng Keximbank). Nhà đầu tư (Hàn Quốc hoặc liên danh/ liên doanh Hàn Quốc và Việt Nam) sẽ đầu tư Dự án thành phần 1B và vận hành, bảo trì, thu phí trên cả 2 dự án thành phần.

Từ tháng 5-6/2016, đơn vị chuẩn bị Dự án là Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, có 6 nhà đầu tư mua hồ sơ, tuy nhiên đến hạn nộp hồ sơ, không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự sơ tuyển.

Bộ GTVT đã nhiều lần làm việc với các bộ, ngành liên quan về cơ chế bảo lãnh theo thông lệ quốc tế nhưng đều không thống nhất được và vượt thẩm quyền của các bộ, ngành. Cơ chế này cũng không được Chính phủ chấp thuận để kiến nghị Quốc hội khi trình Đề án cao tốc Bắc – Nam. Như vậy, việc triển khai Dự án thành phần 1B có sự tham gia của nhà đầu tư Hàn Quốc song song với tiến độ Dự án thành phần 1A chưa thể thực hiện được.

Trước bối cảnh ùn tắc giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh ngày càng trầm trọng, để triển khai sớm Dự án thành phần 1A, vào cuối tháng 2/2017, Bộ GTVT đã có văn bản số 1985/BGTVT-KHĐT gửi Keximbank đề nghị chấp thuận triển khai trước Dự án thành phần 1A.

Được biết, cả điểm đầu và điểm cuối của Dự án thành phần 1A đều là 2 đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực. Điểm đầu là đầu mối tiếp nhận lượng hàng rất lớn đi và đến khu công nghiệp Nhơn Trạch (nơi có hơn 200 doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc và một số quốc gia khác đang hoạt động) và điểm cuối nối thông với đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Việc nối thông hai điểm này sẽ rút ngắn 21km và 30 phút vận tải luồng hàng đi và đến từ TP. HCM và vùng kinh tế phía Tây Nam Bộ thông qua đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây tới đại lộ Đông – Tây, Vành đai 2 và đi tiếp về phía cửa khẩu Mộc Bài. Qua tính toán cho thấy, nếu Dự án thành phần 1B chưa đầu tư thì lưu lượng giao thông qua Dự án thành phần 1A sẽ giảm khoảng 30% do chưa kết nối được với xa lộ Hà Nội tại nút giao thông Thủ Đức.

Từ năm 2010 đến nay, Bộ GTVT đã nhận được nhiều văn bản kiến nghị của Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TP. HCM kiến nghị sớm đầu tư kết nối đoạn nối từ Nhơn Trạch đến đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây (Dự án thành phần 1A) nhằm giải quyết khó khăn trong việc di chuyển, vận tải hàng hóa từ Nhơn Trạch đến TP. HCM do tắc nghẽn thường xuyên trên Quốc lộ 51, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ở khu công nghiệp Nhơn Trạch.

Như vậy, việc triển khai trước Dự án thành phần 1A vẫn mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần giảm ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 51 hiện nay.

“Do đó, Bộ GTVT đề nghị Keximbank chấp thuận sử dụng khoản vay ODA trị giá 191 triệu USD của Hàn Quốc để đầu tư trước Dự án thành phần 1A. Đối với Dự án thành phần 1B, phía Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu cơ chế đầu tư phù hợp để trao đổi với phía Hàn Quốc”, Bộ GTVT cho biết.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-tu-som-9-km-duong-vanh-dai-3-tphcm-doan-nhon-trach--tan-van-d69114.html