Đầu tư nước ngoài đồng hành cùng khát vọng Việt Nam

Gần 35 năm đổi mới, khu vực đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã đóng góp không nhỏ vào thành quả phát triển của đất nước. Khu vực ĐTNN là bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và khát vọng Việt Nam thịnh vượng trong 25 năm tới, chắc chắn sẽ cần sự chung tay của khu vực ĐTNN.

Với những đóng góp của mình, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Việt Hưng

Với những đóng góp của mình, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Việt Hưng

Hơn 30 năm đồng hành

Ngày 29/12/1987, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đầu tiên tại Việt Nam, đây được coi là bước đi chiến lược, kịp thời và thông minh khi Việt Nam bắt đầu chính sách đổi mới chỉ trước đó một năm - 1986.

Nhìn lại hơn 30 năm qua, những thành quả của Đổi mới, trong đó có đóng góp của ĐTNN thật to lớn. Việt Nam từ một quốc gia nghèo (GDP đầu người 1989 là 100 USD) đến nay đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình (GDP đầu người năm 2019 đạt gần 2.800 USD), một quốc gia có tốc độ hội nhập ấn tượng. Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược của các quốc gia lớn, có tiếng nói quan trọng trong Liên hợp quốc, có vị thế trong khu vực và thế giới.

Năm 2019, thu hút FDI là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, với con số 38,02 tỷ USD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 20,38 tỷ USD. Lũy kế đến nay đã có hơn 200 tỷ USD vốn FDI đổ vào nền kinh tế, đóng góp nguồn vốn rất quan trọng cho tăng trưởng, phát triển, bù lấp rất nhiều thiếu hụt về nguồn lực. Không những thế, đây còn là nguồn vốn có chất lượng và hiệu quả. Trong những năm gần đây, khu vực ĐTNN chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu khoảng 30 tỷ USD mỗi năm, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ nhập siêu. Đóng góp thu ngân sách của khu vực ĐTNN không hề thua kém các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh những kết quả có thể định lượng, còn có nhiều tác động lan tỏa khi dòng vốn FDI kéo theo sự nhập cuộc tích cực của các thành phần kinh tế khác; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. ĐTNN vừa là thành quả của hội nhập, vừa góp phần quan trọng phát triển hội nhập có chiều sâu hơn. ĐTNN vừa là thành quả của hội nhập, vừa góp phần quan trọng phát triển hội nhập có chiều sâu hơn. ĐTNN đã trực tiếp và gián tiếp góp phần chuyển giao và phát triển công nghệ, tham gia và thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn có sản phẩm hàm lượng công nghệ cao đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... đã đầu tư vào Việt Nam. Điển hình là Samsung với mục tiêu xây dựng cứ điểm lớn nhất thế giới của Tập đoàn đã xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển lớn với 2.000 kỹ sư tuyển dụng tại Việt Nam là điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu và phát triển công nghệ.

Nhiều doanh nghiệp Việt đã hưởng lợi trực tiếp khi cùng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp FDI, tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Trong ba năm gần đây, gần 100 doanh nghiệp Việt Nam trở thành doanh nghiệp phụ trợ của Samsung là những tín hiệu đáng khích lệ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định: “ĐTNN luôn song hành với sự nghiệp Đổi mới và là sự cụ thể hóa sinh động chủ trương mở cửa của đất nước. Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đã trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam”.

Đặc biệt, trong năm 2019, lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết về ĐTNN - Nghị quyết số 50-NQ/TW về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả ĐTNN đến năm 2030 (NQ 50). Đây là một nghị quyết hết sức quan trọng và kịp thời, đủ thấy vị thế của ĐTNN sau 32 năm phát triển.

Cùng hiện thực hóa khát vọng Việt Nam

NQ 50 đã xác định khu vực kinh tế có vốn ĐTNN là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Một số mục tiêu cụ thể được đề ra tại NQ 50 là vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD (40 - 50 tỷ USD/năm). Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỷ USD (20 - 30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm). Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018. Tỷ lệ nội địa hóa tăng từ 20 - 25% hiện nay lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030...

Nếu những mục tiêu này đạt được, nguồn vốn ĐTNN sẽ tiếp tục đóng góp rất lớn vào việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025.

Tuy nhiên, để ĐTNN có thể tiếp tục đồng hành, đóng góp thiết thực hơn cho nền kinh tế đất nước trong giai đoạn mới, khi Việt Nam đã ở một vị thế mới trong bản đồ kinh tế, chính trị thế giới, thì ĐTNN cần thiết phải được đánh giá, định vị lại. Từ đó chuyển sang một giai đoạn thu hút mới, với tư duy mới, yêu cầu mới và định hướng mới trên cơ sở phát huy mạnh mẽ những thành công, khai thác các tiềm năng và khắc phục tồn tại.

Sự đổi mới tư duy về thu hút ĐTNN đã được thể hiện rất rõ trong mục tiêu của NQ 50, đó là chất lượng và hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu và định hướng phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam. Theo tinh thần đó, hệ thống thể chế chính sách về ĐTNN sẽ được hoàn thiện như: chính sách thu hút ĐTNN, chính sách bảo hộ và trách nhiệm của nhà đầu tư, chính sách quản lý, giám sát nhà đầu tư, đổi mới nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ĐTNN.

Đồng thời, cần nhận diện những điểm yếu của ĐTNN và nguyên nhân chủ quan, khách quan trong thời gian qua để có những giải pháp đổi mới thể chế, chính sách phù hợp.

Nội dung NQ 50 rất toàn diện và đồng bộ, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Căn cứ tinh thần của NQ 50, trước mắt cần tìm rõ nguyên nhân, giải pháp đồng bộ, tháo gỡ những nút thắt của ĐTNN thời gian qua, tạo bước đột phá, đưa hoạt động ĐTNN vào quỹ đạo phát triển mới. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ, phải làm sao thu hút được các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam.

Kế thừa thành quả của hơn 32 năm ĐTNN tại Việt Nam, với quyết tâm đổi mới và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, người dân, ĐTNN sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, tiếp tục đồng hành xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/dau-tu/dau-tu-nuoc-ngoai-dong-hanh-cung-khat-vong-viet-nam-120197.html