Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng mạnh

Hệ thống thương mại tự do tương đối lớn cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan thấp, điều này rất có sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Theo báo VOV, thương mại Việt Nam nằm trong vòng quay và ảnh hưởng trực tiếp của những xung đột thương mại giữa các nước lớn. Những hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với các nước và khu vực trên thế giới sẽ giúp thương mại Việt Nam giảm thiểu những ảnh hưởng và tiếp tục phát triển, để thương mại tiếp tục là một trong những động lực chính của nền kinh tế.

Ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu đã thông qua Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), được khởi động đàm phán từ tháng 6/2012. Ủy ban châu Âu nhất trí trình lên Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu phê chuẩn hiệp định này. Theo kế hoạch, EVFTA sẽ được Nghị viện châu Âu thông qua vào đầu năm 2019, sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam và EU sẽ phân giai đoạn xóa bỏ 99% thuế quan hàng hóa.

Đây là lần đầu tiên EU mở cửa thị trường toàn diện cho một quốc gia đang phát triển ở châu Á, cũng là hiệp định thương mại tự do thứ 12 mà Việt Nam chính thức tham gia, đánh dấu Việt Nam có bước tiến thực sự trong tiến trình hội nhập thị trường các nước phát triển thậm chí kinh tế toàn cầu.

Ông lớn Nhật Bản liên tiếp đầu tư để nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Dược Hậu Giang. Ảnh: VTC News

Việt Nam đã lần lượt tham gia 16 FTA, trong đó có 10 FTA đã chính thức có hiệu lực, 2 FTA đang trong quá trình chờ các nước thành viên phê chuẩn và 4 FTA đang trong quá trình đàm phán. Những nền kinh tế đang có quan hệ hiệp định thương mại tự do với Việt Nam gồm các quốc gia hoặc khu vực lớn trên thế giới như các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, EU, liên minh Á-Âu…

Đây là các đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 60-70% quy mô ngoại thương của Việt Nam. Sau một thời gian dài xây dựng, Việt Nam đã hình thành hệ thống thương mại tự do tương đối lớn và hoàn thiện.

Việc ký kết FTA có thể thay đổi cục diện nhập siêu thương mại ở chừng mực nhất định. Ngoài ra, cùng với việc giảm bớt các rào cản thuế quan, FTA cũng tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu, gián tiếp có lợi cho việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các ngành nghề liên quan của Việt Nam.

Việt Nam có thể trở thành đối tượng trọng điểm mới của đầu tư quốc tế. Việt Nam có ưu thế lớn hơn Trung Quốc trong phương diện giá thành sức lao động. Hệ thống thương mại tự do tương đối lớn cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan thấp, điều này rất có sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Theo báo Tri thức trực tuyến, ngân hàng và đặc biệt là dược phẩm sẽ là những lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài khi các doanh nghiệp quốc doanh tìm cách thoái vốn, theo Roy Forney, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Dezan Shira & Associates.

Forney cho rằng thu nhập tăng làm nhiều người dân Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sức khỏe, qua đó thúc đẩy sự sự tăng trưởng của ngành dược phẩm. Luật hiện tại cấm các doanh nghiệp ngoại tự phân phối dược phẩm và những thương vụ M&A với các công ty Việt Nam là lời giải cho bài toán thâm nhập thị trường của họ.

Một nguồn tin thân cận với các hoạt động M&A của Nikkei cho biết nhà sản xuất thuốc Renova Global của Ấn Độ đang tìm kiếm các cơ hội tại thị trường Việt Nam. Renova đã có văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP.HCM và đang muốn mở rộng thêm hoạt động của mình.

Trong khi đó, công ty dược đến từ Nhật Bản Taisho đã sớm nhận ra tiềm năng của thị trường Việt Nam. Năm 2016, Taisho mua lại 24,5% cổ phần của Dược Hậu Giang và vừa nâng tỷ lệ sở hữu lên 32% vào tháng 8. Theo Nikkei, công ty của Nhật đã lên kế hoạch để tiếp tục mua thêm 2,3% cổ phần của Dược Hậu Giang.

Theo Công ty kiểm toán Ernst & Young, tốc độ tăng trưởng nhanh của thương mại điện tử nói riêng và các ngành kinh doanh công nghệ nói chung có thể khiến nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm hơn đến lĩnh vực logistics của Việt Nam.

Việt Nam vẫn là một thị trường xa lạ với nhiều công ty của Mỹ và châu Âu tuy nhiên điều này sẽ sớm thay đổi trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang khiến ngày một nhiều doanh nghiệp sản xuất muốn tháo chạy khỏi Trung Quốc. Chi phí nhân công tăng lên cũng là một điểm trừ trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài với quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang trở thành điểm đến tiếp theo của các doanh nghiệp này.

Hồng Minh (Tổng hợp)

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/dau-tu-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-se-tang-manh-108230