Đầu tư 'khiêm tốn', doanh nghiệp đường sắt hoạt động cầm chừng

Đầu tư của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt cho phương tiện giao thông đường sắt (đầu máy, toa xe) còn rất khiêm tốn, chỉ hơn 100 tỷ đồng/năm.Đầu tư của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt cho phương tiện giao thông đường sắt (đầu máy, toa xe) còn rất khiêm tốn, chỉ hơn 100 tỷ đồng/năm...

Hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt theo đánh giá của Chính phủ là chưa cao

Mức đầu tư này chưa tương xứng với nhu cầu phát triển ngành công nghiệp đường sắt và đây cũng là lý do làm cho công nghiệp đường sắt hoạt động cầm chừng trong thời gian dài vừa qua.

Đó là nhận định của Chính phủ tại báo cáo việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và việc sử dụng ngân sách nhà nước cho giao thông vận tải đường sắt, được gửi đến Quốc hội tại kỳ họp này.

Theo báo cáo thì vào những năm 80 của thế kỷ 20, khối lượng vận chuyển của đường sắt so với toàn ngành giao thông vận tải đã đạt tới 4,85 tỷ HK.km chiếm 29,2% tổng lượng luân chuyển hành khách toàn ngành giao thông vận tải và đạt 1,00 tỷ tấn.km chiếm 7,5% tổng lượng luân chuyển hàng hóa toàn ngành.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình vận tải khác (đặc biệt là vận tải đường bộ, hàng không), thị phần vận tải đường sắt đã sụt giảm đáng kể. Tính đến năm 2017, khối lượng vận chuyển bằng đường sắt là 3,66 tỷ HK.km chiếm 2,0% tổng lượng luân chuyển hành khách toàn ngành giao thông vận tải và 3,57 tỷ tấn.km chiếm 1,33% tổng lượng luân chuyển hàng hóa toàn ngành.

Hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt theo đánh giá của Chính phủ là chưa cao, chưa tương xứng với giá trị khối tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư. Khả năng cạnh tranh của phương thức vận tải đường sắt so với các loại hình vận tải khác còn hạn chế dẫn đến thị phần vận tải đường sắt trong những năm gần đây có chiều hướng sụt giảm.

Báo cáo cũng nêu định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến 2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo đó, giai đoạn đến 2020 tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam để đạt tốc độ 50 - 60 km/h đối với tàu hàng và 80 - 90km/h đối với tàu khách.

Đồng thời, nâng cấp, cải tạo các nhà ga đường sắt trọng điểm, các nhà ga có lượng hành khách lớn, từng bước xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, đầu tư xây dựng nút giao khác mức tại các điểm giao cắt có lưu lượng giao thông lớn.

Trong giai đoạn này cũng sẽ nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Sài Gòn. Nghiên cứu phương án xây dựng mới các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Sài Gòn - Cần Thơ… phù hợp với quy hoạch và khả năng huy động vốn.

Định hướng về vận tải là đáp ứng khoảng 1 - 2% thị phần vận tải hành khách và 1 - 3% thị phần vận tải hàng hóa; đáp ứng khoảng 4 - 5% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và Tp.HCM.

Giai đoạn từ 2020 đến 2030 triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 - 200 km/h), đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn. Nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt có nhu cầu vận tải lớn, các tuyến nối với các cảng biển lớn, khu công nghiệp, du lịch...

Về vận tải, đáp ứng khoảng 3 - 4% thị phần vận tải hành khách và 4 - 5% thị phần vận tải hàng hóa; đáp ứng khoảng 15 - 20% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và Tp.HCM.

Với phát triển công nghiệp đường sắt, định hướng của Chính phủ là đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại cho các cơ sở công nghiệp đầu máy, chế tạo toa xe, sản xuất ray, phụ kiện và phụ tùng thay thế với tỷ lệ nội địa hóa từ 60 - 80%.

Tầm nhìn đến 2050, báo cáo nêu định hướng phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435mm trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h; hiện đại hóa mạng lưới đường sắt hiện có đáp ứng chủ yếu về nhu cầu vận tải hành khách địa phương và hàng hóa; hoàn thành việc xây dựng đường sắt Tây Nguyên, đường sắt xuyên Á, đường sắt kết nối các khu công nghiệp, cảng biển lớn.

Đáp ứng tối thiểu 5 - 8% thị phần vận tải hành khách và 5 - 6% thị phần vận tải hàng hóa; đáp ứng trên 30% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và Tp.HCM.

Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tại quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội và Tp.HC, dự kiến tại Hà Nội sẽ xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực trung tâm với chiều dài 305 km; nghiên cứu xây dựng kéo dài các tuyến để kết nối với các đô thị vệ tinh.

Đồng thời quy hoạch một số tuyến tàu điện một ray nhằm hỗ trợ và khai thác tốt hơn cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị.

Tại Tp.HCM sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô với chiều dài khoảng 173 km, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail) với chiều dài khoảng 57 km.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân Tp.HCM đang tích cực triển khai đầu tư xây dựng các dự án theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, từng bước thay đổi bộ mặt giao thông đô thị, đồng thời tạo nên dáng dấp đô thị hiện đại tại hai thành phố lớn nhất nước, Chính phủ thông tin.

Nguyên Vũ

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/dau-tu-khiem-ton-doanh-nghiep-duong-sat-hoat-dong-cam-chung-20181105102014945.htm